Vaccine: Vũ khí mới trong phòng chống sốt xuất huyết

Vaccine sốt xuất huyết do Bộ Y tế phê duyệt vào tháng 5/2024 đang được kỳ vọng là một giải pháp bổ sung hiệu quả, góp phần toàn diện hóa chiến lược phòng, chống sốt xuất huyết. Hiện vaccine sốt xuất huyết đã có mặt tại các trung tâm tiêm chủng nhà nước và tư nhân.

Chú thích ảnh
GS.TS Vũ Sinh Nam, Chánh văn phòng Hội Y học dự phòng Việt Nam chủ trì triển lãm Hành trình ba thập kỷ phòng, chống sốt xuất huyết tại Hà Nội.

Để cung cấp thông tin khoa học về chiến lược quản lý sốt xuất huyết dengue mới, Công ty TNHH dược phẩm Takeda Việt Nam phối hợp cùng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh và Hội Y học dự phòng Việt Nam tổ chức chuỗi hội thảo khoa học tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội vào cuối tháng 9 vừa qua, với chủ đề “Vaccine: Vũ khí mới trong phòng chống sốt xuất huyết”.

Chuỗi hội thảo còn là cơ hội cho các cơ quan quản lý y tế và kiểm soát bệnh, các chuyên gia trong nước và quốc tế trao đổi kinh nghiệm, cũng như tìm kiếm các khả năng hợp tác trong phòng chống và kiểm soát dịch sốt xuất huyết dengue. Song song đó, triển lãm "Hành trình ba thập kỷ phòng, chống sốt xuất huyết" tại Hà Nội cũng được tổ chức.

Theo Bộ Y tế, sốt xuất huyết dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue lây truyền qua muỗi vằn. Bệnh được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng. Hiện Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia hứng chịu hậu quả nghiêm trọng từ sốt xuất huyết. Các chuyên gia cảnh báo sốt xuất huyết dengue đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi không còn mang tính chu kỳ mà có xu hướng mở rộng các vùng lưu hành dịch.

Với vai trò là đồng chủ tọa của hội thảo tại Hà Nội, Viện trưởng Viện sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE), Chủ tịch Hội Y học dự phòng Việt Nam, GS.TS.BS Phan Trọng Lân cho biết: "Trong những năm gần đây, Chính phủ, Bộ Y tế cùng các cơ quan liên ngành và người dân Việt Nam đã rất nỗ lực để đạt được nhiều kết quả tích cực trong phòng, chống sốt xuất huyết dengue, đặc biệt là giảm tỷ lệ tử vong. Việc đưa vaccine sốt xuất huyết dengue vào sử dụng cùng các biện pháp dự phòng truyền thống như kiểm soát véc-tơ, phòng chống muỗi đốt và nâng cao nhận thức cộng đồng là một bước tiến quan trọng đối với công cuộc phòng, chống sốt xuất huyết dengue”.

Theo GS.TS.BS Phan Trọng Lân, chiến lược phòng ngừa tích hợp này, nếu hiệu quả, sẽ giúp giảm gánh nặng của dịch bệnh sốt xuất huyết dengue đối với người dân và hệ thống y tế, từ đó đóng góp nhiều lợi ích cho các hoạt động kinh tế - xã hội khác.

GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch thường trực Tổng hội Y học Việt Nam, đồng chủ tọa của hội thảo tại Hà Nội cũng cho biết: "Sốt xuất huyết không chỉ mang nhiều nguy cơ gây biến chứng nặng như sốc, xuất huyết nặng, suy tạng hoặc tử vong mà còn đặt áp lực lên từng cá nhân, gia đình và hệ thống y tế. Hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị sốt xuất huyết, bệnh tăng nặng khó đoán khiến việc điều trị đặc biệt khó khăn. Vì thế, chúng ta cần có một chiến lược phòng ngừa mạnh mẽ và chủ động hơn để giảm thiểu gánh nặng từ căn bệnh này".

Tại hội thảo, đại diện Takeda, bác sĩ Derek Wallace, Chủ tịch Toàn cầu Vắc-xin, Tập đoàn Dược phẩm Takeda cũng đã chia về ứng dụng giải pháp mới trong chiến lược toàn diện về phòng, chống sốt xuất huyết dengue trên thế giới. Vaccine sốt xuất huyết dengue của Takeda đã được Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược (SAGE) khuyến nghị sử dụng cho các quốc gia đang nằm trong vùng dịch tễ và có mức độ dịch lưu hành cao nhằm tối đa hóa hiệu quả dự phòng sốt xuất huyết cho cộng đồng.

Bác sĩ Derek Wallace chia sẻ: “Mặc dù áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiện tại là cần thiết, việc bổ sung giải pháp vaccine với khả năng dự phòng phủ rộng đã đánh dấu một bước đột phá trong cuộc chiến phòng chống sốt xuất huyết dengue. Vaccine sốt xuất huyết của Takeda ra đời là một bước tiến quan trọng trong hành trình thực hiện sứ mệnh phát triển các vaccine mới nhằm giải quyết những thách thức y tế khó khăn nhất, giúp cải thiện cuộc sống người dân trên toàn cầu”.

Vaccine sốt xuất huyết dengue của Takeda hiện đã được phê duyệt tại hơn 40 quốc gia, bao gồm Liên minh châu Âu, Brazil, Argentina, Columbia, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. Tại Brazil, Argentina và Indonesia, người dân có thể tiếp cận vaccine này trong chương trình tiêm chủng quốc gia và khu vực. Ngoài việc được WHO ra khuyến nghị sử dụng, vaccine của Takeda cũng đã được WHO tiền thẩm định. Điều này cho thấy, vaccine đã được đánh giá là có chất lượng và được tin chọn là một công cụ dự phòng quan trọng và phù hợp với các chương trình tiêm chủng đại trà.

Đắk Lắk ghi nhận trường hợp thứ hai tử vong do sốt xuất huyết
Đắk Lắk ghi nhận trường hợp thứ hai tử vong do sốt xuất huyết

Ngày 28/9, thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết tại thị xã Buôn Hồ. Đây là trường hợp thứ hai tử vong vì bệnh này tính từ đầu năm tới nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN