Check-in địa danh Trà Sư nổi tiếng khu vực phía Nam để không chỉ khám phá cảnh đẹp nên thơ, hữu tình mà còn tận mắt chứng kiến sắc màu cuộc sống của muôn loài.
Hệ sinh thái trên mặt nước
Rừng tràm Trà Sư trải dài qua ba xã: Xã Văn Giáo, Thất Sơn (huyện Tịnh Biên) và một phần của xã Ô Long Vĩ (huyện Châu Phú), tỉnh An Giang. Nằm cách biên giới Việt Nam – Campuchia khoảng 10km, cách sông Mekong khoảng 15km, khu rừng tràm đặc dụng này được ví như vách rừng chắn lũ rộng lớn và là khu rừng ngập nước tiêu biểu vùng hạ lưu dòng Mekong.
Theo khảo cứu, rừng tràm Trà Sư có khoảng 140 loài hệ thực vật, được chia thành 4 loại quần thể gồm: Cây thân thảo, cây thân gỗ ngập nước chua phèn (tràm chiếm 85% diện tích), thân gỗ trên bờ kênh rạch, thủy sinh trên kênh rạch. Trong đó, có 22 loài cây gỗ, 25 loài cây bụi, 10 loài dây leo, 70 loài cỏ và 13 loài thủy sinh. Chính vì sự đa dạng của thảm thực vật mà bất cứ mùa nào trong năm, nhiệt độ tại nơi đây cũng ôn hòa, bầu không khí mát mẻ, dễ chịu, mang lại nguồn năng lượng dồi dào, tích cực cho các loài động thực vật trên không, bề mặt và dưới nước sinh sôi.
Ấn tượng về sức sống của hệ sinh thái thực vật còn có vẻ quyến rũ của thảm bèo xanh mượt trải rộng khắp rừng Tràm. Chị Diễm Trinh nhân viên Trạm Quản lý cho biết: “Bèo tấm là loại bèo đặc biệt nhất của rừng tràm Trà Sư. Vào mùa nước nổi, bèo tấm sinh trưởng nhanh tạo thành một thảm nhung xanh làm cho khu rừng trông thật đẹp và lạ mắt”.
Chị Trần Kim Mai du khách đến từ Bến Tre cho rằng: “Không khí ở đây rất trong lành, dễ chịu, là nơi lý tưởng để tận hưởng sự thanh khiết của thiên nhiên sau những ngày làm việc căng thẳng”.
Anh Huỳnh Phi – TP HCM cảm nhận:“Trà Sư mùa nào cũng đẹp. Mùa nước nổi có sức hấp dẫn riêng, còn mùa nắng như hiện nay cũng là thời gian trải nghiệm thật thú vị. Ngắm cảnh sắc bình yên, mát mẻ, đắm mình trong không gian ẩm thực, đờn ca tài tử cuối ngày được xem là hình ảnh có một không hai”.
Hệ sinh thái động vật trên và dưới mặt nước
Hệ động vật ở rừng tràm Trà Sư rất phong phú với 70 loài chim, thuộc 13 bộ và 31 họ, trong đó có 2 loài chim được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam là Cò Lạo Ấn Độ và Cổ Rắn (còn gọi là Điêng Điểng). Trà Sư còn có 11 loài thú thuộc 4 bộ, 6 họ. Riêng bò sát, ếch nhái có tới 25 loài thuộc 2 bộ, 10 họ. Ngoài ra rừng còn có 140 loài cá, trong đó 10 loài xuất hiện quanh năm, 13 loài chỉ xuất hiện vào mùa lũ.
Mỗi loại quần thể trong rừng tràm đều có tính năng riêng, mang lại lợi ích thiết thực cho môi trường và từng mục tiêu nghiên cứu. Trưởng trạm Quản lý rừng tràm Trà Sư, ông Phạm Tuân cho biết: “Chức năng chính ở rừng tràm Trà Sư là phòng hộ đầu nguồn, chống sạt lở, ngăn dòng chảy nhằm bảo vệ môi trường sinh thái. Rừng tràm Trà Sư góp phần điều hòa khí hậu, hạn chế ô nhiễm môi trường của khu vực”
Được ưu thế đón lũ đầu nguồn nên Trà Sư có tác dụng tháo chua, rửa phèn cải thiện môi trường nước, tăng lượng phù sa, thủy sản, động thực vật cũng kéo nhau về.
Trà Sư thanh bình là khát khao mà những người làm du lịch và đam mê khám phá muốn chinh phục. Trà Sư cũng hiện lên chân thực nhưng rất lung linh qua từng ngóc ngách của lăng kính nhiếp ảnh và góc nhìn trân trọng của du khách. Ngày nay, những người yêu nhau còn chọn Trà Sư làm điểm đến lý tưởng chụp bộ ảnh cưới giữa không gian xanh ngan ngát, check-in cho kỳ nghỉ trăng mật lãng mạn.
Chất lượng cuộc sống của cư dân hệ sinh thái là những yếu tố hàng đầu làm nên thương hiệu Trà Sư. Xây dựng kế hoạch phát triển Trà Sư để ngang tầm với giá trị của kho tài nguyên thiên nhiên sẽ đóng vai trò quan trọng, góp phần đưa thiên đường xanh trở thành điểm đến giàu bản sắc. Đấy là sứ mệnh của Tập đoàn Sao Mai.