Cà phê với Phan Đăng Di chiều cuối năm lãng đãng sương mù trong một quán nhỏ ở con phố “rặt Hà Nội”, anh cho biết đang vô cùng bận rộn với hai dự án phim: “Cha và con và Những chuyện khác”... do anh sản xuất và đạo diễn, cùng phim “Đập cánh giữa không trung”, Nguyễn Hoàng Điệp đạo diễn. Bên cạnh đó là một dự án mới hợp tác với bốn đồng nghiệp đến từ các nền điện ảnh khác nhau của châu Á: Thái Lan, XriLanca, Inđônêxia và Bănglađét; mà ở đó Phan Đăng Di và các đồng nghiệp sẽ phải trả lời câu hỏi, thông qua cách của mình: 5 ngày trước khi thế giới sụp đổ bạn sẽ làm gì?
Câu hỏi không mới, thậm chí nghe có vẻ bông phèng, bởi thực tế, trong những cuộc “trà dư tửu hậu” đã có không ít người đặt ra những câu hỏi đại loại như thế. Với anh, một nhà làm phim, anh sẽ làm gì thông qua câu chuyện mà mình định kể?
Khi được mời làm dự án này lúc đầu tôi cũng… hơi buồn cười. Tôi sẽ làm gì trong năm ngày cuối cùng, nếu thực sự có cái ngày thế giới sụp đổ? Câu hỏi này, đối với tôi, hoàn toàn nghiêm túc mà chẳng có gì thể hiện sự bông phèng hay đùa cợt ở đây cả, bởi nó đưa ra nhiều giả định, nhiều vấn đề khác nhau.
Nghĩ mông lung, rồi tôi quyết định mình sẽ kể một câu chuyện gì đó có dính dáng đến điện ảnh một chút. Tôi nghĩ, dù cho thế giới có tàn tạ thế nào đi nữa thì con người ta vẫn không thôi ảo tưởng về chính mình. Và, điện ảnh cũng là một ảo tưởng lớn đối với nghệ sỹ!
Câu chuyện đó cụ thể sẽ là…?
Tôi sẽ kể một câu chuyện liên quan đến một nữ diễn viên điện ảnh đã hết thời. Bà muốn mình thật đẹp trước khi chết. Một cô bé người Thái, vì quyến luyến một cái gì đó như là tính nữ của bà, mà tự nguyện đến giúp bà thư giãn, làm đẹp mỗi ngày. Để kể câu chuyện này, tôi chọn vịnh Hạ Long, nơi mà tôi nghĩ có thể nhiều người sẽ muốn đến đó trước khi chết…
Có vẻ như anh là người ưa suy ngẫm! Có một đồng nghiệp đã từng nói với tôi rằng, bất cứ một vấn đề gì đó gợi ra, anh cũng muốn dẫn người nghe trôi về cảm giác nào đó (!?). Anh khiến người đối diện có cảm giác anh không mạch lạc…
Thú thật là nhiều lúc tôi cũng làm cho diễn viên hoang mang. Ví dụ như khi làm “Bi, đừng sợ”, có những cảnh quay tôi mất cả tháng trời, quay đi quay lại. Tại sao vậy? Là tại vì tôi luôn luôn cảm thấy có gì đó chưa ổn. Một khi tôi không tin thì tôi không thể nào làm xong một cảnh quay, hay vượt qua một cảnh quay…
Hay, bởi vì anh là một con người cầu toàn, một đạo diễn khó tính?
Không phải tôi khó tính, mà vì tôi cần xác tín cho niềm tin của mình trong mỗi thước phim. Tôi cho rằng, tất cả những câu chuyện trên đời đều đã được kể cả rồi. Chúng ta đừng hivọng là mình đang kể một câu chuyện mới. Vấn đề là chúng ta kể câu chuyện của mình như thế nào mà thôi!
Với một người làm phim độc lập giàu cá tính sáng tạo như anh, điều gì là quan trọng nhất?
Cách kể chuyện là quan trọng bậc nhất! Một bộ phim hay nghĩa là người làm phim có cách kể chuyện hay. Tôi đã xem rất nhiều phim của thế giới. Càng xem nhiều thì càng cảm thấy khó, và càng biết sợ. Thế giới họ đã làm rất giỏi mọi thứ liên quan đến điện ảnh rồi. Cho nên, thách thức lớn nhất của mỗi đạo diễn trẻ là phải đưa ra được cái gì đó của riêng mình. Trong khi đó, để đưa ra cái gì đó của riêng mình, được khán giả và đồng nghiệp, không chỉ trong nước mà cả quốc tế thừa nhận là điều vô cùng khó khăn. Trong quan niệm của tôi, làm phim nghĩa là đuổi theo một cái gì đó mang dấu ấn cá nhân, phải quên đi chuyện khán giả nhiều hay ít. Nếu phim mình làm cho chính mình lại nhận được sự đồng cảm của khán giả, thì đó là sự cộng hưởng lý tưởng nhất…
Các đạo diễn trẻ Việt Nam trong những năm qua thực sự đã tạo nên một diện mạo mới cho điện ảnh. Tuy nhiên, tiếng nói của điện ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế còn rất khiêm tốn. Theo anh, chúng ta cần phải làm gì để chinh phục khán giả quốc tế, để điện ảnh Việt Nam được biết đến nhiều hơn?
