Ngày 13/6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã thông báo kết quả thực hiện giai đoạn I (2008-2012) dự án “Công bố, phổ biến tài sản văn hóa dân gian các dân tộc Việt Nam” và phương hướng triển khai giai đoạn II (2013-2017).
Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam Tô Ngọc Thanh cho biết: Dự án nhằm lựa chọn các công trình, tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc về văn hóa, văn nghệ các dân tộc, các vùng miền. Nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, sáng tác nhiều lĩnh vực, dự án tập trung vào các chủ đề chủ yếu của văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam như: Văn học dân gian (ca dao, hò vè, truyện kể, sử thi), nghệ thuật biểu diễn dân gian (ca, múa nhạc, sân khấu), nghệ thuật kiến trúc, trang trí trong nhà, trên nền vải, trên áo mũ, các phong tục tập quán, hội xuân, các công trình địa chí cho tỉnh, xã, huyện, các tri thức dân gian khác (nghề thủ công, kinh nghiệm dự báo thời tiết…). Đặc biệt, tập trung vào các tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc như dân tộc Kinh, Thái, Tày, Mông, Mường, Dao, Cao Lan, Sán Chay, Sán Chỉ, Kháng, Mảng, Khơ Mú, Phù Lá, Pú Nả, Bố Y, Pu Péo, Tà Ôi, Vân Kiều, Ka Tu, Kơho, Châu Ro, Chăm, Bana, Giơ rai, Êđê, Mơ Nông, Giẻ Triêng, Chăm Hroi, Bana Kriêm, Stiêng, Rơ Ngao, Sơ Đăng, Khmer… Giai đoạn I, dự án đã sưu tầm và công bố 1.000 công trình, tác phẩm tiêu biểu của 446 tác giả về văn hóa dân gian các dân tộc đưa vào kho sách của hệ thống thư viện công cộng. Các tác phẩm được công bố có nội dung phong phú, đa dạng, phản ánh sâu sắc truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Sau khi hoàn thành giai đoạn I, dự án sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn II (2013-2017) với việc công bố 1.500 công trình văn hóa dân gian.