Ngày 28/10, tại đền Nưa, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), UBND huyện Triệu Sơn đã long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng di tích cấp quốc gia và công bố quy hoạch tổng thể, phát huy giá trị di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu - gồm núi Nưa, đền Nưa, Am Tiên.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Vương Văn Việt trao bằng công nhận di tích cho lãnh đạo huyện Triệu Sơn. |
Núi Nưa - đền Nưa - Am Tiên là một thắng cảnh nổi tiếng gắn liền với cuộc khởi nghĩa Bà Triệu chống quân Ngô vào năm 248 của nữ tướng Triệu Thị Trinh. Trải qua hơn 1.000 năm, nơi đây vẫn còn lưu truyền nhiều địa điểm, địa danh gắn liền với căn cứ kháng chiến của bà như: Gò Đống Thóc (nơi để kho lúa của nghĩa quân), Đồng Kỵ (nơi nuôi ngựa chiến của nghĩa quân), đền Am Tiên trên đỉnh ngàn Nưa, giếng Tiên (là nơi Bà Triệu rửa mặt mỗi khi xung trận)...
Để tưởng nhớ công ơn Bà Triệu, hàng năm, bắt đầu từ đêm 30 tết đến hết ngày 20 tháng Giêng âm lịch, nhân dân trong vùng đều đặn tổ chức lễ hội đền Nưa - Am Tiên gắn với các di tích trong quần thể di tích tại xã Tân Ninh. Lễ hội được tổ chức trang trọng, mang đậm nét văn hóa truyền thống, cùng với phần lễ là phần hội với những trò chơi dân gian như đấu vật, đánh cờ người, kéo co, đánh đu, bắn cung nỏ... và biểu diễn múa hát dân gian, thơ ca, ca ngợi Khởi nghĩa Bà Triệu và các danh sĩ thời xưa. Với giá trị đó, ngày 27/3/2009, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định công nhận Di tích lịch sử văn hóa danh lam thắng cảnh núi Nưa - địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu gồm núi Nưa, đền Nưa và Am Tiên là di tích, thắng cảnh cấp quốc gia.
Theo kế hoạch, tỉnh Thanh Hóa sẽ đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng trong 5 năm (2011 - 2015) để bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử danh lam thắng cảnh này gắn với phát triển du lịch bằng cách tiến hành bảo tồn tu bổ các di tích gốc như: Đền Nưa, cảnh quan núi Nưa và giếng Tiên, phục hồi lại các công trình đã có nhưng bị phá hủy như: Đền Bà Triệu, chùa Phủ, chùa Ngoài, đền Tu Nưa, động Đào, ao Hóp, am Tiên, khu Đá Bàn... Phạm vi quy hoạch rộng 209,1 ha, trong đó khu vực bảo vệ nghiêm ngặt là đền Nưa 1.375 m2 và toàn bộ núi Nưa - am Tiên. Trong không gian quy hoạch rộng 209,1 ha này sẽ phục dựng một số công trình trọng điểm như: cụm Phủ Nưa - đền Trình gồm Phủ Nưa, Đền Trình, Miếu Trình, công viên Bà Triệu; cụm chùa Ngoài gồm chùa Ngoài, đền Tu Nưa, Bằng Yên Ngựa; cụm Am Tiên gồm đền Bà Triệu, sân Nghĩa sỹ Ngàn Nưa, Phủ Mẫu, chùa Bích Vân, giếng Tiên, động Am Tiên... Đặc biệt, Thanh Hóa sẽ phục dựng lại trục không gian lễ hội đền Nưa với các công trình kiến trúc trọng điểm của khu trung tâm bao gồm: Nhà đón tiếp, cổng chính, sân lễ hội, Đền Trình. Trục không gian lễ hội sẽ được chia thành nhiều lớp không gian nhỏ bằng các công trình kiến trúc, kết hợp hài hòa giữa mặt nước và không gian xanh nhằm tăng thêm sự hấp dẫn du khách. Sân lễ hội hình vuông có diện tích 3,4 ha, có sức chứa cho hàng vạn người tới dự lễ hội...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Vương Văn Việt nhấn mạnh: “Thanh Hóa sẽ xây dựng quần thể Di tích lịch sử văn hóa danh lam thắng cảnh núi Nưa - địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu thành khu di tích tâm linh của Việt Nam, điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, việc quy hoạch phải gắn liền với bảo tồn, góp phần giáo dục truyền thống người Việt Nam. Những tác động mới vào khu vực này phải tuân thủ nguyên tắc bảo tồn các yếu tố gốc, giá trị thẩm mỹ, đa dạng sinh học, tận dụng tối đa địa hình thiên nhiên, tránh san gạt phá vỡ cảnh quan".
Hoa Mai