Ngay từ đầu năm 2014, nhận thấy thị trường viễn thông trong nước cũng như quốc tế có dấu hiệu bão hòa đối với các dịch vụ cơ bản, cùng với đó, hoạt động cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông ngày càng trở nên khốc liệt, Tập đoàn VNPT đã ngay lập tức đưa ra các chiến lược chuyển đổi nhằm bước ra khỏi “vòng xoáy” suy thoái.
Cũng bắt đầu từ giai đoạn này, VNPT tiến hành tái cơ cấu theo các Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 10/06/2014 và Quyết định số 2129/QĐ-TTg ngày 29/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Với quyết tâm cao và định hướng đúng đắn, VNPT đã tái cơ cấu thành công và thay đổi toàn diện ở một số mặt quan trọng như mô hình tổ chức – nhân lực, quản trị chiến lược, quản trị kinh doanh, cơ chế kinh tế, cải cách hạ tầng – quản trị mạng lưới và chuyển đổi số.
VNPT đã từng bước khẳng định vị thế vững chắc là doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ CNTT trọng yếu và trở thành một nhân tố không thể thiếu trong quá trình Chuyển đổi số của đất nước, bằng một loạt các sản phẩm có dấu ấn rõ nét đó là: Xây dựng thành công Trục Liên thông văn bản quốc gia, Cổng dịch vụ Công quốc gia và hàng loạt các dự án hỗ trợ phát triển CNTT tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước… các giải pháp trên đã minh chứng cho sự chuyển đổi đúng đắn và kịp thời của Tập đoàn trong 5 năm qua.
Thay đổi mô hình tổ chức
Với định hướng lấy khách hàng làm trung tâm, VNPT đã xây dựng tổ chức trên nguyên tắc phân lớp kinh doanh – hạ tầng – dịch vụ. Năm 2014, Thay vì phân mảnh thành nhiều đơn vị chủ dịch vụ, VNPT đã thành lập 63 Trung Tâm kinh doanh tại 63 tỉnh, thành phố và 5 Công ty dọc nhằm tách bạch và chuyên biệt hóa giữa hoạt động kinh doanh và kỹ thuật.
Đến năm 2015, VNPT thành lập 3 Tổng công ty: VNPT-VinaPhone để phát triển hệ thống kinh doanh toàn quốc, VNPT-Net để thống nhất quản lý hạ tầng, VNPT-Media để thống nhất về quản lý dịch vụ gia tăng và truyền thông. Sau đó VNPT tái cấu trúc bộ phận quản lý, điều hành Tập đoàn theo hướng tập trung vào công tác quản lý chiến lược, điều phối hoạt động và tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp thành viên. Tập đoàn cũng đã thay đổi cơ cấu lao động, tái đào tạo và bố trí lại lao động, tăng cường lao động cho kinh doanh (từ 4.000 người lên gần 15.000 người).
Năm 2018, với chiến lược chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu, VNPT chính thức thành lập Công ty Công nghệ Thông tin VNPT (VNPT-IT), quy tụ nguồn lực CNTT làm lực lượng nòng cốt thực hiện chiến lược về dịch vụ số của Tập đoàn. Đến nay, VNPT đã là doanh nghiệp đi đầu và được Chính phủ, Bộ, Ngành và chính quyền địa phương tin tưởng lựa chọn cùng đồng hành trong chiến lược Chuyển đổi số quốc gia.
Không ngừng nâng cấp hạ tầng mạng lưới, dịch vụ
Với phương châm “Chất lượng là số 1”, kể từ khi bắt đầu triển khai tái cơ cấu cho đến nay, VNPT không ngừng mở rộng quy mô và năng lực hạ tầng mạng lưới nhằm cung cấp đầy đủ các dịch vụ thiết yếu như Viễn thông, CNTT trên nền tảng hạ tầng mạng tiên tiến và rộng khắp.
Cụ thể, hạ tầng viễn thông, CNTT của VNPT được xây dựng và quản lý tập trung, không bị chia cắt theo địa giới hành chính hay loại hình dịch vụ. Khối khai thác và quản trị mạng lưới của VNPT tập trung tại 03 miền Bắc, Trung và Nam. Việc vận hành mạng vô tuyến được chuyển giao đến Viễn thông tỉnh, thành phố nhằm tối ưu, nâng cao chất lượng mạng di động.
