Thông qua hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa, các nghệ nhân, diễn viên đã mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị, độc đáo, phác họa nên bức tranh cuộc sống đời thường của từng dân tộc anh em. Qua đó, vừa góp phần bảo tồn các giá trị truyền thống, vừa thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết giữa cộng đồng dân tộc lại với nhau.
Trong khuôn khổ Ngày hội (từ ngày 29/11 đến 1/12), Đoàn đến từ các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng đã triển khai nhiều hoạt động đặc sắc như: Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc; không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương; trưng bày, giới thiệu ẩm thực truyền thống của địa phương; liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc vùng Tây Nguyên; triển lãm Đặc trưng văn hóa các dân tộc vùng Tây Nguyên trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Lễ mở kho lúa của người Rơ Măm (làng Le, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum), Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê (tỉnh Đắk Lắk), Lễ mừng mùa “Răm Rhơn Lôch Kach Koi” của người M’nông (tỉnh Đắk Nông)…được cộng đồng các dân tộc tái hiện một cách đặc sắc. Các nghệ nhân trình diễn nghề thủ công đậm đà bản sắc văn hóa Tây Nguyên như đan lát, làm gốm nung, tạc tượng, dệt vải…
Nghệ nhân Kră Janh Krong (tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ, Ngày hội tạo điều kiện cho bà con 5 tỉnh Tây Nguyên có dịp hội tụ và trình diễn nét độc đáo của dân tộc mình. Mỗi dân tộc có phong tục, tập quán riêng nhưng có những điểm tương đồng nhất định. Thông qua dịp này, nghệ nhân có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với nhau trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa và lan tỏa trong cộng đồng.
Du khách Lê Hồng Hạnh (tỉnh Bình Định) phấn khởi cho biết, gia đình rất may mắn khi tham gia và trải nghiệm sự độc đáo của Ngày hội bởi sự góp mặt của các nghệ nhân đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên. Nét văn hóa của từng dân tộc tạo nên một Ngày hội sôi động, náo nhiệt, đậm đà bản sắc văn hóa, mang lại cho du khách những trải nghiệm thú vị.
Tỉnh Kon Tum đã giải ngân hơn 6,6 tỷ đồng để thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2022-2023, trong đó tập trung khôi phục bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống, lễ hội của dân tộc Rơ Măm; khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, lưu giữ, trưng bày di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; hỗ trợ xây dựng mô hình văn hóa truyền thống, trang thiết bị tại các thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Kon Tum còn phối hợp với Vụ Văn hóa Dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xây dựng mô hình mẫu Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa, nghệ thuật dân gian tại làng Long Loi (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà); mô hình điểm sinh hoạt văn hóa gắn với phát triển du lịch của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum và lớp truyền dạy về văn hóa truyền thống của dân tộc Xơ Đăng (huyện Sa Thầy), dân tộc Ba Na (huyện Kon Rẫy).
Nghệ nhân A Ét (làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) chia sẻ, Rơ Măm là một trong những dân tộc thiểu số rất ít người tại Việt Nam. Vì vậy, việc lưu truyền và bảo tồn các giá trị văn hóa là rất cần thiết. Thông qua những lễ hội, thế hệ trẻ thấy được nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Từ đó phát huy hơn nữa bản sắc của dân tộc, hướng đến truyền dạy cho con cháu.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum Phan Văn Hoàng cho biết, thời gian tới, tỉnh tập trung thực hiện các mục tiêu trọng tâm về bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa nhà rông truyền thống các dân tộc thiểu số tại chỗ giai đoạn 2021-2025; đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn; bảo tồn trang phục truyền thống và lập hồ sơ khoa học các di sản văn hóa trình các cấp ghi danh, công nhận. Định kỳ hai năm/lần tổ chức Hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tây Nguyên là một trong sáu vùng kinh tế lớn của đất nước và là vùng đất sinh sống của nhiều tộc người khác nhau. Mỗi tộc người lại bao gồm nhiều nhóm địa phương và có những sắc thái văn hóa riêng được hình thành trên những tương đồng văn hóa của vùng, mang đậm sắc màu Tây Nguyên, cấu thành nền văn hóa Việt Nam phong phú, đậm đà bản sắc.
Đến nay, Tây Nguyên còn là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể vô cùng đặc sắc, phong phú, vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị thẩm mỹ độc đáo như nhà rông, nhà dài, đàn đá, các lễ hội và kho tàng văn học dân gian với những bản trường ca, truyện cổ, truyện ngụ ngôn, làn điệu dân ca đậm đà bản sắc.
Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm phát triển toàn diện và bền vững vùng Tây Nguyên. Trong đó, xác định “Xây dựng nền văn hóa Tây Nguyên tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thống nhất trong đa dạng, tôn trọng các giá trị văn hóa khác biệt giữa các dân tộc, coi đây là động lực, nền tảng cho phát triển và hội nhập quốc tế của vùng”.
Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Thị Hải Nhung cho rằng, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số của khu vực. Đây là sự kiện quan trọng trong việc tôn vinh, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời là cơ hội để nghệ nhân, diễn viên, vận động viên gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và nâng cao trách nhiệm trong bảo tồn, phát huy hơn nữa nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng.
Thông qua các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội, những thành tựu về văn hóa tạo dựng qua nhiều thế hệ sẽ được nối tiếp, có tính kế thừa sâu sắc và tô đậm hơn theo thời gian của lịch sử. Đó cũng là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, khát vọng vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban, Bộ, ngành Trung ương và 5 tỉnh Tây Nguyên tiếp tục tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên theo hướng định kỳ hai năm/lần.