Ở Việt Nam, đã từng có quan niệm phim tác giả là phim vừa tốn tiền, tốn công, chiếu trong nước không ai xem và dường như phim làm ra chỉ để mang ra nước ngoài chiếu và thi phim. Song, phim tác giả ngoài việc có thể mang về những giải thưởng, nó còn được coi như “sứ giả” của ngoại giao văn hóa Việt Nam, mang những hình ảnh về đất nước, con người, cuộc sống Việt Nam ra thế giới, nhất là trong thời kỳ hội nhập, trong một thế giới toàn cầu hóa, điện ảnh có một lợi thế vô cùng lớn. Bởi lẽ điện ảnh là nghệ thuật trực tiếp, tổng hợp. Vì thế để đưa hình ảnh đất nước đến với bạn bè, không có gì tốt hơn điện ảnh.
Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cũng cho rằng, đối với khán giả, phim nào chiếu lôi cuốn, hấp dẫn thì khán giả sẽ quan tâm và xem nhiều. Nếu phim nghệ thuật mà lay động được, khơi gợi được cảm xúc của khán giả thì đó là thành công rất lớn. Như “Cánh đồng bất tận” vừa qua, là một trong những bộ phim nghệ thuật được nhiều người đánh giá là rất thành công. Ông Dương cho rằng, dù là phim nghệ thuật hay phim thương mại, khi ra rạp mà gây được sự chú ý, làm cho người xem vui vẻ, khơi gợi cảm xúc cho người xem thì sẽ thu hút đông khán giả. Thực tế cho thấy, nhiều phim của nước ngoài khi đưa ra rạp chiếu nhưng khán giả cũng thưa thớt, và nhiều phim Việt Nam khi công chiếu cũng có đông người xem.
Một cảnh trong phim “Cánh đồng bất tận”. |
Về xu hướng phát triển phim Việt trong thời gian tới, theo đánh giá của ông Khuất Duy Tân, Trưởng phòng phổ biến phim (Cục Điện ảnh), chắc chắn trong tương lai, dòng phim nghệ thuật sẽ phát triển mạnh hơn. Bởi khi kinh tế phát triển, mặt bằng dân trí nâng cao lên, nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật cũng sẽ nâng cao dần lên. Với chính sách xã hội hóa điện ảnh như hiện nay, cả nhà nước và tư nhân đều sẽ cùng tham gia làm những bộ phim để lại dấu ấn cho điện ảnh Việt Nam. Để sống được, các đơn vị làm phim sẽ làm những bộ phim thương mại, giải trí. Lãi từ phim thương mại sẽ được các nhà làm phim đầu tư cho phim nghệ thuật để ghi dấu ấn cho mình. Ví dụ như Hãng phim Phước Sang, sau nhiều phim giải trí, đã làm phim “Áo lụa Hà Đông”, tuy doanh thu không lớn, nhưng phim nghệ thuật đó đã để lại dấu ấn, sống mãi trong lòng người xem.
Còn theo nhận định của ông Trần Hinh, trong thời gian tới, điện ảnh nước ta sẽ có khuynh hướng làm phim độc lập, các đạo diễn sẽ tự mình xoay xở, xin tài trợ trong và ngoài nước để có thể cho ra đời những bộ phim nghệ thuật có giá trị cao.
Tuy nhiên, những người quan tâm đến điện ảnh nước nhà đều cho rằng, Nhà nước cần có chính sách đầu tư tốt hơn cho điện ảnh. Không nên tháo khoán cho tư nhân và các nhà làm phim Việt kiều bên ngoài. Những nền điện ảnh lớn trên thế giới hiện nay như Mỹ, Hàn Quốc... thì trước đó, họ cũng được nhà nước đầu tư trong một thời kỳ dài, cho đến khi đủ lớn mạnh. Ví dụ như Hàn Quốc, khi điện ảnh trong nước chưa phát triển, Nhà nước bỏ tiền gửi sinh viên đi học điện ảnh ở nước ngoài, rồi có chính sách ưu tiên cho điện ảnh trong nước; mở trường đào tạo trong nước; đầu tư tiền làm phim... Phải có một thời kỳ chấp nhận “hy sinh” như thế, nước Hàn mới có được nền điện ảnh như chúng ta thấy hiện nay.
Theo ông Khuất Duy Tân, hiện tại, do cơ sở vật chất của chúng ta chưa đầy đủ, hệ thống rạp thiếu thốn nên việc phổ biến phim đến công chúng còn nhiều khó khăn. Trong quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Cục Điện ảnh đã đề nghị vừa Nhà nước đầu tư, vừa xã hội hóa bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng làm thế nào đó để ít nhất mỗi tỉnh có một cụm rạp có từ 3 - 5 phòng chiếu. Khi đó phim nghệ thuật sẽ có cơ hội được công chúng đón nhận nhiều hơn.
Ông Tân cũng cho biết, Cục Điện ảnh cũng đã đề xuất và đang hết sức cố gắng để đưa kênh truyền hình riêng về điện ảnh vào hoạt động khoảng năm 2012. Khi đó đây sẽ là kênh thông tin phù hợp và rộng rãi nhất để đưa các tác phẩm điện ảnh Việt Nam nói chung, các tác phẩm phim nghệ thuật nói riêng đến được với công chúng nhiều hơn.
Lộc Phương