Kể từ khi bắt đầu tái cơ cấu, Tập đoàn đã từng bước kiện toàn lại công tác xây dựng chiến lược, cấu trúc, quy hoạch, kế hoạch phát triển trung và dài hạn về mạng lưới, dịch vụ. Gắn kết chiến lược cung cấp dịch vụ số vào quy hoạch và kế hoạch phát triển hạ tầng. Đến nay, VNPT không chỉ có mạng di động 3G/4G rộng khắp đến 96% quy mô dân số, mạng băng rộng cố định có tốc độ Internet số 1 Việt Nam mà còn đang sở hữu 2 trung tâm IDC tiêu chuẩn Tier 3 tại Nam Thăng Long và Tân Thuận và tiếp tục phát triển hạ tầng CNTT đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ nội bộ và cho khách hàng, đặc biệt là khối khách hàng chính quyền.
Bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng hạ tầng, mạng lưới, VNPT cũng không ngừng cải thiện quy trình lắp đặt, sửa chữa và cung cấp dịch vụ, sản phẩm, nên ngày càng có nhiều khách hàng tin dùng, góp phần khẳng định vị trí, thương hiệu của VNPT trên thị trường. Cụ thể, VNPT đã không ngừng tìm kiếm các giải pháp tối ưu, nâng cao chất lượng dịch vụ di động và băng rộng, tăng trải nghiệm khách hàng hướng tới mục tiêu "Hạ tầng thông minh, Chất lượng hàng đầu, Phong cách chuyên nghiệp".
Thay đổi phương thức kinh doanh
Như đã đề cập ở trên, một trong những thay đổi quan trọng mà VNPT đã thực hiện trong giai đoạn tái cơ cấu đó thành lập 63 Trung Tâm kinh doanh tại 63 Viễn thông tỉnh, thành phố và tăng cường nhân lực kinh doanh từ con số 4.000 lên 15.000 người. Việc thành lập Tổng Công ty Dịch vụ viễn thông VNPT (VNPT-VinaPhone) đã tạo ra và phát triển hệ thống kênh bán hàng tập trung, thống nhất, xuyên suốt toàn quốc; xoá bỏ sự phụ thuộc vào kênh bán hàng qua Tổng đại lý và đại lý; đa dạng hoá các điểm chạm và giao dịch với khách hàng thông qua: kênh Điểm bán, kênh Bán hàng trực tiếp, kênh Điểm giao dịch, kênh Bán hàng online, Telesale…
Việc quản trị các kênh bán hàng theo phân loại đối tượng khách hàng, phân khúc thị trường, phân vùng địa lý, hình thức tiếp cận… không chỉ xóa bỏ sự chồng chéo và cạnh tranh nội bộ giữa các kênh bán hàng, mà còn tạo ra sự hợp lực giữa các kênh, giữa các đơn vị và nhân viên kinh doanh. Đội ngũ bán hàng của VNPT đã thay đổi tư duy bán hàng bị động sang tư duy bán hàng chủ động. Ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý, điều hành chính sách kinh doanh đã rút ngắn được thời gian phản ứng với thị trường, nâng cao năng suất và khai thác cơ hội kinh doanh tiềm năng.
Dẫn dắt quá trình Chuyển đổi số quốc gia
Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, nên trong thời gian qua, VNPT đã không ngừng chuyển đổi để trở thành một doanh nghiệp số. Đặc biệt, trong năm 2019, VNPT đã tập trung mọi nguồn lực cho lĩnh vực này và đã đạt được những kết quả rất ấn tượng.
Việc triển khai thành công Trục liên thông văn bản quốc gia và Cổng dịch vụ công quốc gia, hai thành tố vô cùng quan trọng trong kiến tạo chính phủ điện tử đã thể hiện vị trí tiên phong của VNPT trong việc đồng hành cùng Chính phủ trong triển khai chính phủ điện tử. Bên cạnh đó, VNPT cũng tiếp tục đẩy mạnh đưa các sản phẩm, dịch vụ cốt lõi trong triển khai Chính phủ, Tổ chức/Doanh nghiệp đi vào thực tiễn cuộc sống.
