Bảo vệ, phát huy giá trị di sản Ca trù:Đường còn dài...

Ngày 13/10/2011, tại Hà Nội, Viện Âm nhạc Việt Nam, Cục Di sản văn hóa (Bộ VH, TT & DL) đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả kiểm kê di sản văn hóa Ca trù.

Buổi giao lưu nghệ thuật Ca trù tại trung tâm văn hóa Pháp.


Những khó khăn, bất cập trong việc bảo vệ, phát huy di sản Ca trù... đã được các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và đại diện của 15 tỉnh, thành có nghệ thuật Ca trù nêu lên trong hội nghị. Đồng thời hội nghị cũng đã bàn bạc, để tìm phương án tối ưu cho loại hình nghệ thuật truyền thống cần được bảo vệ khẩn cấp này.

Đang dần trở lại

Theo định kỳ 4 năm/lần, UNESCO sẽ kiểm kê việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản của những hồ sơ đã được vinh danh. Từ khi Ca trù được UNESCO đưa vào danh sách di sản cần bảo vệ khẩn cấp đến nay, đây là lần đầu tiên ngành văn hóa tổ chức cuộc hội thảo để đại diện của 15 tỉnh, thành có loại hình Ca trù ngồi bàn bạc, tìm phương án tối ưu phát triển bộ môn nghệ thuật của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thất truyền.

Cái “được” thấy rõ nhất sau khi Ca trù được vinh danh là sự phát triển mạnh mẽ hơn của Ca trù trong cuộc sống. Theo ông Lê Văn Toàn, Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam, nếu như năm 2004, cả nước mới có 22 câu lạc bộ (CLB) Ca trù ở 15 tỉnh, thành vốn có truyền thống sinh hoạt Ca trù cổ, thì đến nay con số này đã là hơn 51 CLB Ca trù. Dịp kiểm kê phục vụ xây dựng Hồ sơ trình UNESCO, cả nước chỉ có 150 người biết đàn, hát, thì lần kiểm kê này (10/2011) đã có trên 500 thành viên tham gia đàn hát Ca trù ở các CLB trong toàn quốc, trong đó có 21 nghệ nhân đã theo nghề từ năm 1945.

Bên cạnh đó, nhiều di tích liên quan đến Ca trù ở các địa phương như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hưng Yên... đã được trùng tu, tôn tạo. Nhiều bài bản cổ đã được truyền dạy cho lớp trẻ; nhiều hiện vật, nhạc cụ cổ được sưu tầm, tái hiện trong đời sống sinh hoạt Ca trù tại các địa phương. Và đặc biệt là nhiều nghệ nhân, nhất là các cụ nghệ nhân Ca trù đã được tôn vinh...

Còn nhiều khó khăn

Ông Lê Văn Lộc, Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa TP Hồ Chí Minh cho biết, đến tháng 9/2011, TP Hồ Chí Minh có 14 đào nương, tuổi đời cao nhất là 85 tuổi, “ trẻ” nhất là 37 tuổi. Có 8 kép chơi đàn đáy, 5 nghệ sĩ đánh trống chầu. Nếu so số dân trên 8 triệu của TP.HCM, thì số nghệ nhân Ca trù hiện nay quá ít ỏi, chỉ chiếm tỷ lệ 1/hơn 333.000 dân. Trong đó, nhiều nghệ nhân ngày càng già yếu... Nếu không có bước đột phá trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Ca trù, không có chính sách đầu tư phù hợp, nguy cơ khoảng một hai thập niên nữa, TP.HCM sẽ không còn trên bản đồ là địa phương có di sản Ca trù.

Còn theo đại diện của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, tuy là nơi có phong trào Ca trù phát triển mạnh nhất và có nhiều câu lạc bộ, nhóm Ca trù hoạt động, nhưng thực tế, số đào nương, kép đàn, trống chầu tuy đông về số lượng, trẻ về tuổi tác nhưng chất lượng lại kém. Số nghệ nhân giỏi nghề đã mất mát nhiều, số còn lại tuổi cao, sức yếu, có người đã bỏ nghề lâu nên sự điêu luyện cũng như thể cách giảm đi nhiều...

Một khó khăn khác cũng được đề cập đến tại Hội nghị này là không gian môi trường diễn xướng của Ca trù còn bó hẹp, không gian diễn xướng như xưa gần như không còn tồn tại. Hiện nay, các chuyên gia đang giúp các cộng đồng tái hiện lại không gian biểu diễn Ca trù. Đồng thời sắp xếp lại vị trí của đào nương, kép đàn, trống chầu trên sân khấu cho đúng vị trí như bài bản cổ nhưng đây mới chỉ là bước đi ban đầu, cần phải nỗ lực cố gắng trong thời gian dài tiếp theo để giúp cộng đồng sở hữu di sản hiểu rõ về bản chất di sản Ca trù.

Theo GS.TSKH Tô Ngọc Thanh (Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam), việc Ca trù được UNESCO vinh danh đã có tác động đến toàn dân, nhiều người đã quan tâm đến loại hình nghệ thuật này. Tuy nhiên, việc bảo vệ, gìn giữ không phải là vấn đề một sớm một chiều, mà là vấn đề lâu dài. Ngay cả ngày xưa, thời Ca trù phát triển, cũng chỉ có một số ít người biết nghe, thích nghe Ca trù mà thôi. Để ngày càng có nhiều người đều biết nghe Ca trù, cần phải làm dần dần, từng bước một nhưng đến đâu chắc đến đó.

Được biết, Viện Âm nhạc Việt Nam đã có bản báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về kế hoạch thực hiện dự án “Nghiên cứu, truyền dạy, phát huy và kiểm kê di sản Ca trù năm 2012” với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Dự án sẽ tập trung nghiên cứu, truyền dạy, kiểm kê và trình diễn Ca trù. Nếu được triển khai, đây sẽ là bước khởi đầu có hiệu quả cho công cuộc phục hồi, phát huy giá trị của Ca trù trong đời sống hiện tại. Tuy nhiên, Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng, cần phải có dự án trình Chính phủ, kiến nghị Chính phủ ra văn bản gửi các tỉnh, yêu cầu các tỉnh hàng năm cấp kinh phí cho công tác truyền dạy, bảo tồn và gìn giữ di sản Ca trù, có như vậy, việc bảo tồn di sản Ca trù mới có hiệu quả.

Phương Lan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN