Chiều 16/1, ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội khẳng định: Đây là công tác bảo quản định kỳ của Trung tâm tránh sự xuống cấp di tích do tác động của môi trường và thời gian.
Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Giải thích về màu vôi vàng, lãnh đạo Trung tâm cho biết, đây là màu nguyên bản của Đoan Môn được quét từ năm 1998, đến nay Trung tâm thực hiện theo đúng như màu gốc.
Ngoài việc quét vôi Đoan Môn và các cổng thông sang khu trung tâm Hoàng thành, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội còn thực hiện bảo quản bề mặt tường, bề mặt phần thành chân tường gạch vồ và hệ thống cửa gỗ, kết cấu mái Vọng Lâu bên trên Đoan Môn.
Đối với hệ thống cửa gỗ, kết cấu gỗ trên mái được vệ sinh làm sạch bụi bẩn, sau đó đánh lại bằng véc ni bằng tay theo phương pháp truyền thống. Hệ thống bánh xe các cửa gỗ bị hỏng cũng được tu sửa và bôi dầu mỡ.
Bên cạnh đó, một số chỗ bị bong vôi vữa cũng được vá lại trong đợt này bằng vật liệu vôi và cát, có thêm một phần xi măng. Các loại rêu mốc, dương xỉ bám trên tường đều bị loại bỏ. Năm 2010, dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Đoan Môn Hoàng thành Thăng Long cũng được tu sửa, quét vôi tương tự như hiện nay.
Cùng với chỉnh trang, bảo quản Đoan Môn, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cũng bảo quản các hố khai quật khảo cổ học bên cạnh Đoan Môn.
Các hố này được sơn toàn bộ hệ thống kết cấu chịu lực mặt kính, làm sạch khu vực đó để nước không xâm thực, lắp lại hệ thống điện để có ánh sáng. Công tác bảo quản các hố khai quật khảo cổ học nhằm mục đích phục vụ khách tham quan trong dịp Tết này.
Công tác bảo quản, chỉnh trang Đoan Môn và các hố khảo cổ học thực hiện từ tháng 12 và Trung tâm cố gắng hoàn thành trước ngày 23 tháng Chạp (âm lịch). Khẳng định đây là công tác bảo quản di tích định kỳ, ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội còn cho biết, chỉ sau 3 tháng quét vôi, các hạng mục sẽ lại nhuốm màu rêu phong như trước.
Cũng trong ngày 16/1, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có văn bản báo cáo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về việc bảo dưỡng, quét vôi di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Theo đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định công tác bảo dưỡng, vệ sinh, quét vôi một số hạng mục của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, định kỳ hàng năm.
Kế hoạch bảo dưỡng, vệ sinh, quét vôi ở một số hạng mục di tích đã được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội trình Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho phép và thực hiện năm 2016. Tuy nhiên, sau khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin thời điểm di tích đang thi công, tạo ra một số hiệu ứng trái chiều.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng khẳng định sẽ rút kinh nghiệm về quy trình thực hiện các hoạt động nghiệp vụ trong quá trình quản lý, bảo tồn di tích và cần lưu tâm việc thông tin cho các cơ quan báo chí trước, trong và sau khi thực hiện một số hoạt động tu bổ, bảo dưỡng di tích.