Trong quá trình hội nhập và phát triển, hoạt động âm nhạc nói chung, âm nhạc cổ truyền dân tộc Việt Nam nói riêng đang đứng trước những biến đổi và thách thức lớn.
Nhằm nhận diện rõ thực trạng, đồng thời tìm giải pháp bảo tồn, phát huy âm nhạc cổ truyền dân tộc, đưa âm nhạc cổ truyền dân tộc phục vụ cho cuộc sống, ngày 23/10/2012, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc (thuộc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam) đã tổ chức hội thảo “Âm nhạc dân tộc với cuộc sống con người hôm nay”. Nhiều đại biểu tham dự hội thảo đã có những ý kiến tâm huyết góp phần gìn giữ và phát huy giá trị của âm nhạc cổ truyền dân tộc.
Nghệ thuật thương mại lấn át
Thực tế cho thấy, nghệ thuật dân tộc nói chung, âm nhạc cổ truyền dân tộc nói riêng đã và đang bị tác động rất lớn bởi cơ chế thị trường. Nhiều loại hình âm nhạc cổ truyền đang mờ dần bản sắc, thưa vắng người nghe, người xem.
Một bộ phận lớp trẻ chỉ quan tâm đến nhạc thương mại, nhạc nước ngoài mà quay lưng với âm nhạc dân tộc, khiến những người tâm huyết với âm nhạc cổ truyền lo ngại, các nghệ sỹ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc cổ truyền cũng gặp nhiều khó khăn.
Ca trù một trong những loại hình âm nhạc dân tộc rất cần được sự quan tâm đầu tư. Ảnh: Lê Phú |
Theo nhạc sỹ Mai Tuyết Hoa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc, đất nước mở cửa, tiếp thu những luồng văn hóa khác lạ, kể cả độc hại từ phương Đông, phương Tây... xâm nhập vào, khiến văn hóa dân tộc nói chung, âm nhạc cổ truyền nói riêng đang bị mờ dần bản sắc. Sự xâm nhập của văn nghệ nước ngoài ngày càng mạnh, càng sâu tạo ra sự tranh chấp gay gắt trong đời sống tinh thần của cộng đồng Việt Nam.
PGS.TS Lê Văn Toàn, Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam thừa nhận, hiện nay, nhiều chương trình âm nhạc, nghệ thuật được đưa lên sóng phát thanh, truyền hình giới thiệu với công chúng nhưng thiếu tính thẩm mỹ cho công chúng âm nhạc và chưa thực sự để lại ấn tượng tốt cho công chúng.
Trong khi đó, nhiều loại hình âm nhạc bác học, nhạc kịch, nhạc thính phòng, giao hưởng có chất lượng nghệ thuật, có tính thẩm mĩ cao cũng như nhiều di sản âm nhạc cổ truyền dân tộc Việt Nam lại được (hay bị) “quan tâm lệch”, thiếu sự ưu tiên, thiếu sự đầu tư “cân bằng” từ kinh phí đầu tư, ý thức thưởng thức của công chúng đến đội ngũ biểu diễn, đội ngũ thực hành kế cận...
Chẳng hạn, những chương trình âm nhạc nghiêm túc, di sản âm nhạc dân tộc thì chỉ được giới thiệu trong thời gian mọi người đang đi làm hoặc đã đi... ngủ. Trong khi nhiều chương trình âm nhạc giải trí, chất lượng nghệ thuật chưa cao, tính giáo dục thấp lại chiếm được những “giờ vàng” và xuất hiện nhiều lần bởi có kinh phí tài trợ... thực trạng này đang ngày càng phổ biến đã ảnh hưởng không nhỏ đến trình độ, khả năng thưởng thức âm nhạc của công chúng.
Đầu tư cho con người
Các loại hình nghệ thuật kịch hát dân tộc như tuồng, chèo, cải lương..., các loại hình dân ca quan họ, hát xoan, ví dặm... là những sản phẩm văn hóa do nhân dân sáng tạo ra, trở thành món ăn tinh thần, có vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống của người dân các dân tộc Việt Nam, là nhân tố góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc... Chính vì vậy, để âm nhạc cổ truyền dân tộc phát huy giá trị, phù hợp, với yêu cầu mới của sự phát triển thì rất cần được sự quan tâm, đầu tư đúng mức của toàn xã hội.
Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, muốn bảo tồn các hình thức văn hóa nghệ thuật này cho muôn đời sau, chúng ta không thể phó mặc cho cộng đồng, mà cần có sự vào cuộc một cách đúng đắn của toàn xã hội, mà trung tâm là ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Song cũng cần có sự vào cuộc của các nhà hảo tâm, các “Mạnh thường quân” nhưng là vào cuộc với mục đích giữ gìn văn hóa chứ không phải vì mục đích kinh doanh...
Còn theo nhạc sỹ Mai Tuyết Hoa, để tiếp tục đưa âm nhạc truyền thống đi sâu vào đời sống xã hội, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá và tôn vinh các loại hình âm nhạc dân gian truyền thống, tôn vinh các nghệ nhân, nghệ sỹ đang nắm giữ kho di sản quý báu của dân tộc.
PGS.TS Lê Văn Toàn thì cho rằng, mỗi ngành, đơn vị, đặc biệt là các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa về vấn đề đào tạo con người, sử dụng những người yêu nghề, giỏi nghề đúng chỗ, phù hợp để phát huy được nhiều thế mạnh của âm nhạc cổ truyền... Cũng theo ông Toàn, để mọi người hiểu và yêu nghệ thuật, yêu âm nhạc cổ truyền, chúng ta cũng cần chú ý đến vai trò dẫn giải âm nhạc, diễn giải nghệ thuật để công chúng hiểu. Chẳng hạn, trước khi giới thiệu một làn điệu dân ca, một loại hình âm nhạc cổ truyền đến với công chúng, cũng cần giới thiệu cho người nghe những kiến thức cơ bản, hoặc kể hoàn cảnh ra đời, môi trường diễn xướng... của làn điệu dân ca đó hoặc loại hình âm nhạc đó, để công chúng hiểu hơn, từ đó sẽ quan tâm hơn.
Để làm được điều này, ông Toàn cho rằng, Nhà nước cần có sự đầu tư đồng bộ, thỏa đáng. Từ đội ngũ làm chuyên môn trong giáo dục đào tạo, biểu diễn, nghiên cứu âm nhạc... đến đầu tư bồi dưỡng nâng cao thẩm mĩ, trình độ thưởng thức cho công chúng; đầu tư cơ sở vật chất cũng như chế độ đãi ngộ cho công tác đào tạo, biểu diễn, có chính sách ưu tiên những tài năng trẻ... Bởi việc đầu tư và sử dụng con người hợp lý, đúng chỗ sẽ là bước chuẩn bị tốt cho sự phát triển mới nhằm nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng, trong đó có lĩnh vực hoạt động và thưởng thức âm nhạc dân tộc, có như vậy, mới có thể bảo tồn và phát huy được giá trị của âm nhạc cổ truyền trong cuộc sống mới.
Phương Hà