Tại Hội nghị, Công ty Cổ phần Masan High-Tech Materials (Masan High-Tech Materials) - công ty thành viên của Tập đoàn Masan, đã có bài phát biểu trên cương vị doanh nghiệp dẫn đầu ngành khai khoáng Việt Nam, khẳng định khát vọng nâng tầm giá trị khoáng sản Việt và tầm nhìn trở thành nhà cung cấp hàng đầu thế giới về vật liệu tiên tiến công nghệ cao có tính quyết định đối với sự đổi mới và sáng tạo toàn cầu.
Năm 2021 là năm Việt Nam luân phiên tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về khoáng sản lần thứ 8 (AMMin) và các hội nghị liên quan (ASOMM lần thứ 21, ASOMM+3 lần thứ 14). Hội nghị ASOMM+3 là diễn đàn để đại diện các quốc gia thành viên 10 nước ASEAN và 3 nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc thảo luận nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản; thúc đẩy phát triển công nghiệp khai khoáng trong khu vực; hỗ trợ các chương trình công nghiệp hóa; và tăng cường các hoạt động thương mại về hàng hóa khoáng sản trong khối ASEAN.
Được đánh giá là một điển hình tiêu biểu cho các doanh nghiệp khai khoáng của Việt Nam, Masan High-Tech Materials đã vinh dự là một trong hai doanh nghiệp trình bày tham luận về nâng tầm giá trị khoáng sản, thưc thi chiến lược vươn xa toàn cầu, hướng tới sản xuất vật liệu công nghệ cho các ngành công nghiệp trọng yếu. Đồng thời, Masan High-Tech Materials cũng là doanh nghiệp được đề cử xét duyệt cho giải thưởng khoáng sản ASEAN hướng đến các mục tiêu: Thúc đẩy phát triển khoáng sản bền vững về xã hội và môi trường; nâng cao nhận thức chung/hình ảnh của ngành công nghiệp khoáng sản; tuyên truyền thực hành tốt nhất trong lĩnh vực khoáng sản (khai thác, vận chuyển, chế biến, v.v...); nâng cao nhận thức của công chúng về thực hành tốt nhất trong phát triển khoáng sản bền vững về xã hội và môi trường.
Những dấu ấn phát triển
Masan High-Tech Materials là một công ty thành viên của Tập đoàn Masan, được thành lập vào tháng 4 năm 2010 với nhiệm vụ thúc đẩy phát triển Dự án Núi Pháo – dự án khai thác, chế biến kháng sản đa kim lớn nhất khu vực Đông Nam Á vào thời điểm đó.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi hoàn thiện các thủ tục về khai thác mỏ, đánh giá tác động môi trường, triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, năm 2014, Dự án Núi Pháo bắt đầu cho ra những sản phẩm: ô xít vonfram, tinh quặng đồng, florit cấp axit và tinh quặng bismut. Cũng trong năm 2014, Masan High-Tech Materials đã liên doanh với H.C. Starck GmbH của CHLB Đức để xây dựng và vận hành Nhà máy tinh luyện Vonfram tiên tiến nhất tại Việt Nam. Năm 2015, doanh nghiệp đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao.
Tháng 9/2015, cổ phiếu của Masan High-Tech Materials đã được giao dịch trên sàn UPCOM của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Năm 2017, Masan High-Tech Materials được công nhận là thương hiệu toàn cầu nhờ các sản phẩm chất lượng cao và đáng tin cậy. Đến năm 2019, Masan High-Tech Materials đã mua lại toàn bộ nền tảng kinh doanh của H.C. Starck Global– nhà sản xuất bột kim loại vonfam và vonfram các–bua công nghệ cao hàng đầu thế giới.
Tiếp sau thương vụ mua lại nền tảng kinh doanh vonfram từ H.C. Starck, tháng 11/2020 Masan High-Tech Materials và Mitsubishi Materials Nhật Bản đã hoàn tất thỏa thuận thiết lập liên minh chiến lược hướng đến mục tiêu phát triển nền tảng vật liệu vonfram công nghệ cao. Qua đó đã củng cố bước chuyển đổi của Masan High-Tech Materials trong việc phát triển nền tảng Vonfram công nghệ cao tích hợp theo chiều dọc, đồng thời khẳng định vị thế là nhà chế biến vật liệu công nghiệp công nghệ cao trên quy mô toàn cầu.
