Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, đền Bảo Lộc thôn Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc (Nam Định) thu hút hàng vạn du khách thập phương đến đi lễ đầu năm.
Là di tích lịch sử văn hóa quốc gia đã được xếp hạng, nơi đây có lễ hội Trần Hưng Đạo nổi tiếng trong vùng tuy nhiên do thiếu sự quản lý của ngành văn hóa và chính quyền địa phương, đền Bảo Lộc đang bị biến thành một khu chợ lộn xộn, với đầy đủ các dịch vụ được vẽ ra để "chặt chém" khách hành hương.
Hôm nay mồng 5 Tết (tức 23/2) là ngày nghỉ cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, nên lượng khách đến các điểm di tích trên địa bàn tỉnh Nam Định rất đông. Nhiều người ở tỉnh xa đi lễ đầu năm theo tuyến du lịch tâm linh tới các điểm di tích, danh thắng trong vùng như Đền Trần-Chùa Tháp, đền Bảo Lộc, Phủ Dày (Nam Định), Bái Đính (Ninh Bình)... Từ đầu sáng nay, từng đoàn người với cả nghìn phương tiện từ nhiều tỉnh, thành khác nhau trong khu vực tấp nập đổ về đền Bảo Lộc để đi lễ đầu năm với ước vọng cầu tài, lộc, sức khỏe.
Hàng quán la liệt tại đền Bảo Lộc. Ảnh: Nguyễn Trường/TTXVN |
Những bất cấp tại di tích quốc gia này từ nhiều năm nay vẫn chưa được khắc phục. Khách hành hương khi bước vào từ cổng đền đã có cảm giác như đi vào một khu chợ. Có tới khoảng 30 kiốt nằm dọc hai bên lối vào, trong sân đền la liệt hàng quán với đủ thứ để bán, từ viết sớ, bán ấn trạch, bùa hộ mệnh, hàng mã, cờ đến đổi tiền lẻ. Đặc biệt, khu vực hiên đền chính cũng được bố trí tới 7-8 quán bán sớ, bùa, đổi tiền lẻ. Cứ thấy khách đến, các chủ quán đua nhau mời chào. Bùa, ấn, trạch... có đủ loại được bán với giá từ 10-20 nghìn đồng/chiếc, bùa loại nhỏ chỉ ở mức 5.000 đồng.
Tại khu vực bên phải đền chính cũng mọc lên 3-4 hàng quán cung cấp các dịch vụ ăn uống, như phở bò, bún giả cầy, bia, nước giải khát... Du khách khi có nhu cầu ra khu vệ sinh của nhà đền cũng phải mua vé với giá đồng hạng 3.000 đồng/lượt. Ngoài ra, giá vé trông giữ phương tiện cũng được thu ở mức trên trời: xe máy 10 nghìn đồng, ô tô từ 30 đến 50 nghìn đồng tùy loại lớn nhỏ.
Đền Bảo Lộc xưa là khu thái ấp của An Sinh Vương Trần Liễu (thân phụ của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo), nay là nơi thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và gia đình của Ngài. Đền được công nhận là di lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1988. Hàng năm vào các ngày từ 10-20 tháng Tám âm lịch, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội truyền thống Trần Hưng Đạo (giỗ Đức Thánh Trần), với ý nghĩa tưởng nhớ và tri ân tài, đức, công lao của Trần Hưng Đạo. Lễ hội thu hút hàng vạn khách thập phương.
Trong những năm gần đây, để thu hút khách hành hương, nhà đền đã vẽ ra thêm các loại lễ hội không phù hợp, thậm trí chưa từng tồn tại như lễ khai ấn vào đêm 14 tháng Giêng để ăn theo Lễ hội khai ấn đền Trần và lễ Trần Quốc Toản ra quân vào đêm 24 tháng Giêng.
Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định cho rằng: Việc tổ chức lễ khai ấn ở đền Bảo Lộc là không đúng, còn lễ Trần Quốc Toản ra quân là hoàn toàn bịa đặt vì đền không thờ Trần Quốc Toản. Nguyên nhân của những bất cập nêu trên là do thiếu sự quản lý của các cấp, các ngành, khiến hoạt động tâm linh tại đền Bảo Lộc đang bị thương mại hóa ở mức trầm trọng.
Năm 2007, UBND huyện Mỹ Lộc ra quyết định thành lập Ban quản lý di tích do một Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban. Nhưng tổ chức này không thể hoạt động được vì người dân địa phương cương quyết giữ đền đến cùng vì sợ mất nguồn thu. UBND huyện Mỹ Lộc và xã Mỹ Phúc đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với đại diện người dân thôn Bảo Lộc nhưng các bên không đạt được sự thống nhất, vì họ cho rằng đền là của cộng đồng nên phải trả cho cộng đồng quản lý.
Hiện UBND xã Mỹ Phúc chỉ được quản lý 11 ngày lễ hội tháng 8, dịch vụ trông giữ phương tiện (cho đấu thầu hơn 1 tỷ đồng/năm) và khoản thu cứng 26 triệu đồng/năm cùng một số khoản mềm khác. Tổng thu xã có được (đã trừ hết các chi phí) là hơn 2 tỷ/năm. Còn lại là do nhà đền thu.
Ông Đỗ Quang Lưu, Chánh Văn phòng UBND huyện, người phát ngôn của UBND huyện Mỹ Lộc cho biết: Để chia sẻ công bằng "lộc" của đền, từ nhiều năm nay, người dân thôn Bảo Lộc tổ chức bầu luân phiên một nhóm 3 thủ nhang ra quản lý. Thủ nhang được bầu là "trai đinh" sinh ra và lớn lên ở làng, người tuổi cao hơn được bầu trước. Mỗi người (nam giới) của làng Bảo Lộc được làm thủ nhang một lần trong đời. Như thế, các thủ nhang chỉ với nhiệm kỳ 1 năm đã và đang ra sức "tận thu". Tổng nguồn thu một năm lên tới gần 20 tỷ đồng. Sau một năm nhiệm kỳ, mỗi thủ nhang "bỏ túi" tới 3-4 tỷ đồng hoặc nhiều hơn.
Nguyễn Trường (TTXVN)