Đồng bào Chăm Bàlamôn vui đón Lễ hội Katê

Lễ hội Katê năm 2011 của đồng bào Chăm theo đạo Bà Lamôn tại Ninh Thuận sẽ chính thức diễn ra tại các đền tháp vào ngày 27/9 (nhằm ngày 1/7 Chăm lịch). Là lễ hội thường niên nhưng năm nay lễ hội thêm không khí phấn khởi vì hầu hết bà con được mùa lúa, hoa màu và có Hội chợ thương mại gắn lễ hội Katê được ngành chức năng chuẩn bị từ sớm.

Trong những ngày diễn ra lễ hội, tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội chợ Thương mại - Du lịch - Làng nghề gắn với Lễ hội Katê năm 2011, với khoảng 300 gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán các loại sản phẩm của các doanh nghiệp, làng nghề; giới thiệu các món ăn đặc sản của địa phương. Bên cạnh đó còn có các hoạt động như trò chơi thiếu nhi; thi sáng tạo sản phẩm làng nghề; hội thảo, mô hình liên doanh, liên kết; tọa đàm về kinh nghiệm sản xuất, chế biến và xúc tiến thương mại; tập huấn chuyên đề về làng nghề; biểu diễn sản xuất sản phẩm làng nghề... Đây là cơ hội để thu hút các doanh nghiệp, các làng nghề, các nhà đầu tư và du khách đến với Ninh Thuận, đến với lễ hội Katê, tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Chăm.

Đồng bào dân tộc Chăm ở Ninh Thuận hiện có gần 68.000 người, chiếm 11,3% dân số toàn tỉnh; trong đó có hơn 41.000 người Chăm theo đạo Bàlamôn, sống tập trung ở vùng đồng bằng, xen kẽ với các dân tộc anh em ở 27 thôn-làng (Play) thuộc 12 xã của 7 huyện, thành phố trong tỉnh. Hầu hết, bà con dân tộc Chăm sống bằng nghề trồng lúa; một số làng làm nghề dệt thổ cẩm truyền thống, làm gốm; trồng, kinh doanh thuốc nam và buôn bán nhỏ...

Trong quá trình phát triển phát triển, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh đã đầu tư hằng trăm tỉ đồng xây dựng nhiều công trình thủy lợi vừa và nhỏ, trạm bơm, hồ chứa nước; hệ thống giao thông nông thôn; điện lưới quốc gia phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Các trạm y tế, trường học phủ kín tại 27/27 thôn người Chăm; xây dựng, mở rộng hệ thống chợ phục vụ giao lưu hàng hóa và có cơ chế chính sách cụ thể để giải quyết vấn đề đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều làng nghề được Nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển đô thị như Mỹ Nghiệp, Bàu Trúc, Chung Mỹ...


Tỉnh cũng đã thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình dự án; triển khai nghiên cứu, ứng dụng các đề tài khoa học, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống vùng đồng bào dân tộc Chăm; chú trọng triển khai các đề tài nghiên cứu về lễ lễ hội, văn hóa, nghệ thuật, biên soạn sách, dạy và học chữ Chăm; thực hiện tôn tạo văn hoá vật thể và phi vật thể; trùng tu các tháp Chàm cổ kính; bảo tồn phát triển các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao và tổ chức các lễ hội theo đúng nghi lễ truyền thống của đồng bào; từng bước đẩy lùi các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Chăm ở các địa bàn dân cư ngày càng khởi sắc, góp phần cùng nhân dân địa phương giảm số hộ nghèo còn dưới 8,5%.

Nguyễn Đức Ánh



Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN