Ấn tượng nghệ thuật truyền thống Việt Nam đương đại trên sân khấu quốc tế

Thầy và trò trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đã đưa vở diễn lấy cảm hứng, chất liệu từ nghệ thuật chèo với tên gọi “Như hạt mưa sa” tới với Liên hoan Sân khấu các Trường Sân khấu châu Á (ATEC) lần thứ VII tại Bắc Kinh (Trung Quốc).

Chú thích ảnh
Nhân vật Thị Mầu, Thị Kính trong vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính. Ảnh: ĐHSKĐA

“Như hạt mưa sa” là một vở diễn với phong cách đặc biệt, lấy cảm hứng, chất liệu từ nghệ thuật chèo truyền thống, nhưng lại mang đậm hơi thở của sân khấu đương đại. Với sự sáng tạo trong việc sử dụng chất liệu chèo truyền thống và diễn xuất đương đại, đạo diễn TS. NSUT. Bùi Như Lai - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, cùng toàn thể ekip thực hiện vở diễn "Như hạt mưa sa" đã mang đến một trải nghiệm nghệ thuật độc đáo, vô cùng mới mẻ, tạo nên ấn tượng sâu sắc, đầy cảm xúc cho khán giả quốc tế.

Vở diễn mang đến một cái nhìn sâu sắc về cuộc sống và thân phận của ba người phụ nữ trong chế độ phong kiến. Câu chuyện xoay quanh ba nhân vật chính: Nhân vật Thị Mầu (vai nữ lệch - đào lệch); Thị Kính (vai nữ chính - đào thương) trong vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính và nhân vật Xúy Vân (vai nữ pha - đào pha) trong vở chèo Kim Nham. Đây đều là những nhân vật giữ vai trò quan trọng trong kịch bản chèo, mỗi người đều có một cuộc sống đầy bi kịch và trăn trở riêng, những nhân vật mang tính ước lệ, có tính văn học cao.

Chú thích ảnh
Nhân vật Xúy Vân trong vở chèo Kim Nham. Ảnh: ĐHSKĐA

Với tình huống và câu chuyện phức tạp, vở diễn "Như hạt mưa sa" tạo ra một không gian biểu diễn đa chiều, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Bằng cách kết hợp chất liệu Chèo truyền thống với diễn xuất đương đại, vở diễn "Như hạt mưa sa" nhằm truyền tải thông điệp sâu sắc về sự tự do, quyền lựa chọn và quyền tự quyết của phụ nữ. Nó mở ra một cửa sổ tinh tế để khám phá sự đối nghịch giữa truyền thống và sự tiến bộ, và thể hiện sự mâu thuẫn và sự đấu tranh của những người phụ nữ trong một xã hội bị kiềm chế bởi những quy tắc cũ kỹ.

Đáng chú ý, các diễn viên là giảng viên và sinh viên đến từ Khoa Kịch hát dân tộc; khoa Sân khấu, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội chính là diễn viên thực hiện vở diễn này.

Chú thích ảnh
Sân khấu 3 mặt trong Nhà hát của Học viện Hý kịch Trung ương, Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: ĐHSKĐA

Chia sẻ về vở diễn này, đạo diễn TS. NSUT. Bùi Như Lai cho biết: Thời xưa, chèo thường được biểu diễn ở các sân đình, sân chùa, sân nhà các gia đình quyền quý... Sân khấu chèo thường chỉ là một chiếc chiếu trải giữa sân, đằng sau treo chiếc màn nhỏ. Diễn viên biểu diễn trên chiếu, nhạc công ngồi hai bên mép chiếu, còn khán giả có thể đứng xem ở cả ba phía: trước và hai bên sân khấu.

Chú thích ảnh
Các diễn viên giao lưu cùng khán giả. Ảnh: ĐHSKĐA

Trải qua quá trình lịch sử phát triển lâu dài, không gian biểu diễn nghệ thuật chèo cũng dần thay đổi. Ngày nay, chèo không chỉ được biểu diễn ở sân đình làng quê mà còn được dàn dựng để biểu diễn trên những sân khấu lớn có sự hỗ trợ của hệ thống thiết bị âm thanh ánh sáng hiện đại.

Việc sử dụng âm nhạc chèo - một trong những bộ phận cốt lõi tạo nên nghệ thuật sân khấu chèo, đã đem đến một không gian sân khấu truyền thống đậm nét văn hóa Việt. Với biên chế dàn nhạc Chèo gồm đầy đủ bộ hơi, bộ dây, bộ gõ, đạo diễn “Như hạt mưa sa” đã khéo léo kết hợp hài hòa để các nhạc công không chỉ đóng vai trò trong việc đệm cho hát, làm nền cho cảnh diễn, tạo tình huống kịch, mở màn cho vở diễn v.v… mà các nhạc công đã trở thành chính những nghệ sĩ trình diễn có mặt xuyên suốt trên sân khấu.

