Suốt chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, thành phố luôn khẳng định được vị thế, vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - thể thao, giáo dục, khoa học, kỹ thuật, y tế, du lịch, dịch vụ của tỉnh Thái Nguyên; là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, thể thao, du lịch, đầu tầu phát triển của vùng trung du miền núi Bắc Bộ; là một trong những đô thị tạo động lực, một cực phát triển của vùng thủ đô Hà Nội; có vai trò kết nối giữa vùng thủ đô Hà Nội và vùng trung du miền núi Bắc Bộ.
Ngày mới thành lập, thành phố Thái Nguyên có diện tích tự nhiên hơn 100 km2, dân số khoảng 60 nghìn người. Trong tiến trình phát triển, địa giới hành chính của thành phố đã nhiều lần được điều chỉnh quy hoạch, nâng cấp, mở rộng theo hướng phát triển hai bên bờ sông Cầu, có tính chất liên kết vùng cao, tạo dư địa, định hướng, tầm nhìn để phát triển bền vững. Đến nay, thành phố có diện tích tự nhiên 222,93 km2, gấp hơn 2 lần so với diện tích cũ; có 32 đơn vị hành chính, gồm 21 phường, 11 xã với dân số gần 40 vạn người; có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh.
Từ đô thị loại III trực thuộc tỉnh, năm 2002, thành phố Thái Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại II. Sau 8 năm tiếp tục xây dựng và phát triển, năm 2010 thành phố Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Từ đó, thành phố đã đầu tư nhiều dự án, công trình để nâng cấp, cải tạo, cải thiện hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị, mang đến cho thành phố diện mạo mới ngày càng văn minh, hiện đại “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”.
Những năm gần đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của thành phố Thái Nguyên ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại với nhiều công trình trọng điểm, mang tính chiến lược, tạo điều kiện thuận lợi liên kết vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Điển hình như: đường Việt Bắc, cầu Bến Tượng, Di tích lịch sử Quốc gia TNXP, Đại đội 915, Khu đô thị Danko City …
Bên cạnh đó, với sức hấp dẫn từ môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, thành phố hiện dẫn đầu các địa phương trong tỉnh với gần 100 dự án, đạt tổng mức đầu tư trên 200 nghìn tỷ đồng. Hệ thống giao thông nội thị phát triển nhanh, 100% giao thông nông thôn được kiên cố hóa đã từng bước đưa diện mạo đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp; điều kiện vệ sinh môi trường có nhiều cải thiện rõ rệt. Ngay từ năm 2016, thành phố đã được công nhận hoàn thành về trước kế hoạch nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố những năm qua luôn đạt tăng trưởng cao, ở mức 2 con số, bình quân cả giai đoạn 5 năm (2016 - 2020) đạt 15,75% năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thương mại, dịch vụ giữ vững vai trò chủ đạo, thu ngân sách hằng năm đạt trên 3.000 tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng thu ngân sách toàn tỉnh… Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; số hộ dân khá giả, giàu có không ngừng tăng lên; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm mạnh, chỉ còn 0,7%. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của Đảng bộ thành phố tiếp tục được củng cố, tăng cường trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Đảng bộ thành phố hiện có 100 tổ chức cơ sở (TCCS) đảng trực thuộc với 27.769 đảng viên. Hằng năm, toàn Đảng bộ có trên 98% TCCS đảng và trên 85% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có 15% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Việc tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân được duy trì nền nếp; kịp thời giải quyết tốt những vướng mắc, phát sinh từ cơ sở, tạo đồng thuận trong nhân dân.
Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân thành phố Thái Nguyên đã vinh dự được Đảng, Nhà nước và tỉnh trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” (năm 1998); được tặng thưởng 02 Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2002, 2017); Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2012), hạng Ba (năm 2007) và nhiều phần thưởng cao quý khác. 19 tập thể trên địa bàn thành phố (trong đó có 10 phường, xã) đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; 114 bà mẹ được trao tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; trên 3 vạn đối tượng được tặng, truy tặng huân, huy chương kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ…
Bước vào chặng đường mới, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Thái Nguyên sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
Một là, tiếp tục nâng cao chất lượng tăng trưởng; đưa ngành dịch vụ giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế của thành phố. Coi trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường. Ưu tiên phát triển mô hình kinh tế đêm, hình thành khu phố đi bộ, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Hai là, ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng đô thị thông minh, đồng bộ, hiện đại, có tính chất liên kết vùng cao, đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chí của đô thị loại 1. Tăng cường công tác quản lý, chỉnh trang, phát triển đô thị, bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững, phù hợp với quy hoạch.
Ba là, phát huy tốt nhất lợi thế so sánh, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực, sản phẩm có thế mạnh “đặc biệt” của thành phố như: Vùng chè đặc sản Tân Cương; khu du lịch Hồ Núi Cốc; Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Di tích lịch sử Quốc gia TNXP, Đại đội 915… để thu hút đầu tư, phát triển các loại hình du lịch, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm, giáo dục truyền thống.
Bốn là, phát huy sức mạnh, giá trị văn hóa, xây dựng con người thành phố Thái Nguyên văn minh, thanh lịch. Phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; ưu tiên đầu tư nhiều hơn cho phát triển giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao mức sống, thu nhập và hưởng thụ văn hóa của nhân dân… Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; không để xảy ra “điểm nóng” phức tạp về an ninh chính trị trên địa bàn.
Năm là, đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền từ thành phố đến cơ sở; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội cán bộ, công chức, viên chức thành phố, bảo đảm phục vụ tốt nhất các nhu cầu cua người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển là nền tảng để thành phố Thái Nguyên tiếp tục vững bước, hướng tới và thực hiện thành công những mục tiêu cao hơn, quyết tâm xây dựng thành phố trở thành đô thị văn minh, hiện đại, phát triển xanh, bền vững và toàn diện./.