Với vai trò Hãng hàng không Quốc gia và quan tâm thúc đẩy du lịch bền vững, Vietnam Airlines đã kết hợp với MoMo Travel triển khai sáng kiến “Góp Lá Vá Rừng” hướng đến chiến dịch 'Vì một Việt Nam xanh và phát triển bền vững'. Trong sáng kiến này, hai bên sẽ đồng trích doanh thu nhằm tạo nguồn kinh phí phục hồi rừng, giúp mảng xanh đại ngàn được tiếp nối liền mạch.
Với mỗi giao dịch thành công đặt vé máy bay Vietnam Airlines trị giá từ 2.000.000 VNĐ trực tiếp trên MoMo Travel hoặc thanh toán vé máy bay Vietnam Airlines bằng siêu ứng dụng MoMo, khách hàng sẽ đóng góp 5.000 VNĐ (tương ứng với đơn vị 1 ‘Lá’) cho mục tiêu phục hồi 50 ha rừng tự nhiên nối giữa Mai Châu (Hòa Bình) và Vân Hồ (Sơn La). Chiến dịch chính thức diễn ra từ ngày 5/6/2024 đến hết ngày 31/12/2024.
Ông Đặng Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines chia sẻ: “Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines luôn dành sự ưu tiên cho các hoạt động thúc đẩy phát triển bền vững, trong đó có bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí carbon. Đối với mục tiêu này, chúng tôi cho rằng phục hồi rừng là một trong những cách hiệu quả và thiết thực nhất. Với năng lực, uy tín của các đơn vị tham gia chương trình và sự ủng hộ của cộng đồng, chúng tôi tin tưởng chiến dịch sẽ đạt được những thành công tốt đẹp, góp phần tạo ra một Việt Nam xanh và phát triển bền vững. Chiến dịch còn là sự hưởng ứng mạnh mẽ đối với xu hướng giảm phát thải ròng và ngăn chặn biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn thế giới”.
Ông Nguyễn Hoành Tiến, Phó Tổng Giám đốc Cấp cao, Phụ trách Khối giải pháp Tiếp thị và Phân phối cho biết: “MoMo không chỉ là siêu ứng dụng phổ biết nhất Việt Nam mà còn là nền tảng quyên góp trực tuyến hiệu quả nhờ việc tận dụng linh hoạt phương tiện số, đem lại trải nghiệm thiện nguyện mới mẻ cho người dùng. Thông qua chiến dịch lần này, chúng tôi rất vinh dự khi cung cấp nền tảng và giải pháp công nghệ như một cầu nối, thể hiện sự ủng hộ dành cho xu hướng du lịch bền vững tại Việt Nam. Thông qua mỗi giao dịch đặt vé, MoMo Travel tự hào góp phần phục hồi vẻ đẹp tự nhiên của những cánh rừng Tây Bắc. Chúng tôi hy vọng chiến dịch sẽ lan tỏa thông điệp tích cực, nâng cao ý thức về bảo vệ rừng đến đông đảo người dân Việt. Nhờ đó, công cuộc hồi sinh những cánh rừng sẽ nhanh cán đích và phát triển bền vững cho các thế hệ sau”.
Đồng hành cùng Vietnam Airlines và MoMo Travel, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), tổ chức phi lợi nhuận với 20 năm kinh nghiệm trong các hoạt động bảo tồn thiên nhiên sẽ đảm nhiệm việc xây dựng kế hoạch, thiết kế phương án trồng phục hồi, chuẩn bị cây giống, kết nối với cộng đồng, chính quyền địa phương để tổ chức trồng rừng, theo dõi và giám sát để những diện tích rừng này được hồi sinh lâu dài.
Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cho hay: “Phục hồi rừng là nhiệm vụ cấp bách trong thập kỷ bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái này. Tuy nhiên, sự nghiệp này đòi hỏi sự bền bỉ và đồng lòng của toàn xã hội, trong đó sự góp sức của cộng đồng địa phương và hỗ trợ của doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Trong các năm qua, PanNature đã triển khai trồng phục hồi rừng tại Sơn La và chúng tôi đang tiếp tục thực hiện hoạt động này trong Chương trình “Rừng Xanh Lên” nhằm hồi sinh dải rừng tự nhiên nối giữa Hòa Bình và Sơn La, giúp mở rộng sinh cảnh sống cho quần thể Vượn nguy cấp, đồng thời thúc đẩy các giải pháp sinh kế xanh cho khu vực sinh thái trọng yếu này. Chúng tôi vô cùng trân trọng sự chung tay của Vietnam Airlines và Momo, đồng thời hy vọng sẽ nhận được sự tiếp sức của toàn thể cộng đồng thông qua chiến dịch “Vì Một Việt Nam Xanh và Phát Triển Bền Vững”.
Dải rừng tự nhiên trên hành lang núi đá kết nối giữa Hòa Bình và Sơn La là một trong những “lá phổi xanh” của Việt Nam, ngọn nguồn của dòng sông Đà, sông Hồng chảy xuôi về đồng bằng Bắc Bộ. Không những vậy, nơi đây còn ngôi nhà chung của loài Vượn đen má trắng, loài linh trưởng đặc hữu, cực kỳ nguy cấp trên toàn cầu - cùng nhiều loài động thực vật hoang dã khác. Tuy nhiên, dưới tác động của các hoạt động khai thác và canh tác của con người, khu vực rừng này đã và đang bị suy thoái, phân mảnh nghiêm trọng. Nếu chỉ dựa vào sự hồi sinh tự nhiên, cánh rừng này sẽ cần rất nhiều thời gian mới có thể tự “chữa lành”. Song, nhờ bàn tay và sự giúp đỡ của con người, quá trình phục hồi rừng sẽ diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.