Đây là hoạt động nhằm triển khai Chương trình số 50/CTr-UBND ngày 26/2/2019 của UBND Thành phố về Chương trình Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội năm 2019; đồng thời hỗ trợ cho doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố trong quá trình hội nhập, kinh doanh quốc tế hoạt động ngày càng hiệu quả và tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Hội nghị cũng nhằm hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội tìm hiểu và cập nhật thông tin về chính sách thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu phù hợp với quy định. Cảnh báo, chỉ dẫn những vấn đề mà người khai hải quan, các doanh nghiệp cần lưu ý trong quá trình làm thủ tục hải quan, quản trị doanh nghiệp để tránh rủi ro, phát sinh hệ quả pháp lý mà doanh nghiệp phải gánh chịu khi thực hiện không đúng quy định về chính sách thuế dẫn đến bị truy thu thuế, xử phạt vi phạm hành chính… Tuyên truyền để doanh nghiệp nước ngoài hoạt động đạt hiệu quả, đúng pháp luật Việt Nam.
Tại hội nghị, các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được giảng viên hướng dẫn, phổ biến các quy định về chính sách thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; đồng thời được hỗ trợ, giải đáp các câu hỏi trong việc giải quyết các tình huống thực tế để tránh rủi ro, vướng mắc dẫn đến những phát sinh trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp.
Cụ thể, nhằm giúp cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp được diễn ra thuận lợi, giảng viên đã hướng dẫn những điểm chính yếu và đề nghị các doanh nghiệp tập trung tìm hiểu các quy định của pháp luật như: Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016; Luật Hải quan năm 2014; Nghị định 08/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hải quan; Nghị định 134/2016 hướng dẫn Luật thuế XNK; Thông tư số 38/2015/TT-BTC hướng dẫn về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Thông tư 39/2015/TT-BTC về trị giá hải quan…
Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã được nghe giảng viên chia sẻ về các đối tượng chịu thuế như hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam; hàng hóa được đưa từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan và từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước… Hướng dẫn các doanh nghiệp những căn cứ tính thuế hay những trường hợp nào thì được miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu; các trường hợp được hoàn thuế…
Đặc biệt, giảng viên cũng lưu ý việc các doanh nghiệp nhập khẩu cần chú trọng đến các cơ chế, chính sách để được hưởng thuế ưu đãi theo quy định tại Nghị định 122/NĐ-CP ngày 01/9/2016 (được sửa đổi tại Nghị định 125/NĐ-CP ngày 16/11/2017) hay việc được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt khi nhập hàng hóa từ các nước Việt Nam có quan hệ FTA được quy định tại các Nghị định như: NĐ 156/2017 (Biểu thuế ATIGA các nước ASEAN), NĐ 153/2017 (Biểu thuế ASEAN – Trung Quốc), NĐ 157/2017 (Biểu thuế ASEAN – Hàn Quốc), NĐ 158/2017 (Biểu thuế ASEAN - Úc – New zeland), NĐ 159/2017 (Biểu thuế ASEAN – Ấn độ), NĐ 160/2017 (Biểu thuế ASEAN – Nhật bản ), NĐ 155/2017 (Biểu thuế Việt Nam – Nhật Bản)…
Về nguyên tắc trong khai thuế, giảng viên cho rằng, với việc doanh nghiệp được phép tự khai, tự tính, tự nộp sẽ giúp cho việc các doanh nghiệp nhập hàng hóa được nhanh chóng, thuận lợi từ đó, giúp doanh nghiệp giảm thời gian thực hiện các thủ tục hải quan, nộp thuế. Tuy nhiên, do tự làm tờ khai nên các cán bộ, nhân viên công ty phải thực sự am hiểu các quy định của pháp luật để khai đúng, khai đủ, khai chính xác. Nếu có việc nhầm lẫn mà mức thuế cao hơn doanh nghiệp sẽ chịu thiệt, còn mức thuế thấp hơn so quy định doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm nộp phạt theo quy định do đó sẽ gây tổn hại đến tài chính của công ty.