Người yêu nhạc hàn lâm hẹn nhau về 'Đêm nhạc Anh Quốc' tối 25/1

Sau chuỗi chương trình hòa nhạc đỉnh cao được khán giả yêu mến, tối 25/1/2019 tại phòng Hòa nhạc Lớn, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời tiếp tục dành tặng người hâm mộ một đêm biểu diễn chất lượng, sâu lắng và đầy cảm xúc. “Đêm nhạc Anh Quốc” cũng là cơ hội để người mới làm quen với giao hưởng đến gần hơn với thể loại âm nhạc bác học này.

Mở đầu chương trình, khán giả dù là “tín đồ” của giao hưởng hay người mới nhập môn cũng sẽ tận hưởng cảm xúc bất ngờ, thú vị khi được gặp lại “người thầy” - nhà soạn nhạc, nhạc trưởng xuất sắc của nước Anh- Benjamin Britten (1913-1976) thông qua tác phẩm “Giới thiệu về Dàn nhạc cho Khán giả trẻ” (The The Young Person’s Guide to the Orchestra).

Chú thích ảnh

Năm 1945, từ đề nghị của Bộ Giáo dục Anh, Benjamin đã sáng tác tác phẩm này nhằm giúp khán giả trẻ làm quen với những đặc điểm, thanh âm của các nhạc cụ khác nhau trong một dàn nhạc hiện đại. Tác phẩm gồm một chủ đề và các biến thể dựa trên bản rondeau (một hình thức thơ Pháp) của nhà soạn nhạc người Anh thế kỷ XVII Henry Purcell. Mỗi biến thể thể hiện một sắc thái khác nhau: lúc dịu dàng, lúc trào phúng nhẹ nhàng, lúc bí ẩn, lúc hài hước, mặc dù vậy, tất cả đều được phủ một màu sắc vô cùng trí tuệ và sáng tạo. Với phương pháp độc đáo – giáo dục âm nhạc bằng âm nhạc, cùng những hoạt động tích cực để vực dậy và lan tỏa tình yêu với môn nghệ thuật đỉnh cao tại Anh quốc trong thế kỷ XIX, Benjamin Britten được ngợi ca là người có công với opera Anh khi phục hưng lại nền nghệ thuật này sau 200 năm bị quên lãng.

Chú thích ảnh

Khi những thanh âm trong trẻo của bậc thầy Benjamin Britten còn chưa dứt, “cuộc dạo chơi” của khán giả nơi xứ sở sương mờ sẽ được nối dài với tác phẩm “Tiếng chim Cu Cu đầu xuân” của nhà soạn nhạc người Anh gốc Đức Frederic Delius.

Khi còn trẻ, cha mẹ Frederic Delius không khuyến khích ông theo đuổi sự nghiệp âm nhạc. Trong những tháng ngày làm việc tại đồn điền cam ở Florida, Mỹ, ông đã tranh thủ thời gian rảnh rỗi để học nhạc. Và bằng những nỗ lực hơn người cùng tài năng tỏa sáng, ông đã tự chứng minh rằng mình sinh ra là để trở thành nhà soạn nhạc chứ không phải là người trồng cam. Được sáng tác cho dàn nhạc vào năm 1912, tác phẩm “Tiếng Chim Cu Cu Đầu Xuân” (On Hearing the First Cuckoo in Spring) khắc họa hoàn hảo hình ảnh một sớm mai mùa xuân thơ mộng trên miền quê nước Anh.

Chú thích ảnh

Tạm khép lại nửa đầu của “Đêm nhạc Anh Quốc”, “Khúc Ngẫu hứng dựa trên giai điệu chủ đề của Thomas Tallis” (Fantasia on a Theme by Thomas Tallis) của Ralph Vaughan Williams là những cảm xúc bùng nổ, thể hiện tình yêu quê hương sôi nổi, dâng tràn của tác giả sau nhiều năm sinh sống xa quê và trở về Anh quốc. Sử dụng các kỹ thuật sáng tác lĩnh hội được tại Paris, Vaughan Williams đã sáng tác bản nhạc dựa trên giai điệu chủ đề của nhà soạn nhạc nổi tiếng thời Phục hưng Thomas Tallis với màu sắc âm nhạc tươi mới, đầy quyến rũ.

Và đến với âm nhạc Anh quốc, sẽ không tròn vẹn nếu thiếu sự góp mặt của Edward Elgar. Không ít người ví Edward Elgar là Shakespeare của âm nhạc, bởi tại Anh, nếu trong văn học, Shakespeare là người đại diện tiêu biểu thì trong lĩnh vực âm nhạc, Elgar là người có rất nhiều tác phẩm được trình diễn thường xuyên và trở thành di sản quý giá của âm nhạc thế giới. Đó cũng là lý do vì sao toàn bộ phần II của chương trình, Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời đã dành để đưa khán giả đến với tác phẩm đỉnh cao của ông – “Những biến tấu bí ẩn”.

Chú thích ảnh

Vào một buổi tối tháng 10 năm 1898, sau một ngày dài dạy học, Edward Elgar đã châm một điếu xì gà và trình diễn ngẫu hứng trên những phím đàn piano. Vợ ông chợt bắt được một giai điệu thú vị và hỏi chồng mình đó là bản nhạc nào. Ông trả lời “Không là gì cả, nhưng có lẽ nó sẽ tạo nên một điều gì đó”. Và đó là sự khởi đầu của tác phẩm “Những biến tấu bí ẩn” (Enigma, Variations on an Original Theme, Opus 36).

Mở đầu với tinh thần hài hước và tiếp nối bằng sự nghiêm túc sâu sắc, nói về tác phẩm của mình, Elgar đã viết: “Tôi sẽ không giải thích gì thêm về tác phẩm này, những điều bí ẩn nên mãi là những bí mật không tiết lộ…” Và có lẽ chính những biến tấu bí ẩn mãi mãi không được tiết lộ ấy đã khiến tác phẩm luôn “khiêu khích” những nghệ sĩ lớn cùng người hâm mộ khắp thế giới mong muốn được lắng nghe và khám phá trong suốt những năm tháng về sau, trong đó có Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời và khán giả yêu nhạc giao hưởng tại Hà Nội hôm nay.

Chú thích ảnh

Sau chuỗi chương trình biểu diễn chất lượng, thu hút người hâm mộ, Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời dường như đã tìm được đường đến với trái tim người yêu nhạc thủ đô. Nửa cuối năm 2018, thông tin về các buổi biểu diễn của SSO đã trở thành từ khóa “hot” trên các diễn đàn yêu nhạc cổ điển. Trước mỗi đêm diễn, người hâm mộ hào hứng săn tìm vé xem SSO biểu diễn thông qua các nội dung tương tác thú vị trên fanpage của dàn nhạc. Không ít những lời ngợi khen, khích lệ khiến các nghệ sỹ của dàn nhạc cảm thấy xúc động, tự hào.

“Đêm nhạc Anh Quốc” với kịch bản hấp dẫn, hội tụ nhiều tác phẩm kinh điển của các nhà soạn nhạc hàng đầu nước Anh cũng hứa hẹn sẽ làm nên một dấu ấn ấn tượng tiếp theo, và mở đầu cho một năm 2019 với nhiều bất ngờ lớn mà SSO sẽ liên tục mang đến cho khán giả.

Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh tổ chức hòa nhạc Giáng sinh
Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh tổ chức hòa nhạc Giáng sinh

Thông tin từ Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh ngày 14/12 cho biết: Nhà hát sẽ tổ chức chương trình hòa nhạc Giáng sinh vào ngày 19/12 tại Nhà hát Thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN