Bệnh viện Hỏa Thần Sơn và Lôi Thần Sơn, Trung Quốc
Đầu năm nay, khi virus COVID-19 bùng phát mạnh mẽ tại tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc đã xây dựng 2 bệnh viện dã chiến đầu tiên là Hỏa Thần Sơn và Lôi Thần Sơn. Hai bệnh viện quy mô lớn được dựng lên một cách “thần tốc” đã khiến cả thế giới phải kinh ngạc và thán phục. Trong đó, Hỏa Thần Sơn đi vào hoạt động ngày 4/2/2020, chỉ sau khoảng 10 ngày xây dựng, với quy mô 1.000 giường bệnh, rộng 25.000 m2.
Các dãy nhà của bệnh viện được lắp đặt bằng mô hình nhà lắp ghép, bên trong được lắp đặt cấp tốc đường điện, hệ thống thoát nước, giường bệnh và đầy đủ các thiết bị y tế hỗ trợ. Thậm chí, do khu đất xây dựng bệnh viện gần một cái hồ, để đảm bảo ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh nhóm thiết kế đã thêm vào một màng chống thấm để cách ly toàn bộ bệnh viện với môi trường xung quanh, đảm bảo rằng không có bất cứ rác thải y tế nào được thải ra hồ hoặc đất.
Để hoàn thiện công trình này, Trung Quốc đã sử dụng tới 7.000 nhân công, trong đó có thợ hàn chì, thợ điện và nhiều chuyên gia, vận hành tới 800 thiết bị để chạy đua với thời gian, làm nhiều ca để hoàn tất bệnh viện trong thời gian “không tưởng”.
Còn Lôi Thần Sơn, bệnh viện tiếp theo được xây dựng ngay sau đó cũng được thi công thần tốc trong 8 ngày với 32 phòng và một phòng phẫu thuật, sức chứa lên hơn 1.300 giường, mỗi phòng đầy đủ tiện nghi và trang thiết bị, với 2 giường đơn, bàn ăn, nhà tắm, nhà vệ sinh và máy lọc không khí.
Tiếp sau Hỏa Thần Sơn và Lôi Thần Sơn, 14 bệnh viện dã chiến khác cũng đã được dựng nên ở tâm dịch Vũ Hán, thể hiện quyết tâm cao của chính quyền địa phương trong cuộc chiến chống dịch và thật sự đã góp phần không nhỏ giúp Trung Quốc khống chế được đại dịch COVID-19 tại “chảo lửa” Vũ Hán.
Bệnh viện Nightingale – London - Anh
Là một trong những tâm dịch tại châu Âu, ngày 4/4, Anh đã cấp tốc dựng nên bệnh viện dã chiến khổng lồ Nightingale trong 9 ngày tại Trung tâm triển lãm ExCel, London, nơi từng diễn ra một số sự kiện như Hội nghị Thượng đỉnh G20, Thế vận hội London 2012. Đây là bệnh viện dã chiến lớn nhất thế giới thời điểm tháng 4, với sức chứa tối đa lên đến khoảng 4.000 giường bệnh, trên diện tích hơn 87.000 m2.
Ban đầu, bệnh viện hoạt động với 550 giường bệnh, số giường còn lại được tiếp tục hoàn thiện sau đó, và được chia thành hơn 80 khu điều trị, mỗi khu gồm 42 giường bệnh với đầy đủ thiết bị y tế cần thiết, trong đó có máy trợ thở.
Để “hô biến” một trung tâm triển lãm thành bệnh viện dã chiến lớn nhất Anh, 200 binh sĩ đã được huy động mỗi ngày, cùng với các nhà thầu làm việc ngày đêm để làm nên công trình lịch sử này.
Bệnh viện dã chiến Singapore
Ngày 23/4, Singapore được ghi nhận là nơi có số ca nhiễm virus đứng đầu Đông Nam Á. Ngay trước đó, Trung tâm hội nghị Singapore Expo đã được tái thiết trở thành bệnh viện dã chiến lớn nhất Singapore chỉ trong 3 ngày, với quy mô 950 buồng bệnh. Mỗi buồng đều được trang bị một giường bệnh, bàn, ghế, tủ và ổ điện cùng hệ thống wifi.
Khối lượng công việc không hề nhỏ, bởi từ một trung tâm triển lãm chuyển thành bệnh viện, tất cả mọi yếu tố như khu nhà tắm, khu vệ sinh và an toàn phòng cháy chữa cháy đều phải được bố trí, xếp đặt thêm. Ngoài ra, các vật dụng cá nhân như khăn tắm, nước uống đều phải được vận chuyển đến bệnh viện trước khi Singapore áp lệnh hạn chế di chuyển và đóng cửa các cửa hàng không thiết yếu.
Bệnh viện dã chiến New Delhi - Ấn Độ
Đầu tháng 7/2020, Ấn Độ đã khai trương bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 có quy mô lớn nhất thế giới tại thủ đô New Delhi. Bệnh viện này được chuyển đổi từ một cơ sở tôn giáo có diện tích gần bằng 22 sân bóng đá. Đây cũng là lúc Ấn Độ đã vượt qua Nga, trở thành quốc gia đứng thứ 3 trên thế giới về số ca mắc COVID-19.
Điều đặc biệt là 10.000 chiếc giường tại đây được làm từ bìa carton, có lớp phủ để không bị thấm nước và có thể chịu tải 300 kg. Đây là một sáng kiến với mong muốn giảm tối đa khả năng lây nhiễm, bởi theo các nghiên cứu, corona virus chỉ tồn tại trên bề mặt carton trong 24 giờ.
Bệnh viện đã được hoàn thành chỉ trong 10 ngày. Tại đây, có khoảng 10% trên tổng số giường bệnh được trang bị các thiết bị hỗ trợ oxy, và trên 1.000 bác sĩ và nhân viên y tế được huy động làm việc tại đây, cùng sự trợ giúp của Lực lượng Cảnh sát biên giới Ấn Độ – Tây Tạng để vận hành bệnh viện dã chiến lớn nhất thế giới này.
Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn – Đà Nẵng
Trong bối cảnh gấp rút và đầy áp lực giữa thời điểm giãn cách xã hội tại Đà Nẵng, thành phố đã đặt tiến độ 5 ngày cho Tập đoàn Sun Group – đơn vị tài trợ và chịu trách nhiệm thi công dự án - để “hô biến” Cung thể thao Tiên Sơn – Đà Nẵng thành bệnh viện dã chiến.
Tuy nhiên, với nỗ lực căng mình 24/24 giờ chia ca của hơn 500 công nhân, kỹ sư thi công trực tiếp và hàng trăm cán bộ nhân viên hỗ trợ gián tiếp các khâu từ mua sắm, vận chuyển nguyên vật liệu, nấu ăn, dọn dẹp vệ sinh, đến vận chuyển, lắp đặt thiết bị…, bệnh viện dã chiến lịch sử này đã được thành hình chỉ sau 3,5 ngày.
Công trình “thần tốc” này hiện đã được lắp đặt 284 giường bệnh tại sàn thi đấu tầng 1, theo mô hình lắp modul dưới sự tư vấn thiết kế của Trung tâm tư vấn xây dựng thuộc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng. Bệnh viện có hệ thống buồng bệnh, xử lý nước thải, ánh sáng, vách ngăn…. được thiết kế, lắp đặt theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng và Bộ Y tế Việt Nam đối với Bệnh viện dã chiến. Đặc biệt, hệ thống thông gió cũng được lắp đặt thiết bị khử khuẩn chuyên dụng để ngăn chặn sự lây lan ra cộng đồng.
Từng buồng bệnh được trang bị đầy đủ tiện nghi với giường y tế, tủ đầu giường, quạt, móc treo đồ, công tắc, ổ cắm, đèn chiếu sáng phục vụ thăm khám, đặc biệt có nút nhấn khẩn cấp báo đến trung tâm chỉ huy. Toàn bộ khu vực bệnh nhân có camera phủ khắp, trang bị đầy đủ thiết bị để đảm bảo công tác PCCC, thoát hiểm, cứu hộ cùng hệ thống wifi miễn phí.
Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn dự kiến sẽ được tăng cường tối đa khoảng 700-1.000 giường bệnh trong trường hợp dịch bùng phát mạnh. Còn trong trường hợp các bệnh viện tại Đà Nẵng vẫn đảm bảo nhu cầu của người bệnh, bệnh viện dã chiến Tiên Sơn sẽ được sử dụng như một khu cách ly chuyên dụng, một “lá chắn” giúp Đà Nẵng khống chế sự lây lan của COVID-19.