Ngày 25/10, tại Hà Nội, Cục Di sản đã tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định về cơ sở giám sát cổ vật với sự tham dự của nhiều đại biểu, trong đó có những chuyên gia giàu kinh nghiệm về giám định cổ vật. Đây là lần đóng góp ý kiến cuối cùng cho dự thảo Thông tư này trước khi Cục Di sản trình lên lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Dự thảo Thông tư gồm 4 chương, 17 điều, kèm theo đó là một số mẫu văn bản liên quan đến giám định.
Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Chủ tịch Hội đồng giám định cổ vật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch góp ý kiến: Theo quy định của luật pháp nước ta, những di vật, hiện vật phải từ 100 tuổi trở lên mới được coi là cổ vật. Đối với những di vật, hiện vật lịch sử trong 2 cuộc kháng chiến có ý nghĩa vô giá với dân tộc nhưng chưa đủ thời gian 100 năm để có thể coi là cổ vật, việc giám định sẽ được thực hiện như thế nào vì Thông tư này chỉ dành cho cổ vật? Do đó, vấn đề tên gọi của Thông tư cần phải xem xét lại.
Giáo sư Lưu Trần Tiêu cũng cho rằng: Quy định tại điều 6 về nhân lực tham gia giám định cổ vật phải có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành bảo tàng, khảo cổ, Hán - Nôm là chưa xác đáng, bởi lẽ giám định cổ vật là lĩnh vực đặc thù, nhân lực để đánh giá, thẩm định cổ vật phải linh hoạt, những người có trình độ đại học chưa chắc đã đủ năng lực thẩm định bằng những người có kinh nghiệm, khả năng giám định lâu năm trong giới. Cùng ý kiến với Giáo sư Lưu Trần Tiêu, PGS. Tiến sỹ Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học cũng cho rằng, việc giám định cổ vật ở nước ta hiện nay rất khó khăn do đồ giả cổ vật quá nhiều, thậm chí tràn lan. Để giám định được chính xác là cổ vật, những người chỉ có bằng đại học chưa chắc đã làm tốt nếu chưa kinh qua 15-20 năm nghiên cứu cổ vật, hoặc trực tiếp tham gia vào môi trường giám định cổ vật...
Thanh Giang