Đến nay, bộ sản phẩm Chính phủ điện tử của VNPT đã hiện diện tại 53 tỉnh/Thành phố; phần mềm VNPT-iOffice trên toàn quốc đã tăng thêm 59% số cơ quan cấp tỉnh; Giải pháp phòng họp không giấy tờ VNPT-eCabinet đã triển khai cho UBND TP. HCM và gần 150 đơn vị. VNPT đã khảo sát, tư vấn xây dựng Đề án đô thị thông minh cho 28 tỉnh/Thành phố; Triển khai Trung tâm điều hành thông minh IOC cho các tỉnh Đà Lạt, Hà Nam, Kiên Giang và đang xúc tiến triển khai tại 20 tỉnh trọng điểm; Triển khai giải pháp Du lịch thông minh gần 50 tỉnh/Thành phố (tăng 20 tỉnh/Thành phố). Hiện gần 55% cơ sở Y tế đã sử dụng VNPT-HIS; gần 60% trường học sử dụng giải pháp vnEdu; dịch vụ hóa đơn điện tử đạt khoảng 1.400.000 hóa đơn phát hành, tăng gấp đôi so với năm 2018.
Tham gia vào chuyển đổi số nền kinh tế, VNPT cũng đóng góp rất nhiều trong ứng dụng ICT trong Doanh nghiệp và Thương mại điện tử. Các giải giải pháp về quản trị doanh nghiệp, kế toán, quản lý bán lẻ, vận tải,… trên nền tảng trí tuệ nhân tạo, blockchain, IoT, an ninh mạng và điện toán đám mây, của VNPT đã thâm nhập trên 50% các doanh nghiệp quy mô lớn nhỏ ở hầu hết các lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, giáo dục, bán lẻ, logistic,..., mang lại những cải biến tích cực về kinh doanh và tối ưu các nguồn lực.
Đối với dịch vụ số cá nhân, VNPT đã đưa vào trên 50 dịch vụ mới thuộc các nhóm Quảng cáo số, truyền hình trả tiền, tài chính số, M2M/IoT, Multimedia. Nguồn doanh thu mới phát sinh từ các mảng dịch vụ trên VASCloud, dịch vụ Game, Fintech bước đầu đã có kết quả ấn tượng. Số lượng khách hàng/user, số lượng giao dịch và doanh số thu cước qua kênh VNPT Pay tăng trưởng liên tục ở mức cao và bắt đầu chuyển dịch kênh bán hàng nạp thẻ trực tuyến. VNPT Pay cũng được kết nối trực tiếp với nhiều ngân hàng nội địa hàng đầu Việt Nam; triển khai bán hàng và thanh toán dịch vụ VNPT cũng như các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, thu học phí, viện phí và các dịch vụ tiêu dùng khác. Với dịch vụ Mobile Money, VNPT cũng hoàn thành đề án triển khai thí điểm trình Ngân hàng Nhà nước…
Đến nay, VNPT đã có mô hình hoạt động tiên tiến, phù hợp với xu thế và tiêu chuẩn trên thế giới, năng động và giao quyền tự chủ cho các đơn vị. Tạo ra sự chủ động cả trong khâu kinh doanh (bán hàng) và khâu kỹ thuật (cung cấp dịch vụ, sửa chữa), nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Tổng doanh thu trong giai đoạn 2014-2019 đạt 316.999.501 triệu đồng (loại trừ doanh thu dịch vụ Icoin/Charging). Suốt trong quá trình tái cơ cấu, Tập đoàn liên tục duy trì được tốc độ tăng lợi nhuận ấn tượng bình quân trên 20%/năm, giữ vững và phát triển cả 2 thương hiệu VNPT và VinaPhone, đảm bảo thu nhập cho người lao động với mức tăng bình quân khoảng 15%/năm. Đây là cơ sở vững chắc để VNPT tiếp tục phát triển và đổi mới trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Với mong muốn được đóng góp, hỗ trợ Chính Phủ thực hiện vai trò Chủ tịch năm ASEAN 2020 của Việt Nam, VNPT đã cam kết đồng hành cùng năm Chủ tịch ASEAN 2020 với tổng giá trị hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng bao gồm cung ứng dịch vụ Viễn thông - Công nghệ thông tin cho các sự kiện, hội nghị trong khuôn khổ của ASEAN 2020, và hỗ trợ chi phí trực tiếp cho công tác tổ chức, vận hành của Ban tổ chức.
Trước đó, VNPT đã được Chính phủ tin tưởng lựa chọn xây dựng và vận hành trang thông tin điện tử ASEAN 2020. Tại Lễ khởi động năm Chủ tịch ASEAN 2020, Phụ trách Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Phạm Đức Long đã cùng với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 và các đại biểu đã thực hiện nghi thức bấm nút khai trương website ASEAN 2020. Trang thông tin điện tử ASEAN 2020 (địa chỉ: asean2020.vn) do chính các kỹ sư VNPT xây dựng đã chính thức được giới thiệu.