Nhà sản xuất và cung cấp vật liệu công nghệ cao cho các ngành công nghiệp đổi mới sáng tạo trên toàn cầu
Trong những năm qua, Masan High-Tech Materials là một trong những doanh nghiệp khai khoáng, chế tạo vật liệu công nghệ cao có tiếng vang trong nước và quốc tế bởi những ưu điểm nổi trội trong hoạt động khai thác, tinh luyện khoáng sản và sản xuất vật liệu công nghệ cao đáp ứng nhu cầu đa dạng của ngành công nghiệp nặng trên toàn thế giới. Nhờ việc tập trung đầu tư áp dụng công nghệ hiện đại và từng bước làm chủ được công nghệ mà Công ty dần khẳng định được năng lực và vị thế của mình trên các thị trường Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các dòng sản phẩm của Công ty là những thành tố then chốt trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp toàn cầu, tích hợp vào những cải tiến đang diễn ra trong lĩnh vực vật liệu bán dẫn, in 3D, khoa học người máy, ô tô điện, năng lượng tái tạo, y khoa và hàng không vũ trụ.
Từ gốc quặng thô đa kim, qua quá trình tuyển quặng, bóc tách, chế biến và tinh chế, Masan High-Tech Materials đã làm giàu và nâng cao hàm lượng gấp hàng chục lần, khẳng định sản phẩm của Công ty không phải chỉ là nguyên liệu khoáng sản mà là vật liệu thiết yếu phục vụ cho các ngành công nghiệp hiện đại. Năm 2017, Masan High-Tech Materials xây dựng một phòng thí nghiệm có đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu, cải tiến về hiệu quả, hiệu suất và các giải pháp công nghệ mới cho dây chuyền sản xuất, hướng tới phát triển các sản phẩm hiệu năng cao cho tất cả các sản phẩm của Công ty như Vonfram, Bismut, Florit. Đặc biệt, Masan High-Tech Materials là doanh nghiệp duy nhất trong ngành khai khoáng ở Việt Nam áp dụng phần mềm quản lý khai thác và chế biến hiện đại của thế giới, vận hành dây chuyền sản xuất hóa chất Vonfram theo công nghệ của Đức, giúp tối ưu hóa quy trình, gia tăng giá trị khoáng sản.
Với việc mua lại nền tảng kinh doanh vonfram toàn cầu của H.C. Starck Global Tungsten Powders đã mang lại cho Masan High-Tech Materials các trung tâm sản xuất tiên tiến ở mỗi khu vực thị trường trọng yếu như NAFTA, EU và APAC với các cơ sở sản xuất tại Đức, Canada và Trung Quốc; một nền tảng công nghệ tái chế đẳng cấp thế giới.
Sáp nhập H.C. Starck Tungsten Powders đã giải quyết được phần lớn các nhu cầu về nguyên liệu thô bằng cách tái chế phế liệu chứa vonfram, mua lại trên thị trường hoặc nhận được từ khách hàng trong khuôn khổ các chương trình chuyển đổi hoặc tái chế chuyên dụng. Do đó, tỷ lệ tái chế từ nguyên liệu thô thu mua tăng đều và đạt trên 75% trong năm 2020. Đây là một tỷ lệ rất cao và đáng khích lệ, trong khi tỷ lệ tái chế trong ngành công nghiệp Vonfram ước tính ở mức 25-30% và dao động rất lớn ở các vùng khác nhau trên thế giới từ 15 - 50%.
Chất lượng sản phẩm của Masan High-Tech Materials còn không ngừng được củng cố và cải tiến thông qua các cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) của Công ty tại Đức và Việt Nam, trong đó phải kể tới ChemiLytics - Phòng thí nghiệm Phân tích Vật liệu chịu lửa số 1 tại Châu Âu và cũng là một trong những phòng thí nghiệm công nghiệp lớn nhất tại Đức, chuyên phân tích nguyên tố vô cơ và đặc tính của bột kim loại.
Năm 2020 Masan High-Tech Materials được Bộ Khoa học và Công nhận cấp chứng nhận “Doanh nghiệp công nghệ cao”. Đây là một bước phát triển nữa của Công ty tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao đồng thời cũng đánh dấu một vị trí mới của Công ty trên bản đồ chế biến khoáng sản công nghệ cao trong khu vực và trên toàn cầu.
Phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và an sinh xã hội
Mục tiêu bền vững của Masan High-Tech Materials tập trung vào 3 trọng tâm: tăng trưởng kinh doanh đồng hành với phát triển bền vững cùng cộng đồng; triển khai các hoạt động cộng đồng căn cơ, dài hạn, mang đến những giá trị thiết thực, bền vững cho cộng đồng; tuân thủ các chuẩn mực về quản lý môi trường, chú trọng đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường.
Các hoạt động phát triển cộng đồng của Masan High-Tech Materials nhằm đảm bảo cho cộng đồng và người dân ảnh hưởng bởi Dự án Núi Pháo có đời sống sinh kế tốt hơn so với trước đây. Công ty mong muốn khi hoạt động khai thác mỏ kết thúc thì người dân địa phương vẫn có được nguồn thu nhập, đảm bảo đời sống từ việc phát huy thế mạnh của địa phương trên cơ sở gây dựng một nền nông nghiệp sạch, bền vững và hiệu quả. Đây cũng chính là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược hỗ trợ cộng đồng lâu dài của Công ty.
