“Bản tình ca khúc khuỷu” là tập hợp 16 truyện ký về “những con người thật, những sự việc đã xảy ra, những cuộc đời cụ thể đã bị số phận khắc dấu”.
Đó là cuộc đời hai người phụ nữ đã gồng gánh một mình chăm sóc gia đình, sau khi chồng đi bộ đội, để rồi khi chiến tranh kết thúc, chồng trở về, hai bà nhận ra mình không thể có thai, và quyết định cho chồng lấy vợ khác để “góp hai cuộc đời lại cho một cuộc đời” (Hai bà mẹ xóm Cồn). Đó là tình yêu son sắt, chung thủy của cô giáo trẻ đối với người yêu chịu án tù chung thân, nhưng khi sự thật được phơi bày thì “cuộc đời cô, tình yêu của cô, gió bụi cuộc đời đã rứt đi, tan tác biết mấy thu rồi…!” (Bản tình ca khúc khuỷu). Và nhiều mảng đời khác nữa, tang thương có, bi kịch có, nhưng ẩn sâu bên trong là nghị lực sống, là sống cho xứng đáng kiếp làm người, vì “thiên chức buộc họ trót phải mang… có tên chung là ngõ đàn bà”.
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Hồng Lam thường được biết với cái tên “Người của giang hồ” - theo tên một tác phẩm nổi tiếng của tác giả, và cũng vì đề tài anh theo đuổi nhiều nhất trong mỗi bài viết là chuyện của giang hồ.
Các bài viết của tác giả gai góc, làm bật lên thân phận con người, khiến người đọc không khỏi xúc động.