Chú thích ảnh
Trao giải Biểu diễn xuất sắc. Ảnh: ĐHSKĐA

Vở diễn “Như hạt mưa sa” với bài trí sân khấu đơn giản, đạo diễn Bùi Như Lai đã tập trung sử dụng tấm chiếu Chèo làm điểm nhấn đồng thời cũng là đạo cụ xuyên suốt vở diễn. Từ “tấm chiếu Chèo” đặc trưng, sơ khai của nghệ thuật biểu diễn Chèo, nay, qua sự dàn dựng khéo léo mang nhiều hàm ý, đạo diễn đã thổi hồn cho tấm chiếu Chèo, để nó không chỉ là một tấm chiếu trải nền sân khấu đơn thuần nữa, nó như một đạo cụ sống, đóng nhiều vai trò xuyên suốt vở diễn, làm nổi bật các tình tiết câu chuyện của các nhân vật khác nhau.

Tại Liên hoan Sân khấu các Trường Sân khấu châu Á lần thứ VII, vở diễn "Như hạt mưa sa" được trình diễn trên một sân khấu 3 mặt trong Nhà hát của Học viện Hý kịch Trung ương, cùng với sự hỗ trợ của cơ sở vật chất và kỹ thuật sân khấu hiện đại của nhà hát, vở diễn đã đem tới cho khán giả quốc tế trải nghiệm thưởng thức nghệ một cách trọn vẹn, được hòa mình trong một không gian nghệ thuật truyền thống mang đậm nét văn hóa của người Việt.

Vở diễn đã tạo nên sức hút đặc biệt, gây ấn tượng sâu sắc với khán giả quốc tế. Đồng thời, lần đầu tiên trong lịch sử tham dự Liên hoan Sân khấu các trường sân khấu Châu Á có chủ đề “Sức quyến rũ của Sân khấu truyền thống châu Á”, đoàn Việt Nam đạt thành tích dẫn đầu với 1 giải Vở diễn ưu tú và 2 giải Biểu diễn xuất sắc.

Chú thích ảnh
Thầy và trò trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội tham dự Liên hoan Sân khấu các Trường Sân khấu châu Á lần thứ VII. Ảnh: ĐHSKĐA

“Sau khi kết thúc vở diễn kéo dài một giờ đồng hồ, vở diễn nhận được tràng vỗ tay tán thưởng không ngớt từ khán giả. Sau đó, khán giả đã ở lại kín khán phòng để được giao lưu, thảo luận cùng đoàn biểu diễn “Như hạt mưa sa”.

Khán giả Trung Quốc và quốc tế đã thể hiện sự yêu thích tới vở diễn “ Như hạt mưa sa” đồng thời cũng bày tỏ rất nhiều sự quan tâm đến ý tưởng, thủ pháp dàn dựng vở diễn, và đặc biệt là vấn đề: “Làm thế nào để thể hiện một cách hiệu quả những tác phẩm sân khấu truyền thống trên sân khấu hiện đại”; “Làm sao đưa sân khấu truyền thống mang hơi thở đương đại, để có thể tiếp cận gần hơn, rộng hơn tới khán giả hiện đại...”, TS. NSUT. Bùi Như Lai hạnh phúc chia sẻ.

Sự đón nhận nồng nhiệt từ công chúng quốc tế cũng như những giải thưởng cao dành cho vở diễn “Như hạt mưa sa” tại Liên hoan Sân khấu các Trường Sân khấu châu Á lần thứ VII là một tín hiệu lạc quan cho sân khấu truyền thống Việt Nam và cũng góp phần khẳng định cho trình độ và nhiệt huyết của đội ngũ những người sáng tạo nghệ thuật sân khấu trẻ đương đại.

Minh Tuệ/Báo Tin tức
Giữ lửa nghệ thuật truyền thống hát múa Bả trạo
Giữ lửa nghệ thuật truyền thống hát múa Bả trạo

Dù cuộc sống nhiều khó khăn và các loại hình nghệ thuật truyền thống bị lấn át bởi các phương tiện giải trí khác, nhưng bằng tình yêu và lòng đam mê văn hóa truyền thống, người dân xã Bình Thạnh (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) luôn nỗ lực khôi phục, bảo tồn nghệ thuật truyền thống hát múa Bả trạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN