Sinh ra và lớn lên tại xóm Khau Lai, xã Ôn Lương, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, trong một gia đình có truyền thống trồng và chế biến chè; tuy nhiên, anh Tống Văn Viện lại theo học chuyên ngành thống kê. Sau khi tốt nghiệp ra trường, anh đã có thời gian 4 năm làm tại một công ty liên doanh với nước ngoài.
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, anh Viện quyết định bỏ phố trở về quê hương, dựa vào những điều kiện thực tế của địa phương, nỗ lực đưa khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, để vươn tới thành công.
Tháng 7/2020, anh Viện thành lập HTX Nông sản Phú Lương và liên kết nhiều hộ dân xung quanh trồng, chế biến chè theo hướng hữu cơ, tập trung vào chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu nông nghiệp sạch.
Nhớ lại những ngày đầu thành lập HTX, anh Viện bộc bạch: Trước đây, bà con chủ yếu trồng chè theo cách truyền thống. Thời điểm đó, do chưa xây dựng được thương hiệu nên sản phẩm chè của bà con làm ra tiêu thụ rất kém, giá thành lại thấp. Mặc dù là địa phương có thế mạnh về trồng chè thế nhưng người nông dân dù quanh năm vất vả nhưng thu nhập từ cây chè cũng chẳng đáng là bao.
Gia đình anh đã mạnh dạn trồng 6 ha chè hữu cơ trên đất đồi theo tiêu chuẩn chè sạch, nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, từng bước góp phần xây dựng chỗ đứng riêng cho sản phẩm chè của địa phương. Sau nhiều năm chăm sóc và mở rộng, hiện nay gia đình anh Viện đã liên kết với bà con nông dân tại địa phương trồng chè trên diện tích 50 ha.
Anh Viện cho biết: "Không chỉ trồng và bán chè tươi như những hộ dân khác, sẵn có kinh nghiệm, gia đình tôi đầu tư đồng bộ hệ thống nhà xưởng với quy mô 800m2, 9 máy sao sấy chè, 25 máy vò chè, 15 giá hong chè, hệ thống tưới tiết kiệm cho 5ha chè".
Bằng hình thức tự sản xuất, tự chế biến, đáp ứng đúng theo tiêu chuẩn; cùng với việc xây dựng cơ sở sản xuất, anh Viện còn đi tham khảo quy trình sản xuất của các nhà máy và nhiều nơi khác, đồng thời đưa sản phẩm chè ra các thị trường khác chào hàng. Dần dần chất lượng chè búp khô do gia đình anh sản xuất được khẳng định, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Anh Viện chia sẻ: "Nhờ có hệ thống máy móc đồng bộ, chất lượng và giá trị sản phẩm chè của Hợp tác xã ngày càng được nâng cao. Trung bình mỗi tháng, chúng tôi xuất bán được 1 tấn chè búp khô, giá bán đạt từ 300-500 nghìn đồng/kg, tăng gấp đôi so với trước".
Cũng theo anh Viện mô hình sản xuất mà HTX hướng đến là phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, tự ủ phân, rơm rạ tạo ra phân hữu cơ, cung cấp phân bón, chế phẩm sinh học cho những hộ dân cùng liên kết để trồng chè.
Việc trồng chè theo tiêu chuẩn hữu cơ không chỉ nâng cao chất lượng, sản phẩm chè có hương vị đặc trưng mà còn giúp các hộ canh tác có môi trường sống tốt và an toàn hơn.
Hiện nay, anh Viện đang thu mua búp chè tươi của các hộ dân với giá từ 25.000 – 35.000 đồng/ kg. Ngoài ra cơ sở sản xuất của gia đình anh hàng năm còn thuê từ khoảng 10 lao động chính để hái chè, sao chè, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động địa phương. Ngoài ra, anh cũng chú trọng đa dạng hóa các hình thức đóng gói, thường xuyên thay đổi mẫu mã bao bì, nhãn mác, dán tem truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, phát triển bán hàng online dựa trên các nền tảng mạng, như: zalo, facebook, TikTok. Nhờ công nghệ số, sản phẩm của HTX kết nối khắp các vùng miền, góp phần tăng lượng sản phẩm tiêu thụ, 3 sản phẩm chè đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh.
"Ôn Lương là xã miền núi của huyện Phú Lương (Thái Nguyên) có 80% là người Tày sinh sống. Những năm gần đây, trên địa bàn xã hình ảnh máy móc thay người nông dân trong tưới tiêu, chế biến và đóng gói sản phẩm chè đã trở nên quen thuộc. Từ sự khuyến khích, hỗ trợ ban đầu của Nhà nước, nhiều nông dân làm chè đã thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật để giải phóng sức lao động, nâng cao giá trị sản phẩm chè", ông Phan Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND xã Ôn Lương, huyện Phú Lương khẳng định.