NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác thành lập mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn chuyển vốn chính sách đến tận thôn bản, giúp đồng bào tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước ngay tại nơi cư trú nhanh gọn, dễ dàng, tiết kiệm thời gian và chi phí. Hiện số hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn dư nợ với NHCSXH là 70.000 hộ, với số tiền gần 2.500 tỷ đồng để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.
Từ dòng vốn này đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc miền núi của tỉnh từ 24,04% đầu năm 2015 xuống còn 12,8% cuối năm 2020, các huyện nghèo 30a giảm bình quân 5% hàng năm giai đoạn 2015-2020.
Chúng tôi đến xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, giáp nước bạn Lào, nơi mà đời sống đồng bào dân tộc Đan Lai đang đổi thay từng ngày. Chị La Thị Thanh, ở bản Cửa Rào đã qua 2 lần vay vốn chính sách để nuôi 1 cặp trâu sinh sản và trồng lúa nước kết hợp làm kinh tế trang trại cho thu nhập 30-50 triệu đồng/năm.
Chị La Thị Nguyệt, ở bản Tân Sơn, đã biết sử dụng vốn chính sách hiệu quả và mạnh dạn làm theo sự hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi của cán bộ khuyến nông huyện nên có 4 sào cấy lúa nước năng suất cao cùng với 8.000 m2 đất đồi phủ kín màu xanh của rừng keo xanh tốt. Khi thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt đã ổn định gia đình chị mua thêm máy xay xát phục vụ bà con trong bản, đồng thời trả hết nợ vay ngân hàng chính sách. Gia đình chị là hộ đầu tiên của người Đan Lai viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.
“Sự đổi mới về tư duy không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ vào Nhà nước của chị Nguyệt đã tạo sự lan tỏa, thay đổi nhận thức trong cộng đồng người Đan Lai về tinh thần chủ động, chịu khó lao động sản xuất và việc vay vốn, sử dụng vốn vay chính sách đúng mục đích, đạt hiệu quả để vươn lên thoát nghèo” ông Lương Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Môn Sơn khẳng định.
Chia tay vùng quê của người Đan Lai giữa vườn quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, chúng tôi ngược lên Tương Dương, là huyện có diện tích tự nhiên lớn nhất nước ta với 282.000 ha. Được biết hàng năm bình quân NHCSXH tạo điều kiện cho khoảng 6.000 hộ tiếp cận nguồn vốn chính sách của Nhà nước.
Tính đến 31/10/2021, tổng dư nợ vốn vay ở Tương Dương là 472 tỷ đồng, trong đó quá một nửa lượng vốn được ưu tiên cho các bản làng đặc biệt khó khăn và dọc vành đai biên giới. Xốp Cháo là bản làng của đồng bào Khơ Mú, nằm cách biệt 20 km đường sông nước với trung tâm xã Lượng Minh. Nơi đây chưa có điện thắp sáng, không có đường ô tô vào, vậy mà được NHCSXH “phủ sóng”. Từ nhiều năm qua, thông qua 2 tổ tiết kiệm và vay vốn, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, kể cả hộ mới thoát nghèo được tiếp cận thuận lợi với các chương trình tín dụng chính sách. Đồng vốn ưu đãi đã thúc đẩy đàn gia súc của bản lên 614 con, gia cầm 1380 con, trong đó có hộ tham gia nuôi trên 30 con trâu, bò, nâng diện tích lúa nước từ 2 ha lên 13,8 ha, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 44% năm 2018, nay còn 29,2%. Tiêu biểu có chị Lò Thị Duyên nhờ đồng vốn vay của chương trình hộ nghèo đã nuôi được cả đàn trâu bò 10 con béo khỏe, trồng 8 sào cây ăn quả, thu ngót 50 triệu đồng/năm.
Tại “ốc đảo” Xốp Cháo, chúng tôi gặp gỡ các hộ dân sử dụng vốn vay chính sách hiệu quả trong sản xuất, vươn lên thoát cảnh nghèo khó, lạc hậu như anh Moong Văn Mảy, chị Moong Thị Thức, ông Hùng Văn Thắng… Trưởng bản Lô Văn Hưng hồ hởi cho biết; “Nhờ sự giúp đỡ của địa phương và NHCSXH huyện Tương Dương, người Khơ Mú ta được vay vốn ưu đãi kịp thời và đã bỏ hẳn tập quán đốt rừng làm rẫy, nuôi trâu bò thả rông, không còn túng thiếu, lại biết cách khai hoang vỡ đất trồng cây ăn quả, nuôi vỗ béo gia súc, gia cầm, bán được giá cao, làm nhà ở kiên cố khang trang, cuộc sống ấm no dần”.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần đưa miền Tây Nghệ An xích lại gần với miền xuôi, cảnh xa xôi, nghèo khó đang được đẩy lùi dần.