Nỗ lực phát triển bền vững của Masan High-Tech Materials cũng thể hiện rõ nét trong việc tiên phong xây dựng Quỹ Vốn vay Phục hồi Kinh tế ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội, giúp các hộ dân được tiếp cận với nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi theo quy định của Ngân hàng. Từ nguồn vốn 6 tỷ đồng năm 2014, tới nay có 340 hộ đã được vay vốn với tổng giá trị vốn quay vòng hơn 15 tỷ đồng. Quỹ Vốn vay Phục hồi Kinh tế của Masan High-Tech Materials đã làm nên làn sóng mới về xã hội hóa các nguồn lực bên ngoài đối với hoạt động của Ngân hàng CSXH cũng như toàn tỉnh Thái Nguyên, giúp các hộ dân nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn phát triển kinh tế.
Không dừng lại ở việc cho đi, hỗ trợ kinh tế đơn thuần mà các sáng kiến cộng đồng của Masan High-Tech Materials còn lan tỏa những giá trị nhân văn, bền vững. Trung bình mỗi năm, Công ty đầu tư khoảng 4,5 – 5 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội và hỗ trợ phát triển cộng đồng như: xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội cho cộng đồng; hoạt động khuyến nông và sinh kế bền vững cho người dân; sức khỏe cộng đồng, nước sạch và vệ sinh môi trường; tín dụng vi mô, nâng cao năng lực cho người dân địa phương và các chương trình từ thiện, nhân đạo trên địa bàn các xã ảnh hưởng bởi Dự án nói riêng và tỉnh, huyện nói chung. Trách nhiệm xã hội đã trở thành một nét văn hóa đẹp của Masan High-Tech Materials trên hành trình phát triển doanh nghiệp.
Công ty luôn kiên định mục tiêu phát triển bền vững là trọng tâm hàng đầu trong chiến lược phát triển, là sứ mệnh của doanh nghiệp nhằm góp phần mang lại sự phát triển ổn định, bền vững cho cộng đồng xã hội, vừa làm gia tăng giá trị thương hiệu và văn hóa doanh nghiệp. Do đó, việc tuân thủ quy định pháp luật về môi trường như: Báo cáo đánh giá tác động môi trường, hồ sơ xin xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, xả nước thải vào nguồn nước… luôn được Công ty đặc biệt quan tâm.
Đáng lưu ý dù sản lượng khoáng sản khai thác, chế biến tăng nhưng lượng nước mặt sử dụng cho nhà máy chế biến được giảm thiểu hàng triệu lít mỗi năm, đưa tỷ lệ tái sử dụng nước tuần hoàn lên đến 90% như hiện nay nhờ vào việc tăng cường tái sử dụng nước tuần hoàn từ khu vực đập chứa đuôi quặng. Masan High-Tech Materials chú trọng vào việc đầu tư nhiều công trình bảo vệ môi trường hiện đại để thu gom, xử lý toàn bộ lượng nước thải đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường; đồng thời tái sử dụng nguồn này để sản xuất nhằm tiết kiệm tài nguyên nước, năm 2020 Công ty tái sử dụng 7,7 triệu m3 nước, chiếm khoảng 75% tổng lượng nước sử dụng.
Với những đóng góp của Công ty trong những năm qua, Masan High-Tech Materials được đánh giá là một trong hai doanh nghiệp Việt Nam dẫn đầu về phát triển bền vững tại Thái Nguyên, góp phần đắc lực vào sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương. Trong giai đoạn từ 2015-2020, Masan High-Tech Materials đóng góp 5.700 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước và 1 triệu USD mỗi năm vào các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Năm 2020, Công ty tự hào tiếp tục những đóng góp nổi bật như: Đóng góp vào ngân sách nhà nước 1.200 tỷ đồng; tạo việc làm cho 1.500 lao động với thu nhập bình quân tháng 12,5 triệu đồng/người. Bên cạnh Giải thưởng Doanh nghiệp Bền vững 2020, Masan High-Tech Materials cũng được vinh danh trong nhiều giải thưởng danh giá do các tổ chức trong và ngoài nước trao tặng, tiếp tục khẳng định vị trí dẫn dầu của Công ty trong lĩnh vực hóa chất khoáng sản và vật liệu công nghệ cao, như: Top 50 Doanh nghiệp Xuất sắc nhất Việt Nam năm 2020, Top 50 Doanh nghiệp Phát triển Bền vững Việt Nam năm 2020, Top 100 Công ty Đại chúng lớn nhất Việt Nam, Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2020 (VNR500), Top 500 Doanh nghiệp Tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500) năm 2020.