Tôi luôn tự hỏi, khi làm phim, có cần thiết phải phân biệt khán giả trong nước hay người nước ngoài không? Người đạo diễn, trước tiên hãy là khán giả độc tài nhất của mình. Với tôi, và chắc rằng sẽ có người suy nghĩ giống như tôi, một bộ phim hay không có biên giới về khán giả. Thực tế là rất nhiều bộ phim của thế giới đã làm xúc động khán giả Việt Nam, cần biết chọn vấn đề và cách thể hiện thế nào đó để thế giới họ có thể hiểu được mình, thì điện ảnh Việt Nam mới ra được thế giới.
Nhờ vào những thành công đã đạt được, anh có cơ hội tiếp cận với nhiều nước có nền điện ảnh phát triển. Vậy theo anh, đâu là những hạn chế của các đạo diễn trẻ Việt Nam, trong đó có mình?
Những người làm phim trẻ chúng tôi đang ở trong một giai đoạn rất chông chênh của điện ảnh Việt. Rất nhiều thứ để tạo ra một môi trường điện ảnh, một không gian điện ảnh… chúng ta còn thiếu. Nếu ở các nước phát triển, người đạo diễn trẻ không bị nhọc công vì bất cứ điều gì ngoài chuyên môn, bởi họ đã có sẵn một nền tảng vững chắc, cái gì cũng chuyên nghiệp, hoàn hảo. Còn ở ta, sự lộn xộn, thiếu chuyên nghiệp, đồng bộ là câu chuyện của toàn xã hội, không riêng gì điện ảnh. Đạo diễn trẻ họ cũng phải mưu sinh. Đến một lúc nào đó họ cũng phải quăng mình vào một sự lựa chọn an toàn. Và chạy theo thị hiếu khán giả, dễ dãi chẳng hạn, lâu dần sẽ trở thành lối mòn, muốn quay trở lại không được nữa. Không có cơ hội rèn nghề, nâng mình lên thì có thể bị cùn mòn, dẫn đến bị đào thải…
Điện ảnh là một ngành nghệ thuật, nhưng nó cần những thứ cụ thể như đào tạo nhân lực, kiến thức trường quay, bổ sung, nâng cao kỹ thuật… Trong khi đó, ở nước ta vấn đề này…
Đúng là điện ảnh là một ngành nghệ thuật, nhưng nó cần những thứ cụ thể như đào tạo nhân lực, kiến thức trường quay, bổ sung, nâng cao kỹ thuật… Các đạo diễn giỏi ở các nước láng giềng cạnh ta, thực chất họ đã phải đến nhiều nước có nền điện ảnh tiên tiến để học nghề. Tôi cho rằng, trong điều kiện hiện nay, những gì mà một số đạo diễn thế hệ chúng tôi làm được là rất tốt, rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, có một thực tế, chúng ta không thể muốn có nhiều quả khi mà chũng ta không chịu tưới cây. Khán giả của chúng ta cũng đừng quá đáng, ở chỗ lúc nào cũng đòi hỏi phim hay mà không bao giờ muốn đầu tư cho đòi hỏi đó của mình. Rất nhiều gia đình bỏ tiền cho con đi du học nước ngoài, ở những ngành nghề “Hot” như tài chính, ngân hàng, nhưng chẳng mấy ai muốn bỏ tiền cho con đi học điện ảnh. Có lẽ bởi họ thấy rằng cái mà họ nhận được từ sự đầu tư của mình nó mơ hồ quá chăng, nó không thể đong đếm được chăng?
Khá lâu mới lại thấy anh bắt tay triển khai một dự án mới. Hẳn việc làm phim đối với Phan Đăng Di không phải là chuyện dễ dàng?
Nhiều lúc tôi cứ nghĩ rằng, việc làm phim đối với tôi có nhiều lúc lại giống như việc… đuổi theo một con ma (!). Vì ngoài ý tưởng của người đạo diễn, nó phụ thuộc vào diễn viên, vào điều kiện kỹ thuật, và nhiều yếu tố khác. Cho nên, người đạo diễn gần như không có tự do. Đấy là chưa kể những người làm phim độc lập như tôi lại còn phải lo tìm tài chính cho phim của mình. Để nhận được tiền tài trợ của một dự án nào đó, tôi phải làm người ta tin về bộ phim tôi sắp làm, những ý tưởng phải được thuyết trình một cách thấu đáo…
Tôi cho rằng, đang ngày càng ít đi những người ảo tưởng, biết sở hữu một ước mơ nào đó. Ngay cả trẻ con cũng đang cạn dần ước mơ! Chúng ta đang tự đánh mất đi một thế giới rất đẹp của mình, chỉ bởi chúng ta tỉnh táo và thực tế quá. Sẽ không có điện ảnh, và không có cả nghệ thuật, nếu chúng ta không còn mong muốn chạm tay vào ước mơ.
Xin cảm ơn anh! Chúc anh một mùa xuân viên mãn, tràn đầy niềm vui và hạnh phúc!.
Minh Anh- Minh Tập (thực hiện)