Đi tìm 'màu nâu' của văn hóa Việt

Công phu tỉ mỉ trong mỗi chương trình mình xây dựng, sắc sảo khám phá người khác qua những câu hỏi đắt giá, thông minh, nhà báo, tiến sĩ Tạ Bích Loan đã có buổi trao đổi cởi mở với PV khi nói về cách gìn giữ văn hóa Việt vào buổi giao thời nhạy cảm và phức tạp.


Nhà báo Tạ Bích Loan


- Gần đây, chị có theo dõi những bài viết với góc nhìn khá tiêu cực về văn hóa Việt Nam hiện đại không? Suy nghĩ của chị về hiện tượng này?


Gần đây, nhiều bài viết về những tính cách không hay của người Việt được đăng tải trên mạng và được lan truyền rất nhanh. Nhìn vào những bài viết này, ta có thể thấy một số bạn trẻ không hài lòng với nhiều điều về người Việt và trao đổi về những điều đó cũng là một cách tự kiểm điểm để tiến bộ.


Tuy nhiên, lật ngược lại vấn đề, tôi nghĩ người ta thường chỉ nhìn thấy những gì người ta muốn thấy. Người ta đã làm một thí nghiệm như sau: người tham gia được yêu cầu nhìn ra xung quanh trong vòng 30 giây và ghi nhớ khung cảnh, lưu ý những gì có màu trắng. Sau đó họ sẽ được yêu cầu kể lại xem họ có nhìn thấy cái gì màu nâu không? Kết quả là họ cảm thấy rất khó khăn để nhớ xem có nhìn thấy cái gì màu nâu không vì họ đã tập trung nhìn vào những thứ màu trắng. Nếu chỉ tập trung nhìn vào những cái xấu thì bạn khó lòng nhận ra những điều tốt.


- Vậy theo chị đâu là điều tốt để người Việt tự tin, tự hào?


Trong một chương trình truyền hình gần đây, khi tôi hỏi Paul Adam, một giáo sư người Mỹ chuyên tư vấn về kĩ năng lãnh đạo: ông thấy người Việt cần biết điều gì về chính mình? Câu trả lời ngắn gọn của ông là: Tính cách kiên cường.


Phải vậy chăng? Kiên cường là khả năng giữ được sự bền bỉ và đáp trả những tác động của cuộc đời dù khó khăn gian khổ đến đâu. Dân tộc Việt Nam chúng ta có một số phận quá gian truân. Trải qua hết thử thách này đến thử thách khác, dù mệt mỏi, thất vọng, cô đơn, giận dữ hay đau khổ đến đâu, thì chúng ta cũng vẫn phải bước tiếp. Lịch sử và vị trí địa lý đã tạo nên tính cách người Việt chúng ta như ngày hôm nay và đó là một di sản mà chúng ta cần biết và giữ. Kiên cường phải chăng là tính cách được tôi rèn từ trong gian khó mà người bạn Mỹ đã nhận ra ở người Việt nam.


Thế nhưng khi tôi đặt câu hỏi này trên mạng xã hội, đại đa số các ý kiến đều dịch từ kiên cường theo một nghĩa xấu như ương bướng, bảo thủ, lì đòn,... Nhiều bạn cho rằng kiên cường chỉ có tác dụng ở thời chiến tranh.


Tuy nhiên bạn hãy nhìn vào ngày hôm nay đi: Tai nạn, bệnh tật, khủng khoảng kinh tế, thiên tai, rất nhiều điều đang xảy ra mà chúng ta không kiểm soát được trong cuộc sống. Nếu chúng ta không học được cách để vượt qua tất cả khó khăn, thất bại thì làm sao có thể đi đến đích của mình. Nếu không như vậy thì làm sao chúng ta có thể tạo ra những giá trị thật, kiên trì đeo đuổi nó để tạo ra những thành công bền vững.


- Đức tính kiên cường này, chị có thể nói rõ hơn ý nghĩa của nó trong sự phát triển văn hoá và kinh tế?


Một trong những yếu tố tạo nên sự kiên cường là khả năng tìm về lịch sử để nhận ra điểm đặc biệt của mình ở đâu và trân trọng nó. Chỉ khi chúng ta nhận biết bản thân và những điều làm nên chúng ta ngày hôm nay, chúng ta mới có thể trở về với chính mình. Nhiều người đã không nhận ra điều này và rơi vào trạng thái chán nản, mất phương hướng.


Cũng giống như vậy, nhiều bạn trẻ tức giận với những biểu hiện xấu của những người xung quanh, nhưng liệu các bạn có đang quên rằng chúng ta có những điểm đặc biệt tạo nên người Việt Nam ngày hôm nay mà chúng ta cần hiểu biết và nâng niu. Sự kiên cường được tạo nên từ niềm tin vào sức mạnh nội tại của bản thân, và chỉ có những người kiên cường mới biết mình có giá trị gì, mới dám đi con đường của mình mà không nghiêng ngả.


Trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa ngày hôm nay chúng ta chỉ có thể thành công nếu chúng ta thực sự đi sâu vào tìm hiểu lịch sử và di sản dân tộc để tìm thấy những giá trị, những nét đẹp còn mãi với thời gian của nước nhà. Một lần nữa, chỉ khi hiểu điểm đặc biệt của mình ở đâu, và kiên cường thực hiện việc đeo đuổi những giá trị đó, chúng ta mới định vị được dấu ấn riêng của Việt nam.


Chính vì vậy, vai trò của những thương hiệu truyền thống Việt Nam trong công cuộc hội nhập là rất quan trọng. Mỗi thương hiệu mang "một dáng hình, một lối sống ông cha" và là những di sản quý để cho Việt Nam niềm tin vào chính mình và sự kiên cường để đi lên trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.


- Nói đến các thương hiệu trong vai trò di sản cho niềm tự hào dân tộc như chị nói, có phải chỉ cần thương hiệu lâu đời là đủ?


Tôi thấy rằng thời gian là một tài sản của những thương hiệu lâu đời nhưng chỉ với sự sáng tạo không ngừng nhằm đáp ứng xu thế của thời đại để làm mới giá trị nguyên bản họ mới thành công và được người thưởng thức trân trọng, yêu thương như những giá trị đáng để người Việt chúng ta tin tưởng và tự hào.


HY (Thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN