Kết nối thương hiệu Việt

Đây là chủ đề của buổi tọa đàm vừa được Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu về phát triển thương hiệu, các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách và đại diện lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp.

Chú thích ảnh

Cuộc tọa đàm tập trung thảo luận sâu nhằm tìm lời giải cho 2 câu hỏi lớn: Một là, liệu có thể tăng cường mối quan hệ liên kết giữa các tập đoàn lớn của Việt Nam với nhau và làm gì, làm thế nào để tăng cường mối quan hệ liên kết đó?

Hai là, làm gì và làm thế nào để các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn đóng vai trò dẫn đầu trong kết nối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp? làm gì để tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm thông qua việc nâng cao khả năng cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng, dịch vụ logistics… của các doanh nghiệp nhỏ và vừa?

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà Đầu tư nhấn mạnh: "Liên kết để cùng tạo nên sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt là yếu tố quan trọng để vượt qua thách thức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đó cũng là yếu tố tạo nên sức mạnh thương hiệu quốc gia, đưa đất nước tiến nhanh đến sự phồn thịnh".

Chú thích ảnh

PGS.TS Phan Đăng Tuất - Viện trưởng Viện Chính sách phát triển công nghiệp nhận định ẩn sau chữ thương hiệu là các sản phẩm, các doanh nghiệp, tập đoàn.

Ông ví dụ: "Mercedes-Benz không phải một hãng, mà là một thương hiệu. Mercedes-Benz có nhiều nghìn doanh nghiệp liên kết, cung cấp dịch phụ, sản phẩm phụ trợ và trở thành một chuỗi cung ứng trên toàn thế giới". Thực tế, Mercedes-Benz chỉ là tên một thương hiệu sản phẩm của tập đoàn Daimler AG.

Ở Việt Nam, câu chuyện không dừng lại ở xây dựng thương hiệu theo hàng dọc hay hàng ngang, mà quan trọng hơn là thực hiện theo phương thức gì. Theo tôi quan trọng nhất là gắn kết về tài chính.
Ví dụ anh là công ty sữa, nông dân nếu là cổ đông của anh thì đó là máu thịt rồi, họ phải tuân thủ tuyệt đối để mang về lợi ích cho chính họ, còn nếu không giá tăng họ có thể bán sữa cho người khác.

Đó là câu chuyện xảy ra rất nhiều tại Việt Nam.

"Người Việt thiếu lòng tin về các mối quan hệ tài chính kiểu đó, họ sẵn sàng bỏ tiền đánh đề, nhưng để góp cổ phiếu cổ phần là rất khó. Do đó tôi cho rằng cần nâng cao công tác truyền thông, để người dân hiểu được tầm quan trọng của quản trị tài chính cá nhân", ông Tuất nhấn mạnh.

Về việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết: "Quan điểm của Tân Hiệp Phát (THP) là không thể đi 1 mình để phải triển mà phải có sự hợp tác từ phía các nhà cung ứng".

Theo bà Uyên Phương, là một đơn vị tiêu dùng, THP coi người tiêu dùng là vấn đề cuối cùng để tìm cách giải quyết. THP đã có sự phát triển trong tư duy. Trước đây chúng tôi mua đứt bán đoạn nguyên vật liệu sản xuất từ nhà cung cấp, nhưng sau này quan hệ trở thành là đối tác, có nghĩa là cần có sự chung tay xây dựng đạo đức kinh doanh.

Chú thích ảnh

Bà Trần Uyên Phương cũng khẳng định, để trở thành công ty top 10 châu Á trong ngành giải khát và thực phẩm thì Tân Hiệp Phát quan niệm rằng, không thể đi một mình, mà phải hợp tác với nhiều nhà cung cấp.

Trước câu hỏi việc làm thương hiệu là học hỏi hay bắt chước?, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho hay học thì có giải pháp còn bắt chước là làm y như đơn vị khác. "Đó là vì sao, tôi đã xuất bản cuốn sách “Vượt lên người khổng lồ”.

Bà Uyên Phương cho biết: Các bạn học của tôi ở nước ngoài rất ngạc nhiên, họ không tin rằng 1 doanh nghiệp địa phương như Tân Hiệp Phát có thể vượt lên Coca-Cola – một thương hiệu hàng đầu thế giới.

"Với chúng tôi thương hiệu là đầu tư. Gọi nó là đầu tư vì nó phải mang lại lợi ích gì. Không định hình được giá trị cuối cùng của thương hiệu đó là gì thì chỉ là nhận biết thương hiệu chứ không phải là giá trị thương hiệu. Với Tân Hiệp Phát đã xây thì phải xây cho một giá trị nào vì đều phải dùng tiền để đầu tư", bà Uyên Phương nhấn mạnh.

Nói đến việc xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp Việt, là một người đi nhiều nơi trên thế giới, doanh nhân Trần Uyên Phương khẳng định: "Tôi yêu Việt Nam không thể chỉ yêu bằng con tim và nếu yêu Việt Nam bằng lý trí chúng ta sẽ thấy Việt Nam có rất nhiều lợi thế, đầu tiên là an toàn, đi đến đâu cũng không lo sợ vấn đề an ninh bản thân”

Tiếp theo là con người Việt Nam rất hiếu khách. Ngành hàng tiêu dùng rất lợi thế với những đặc điểm trên. Tuy nhiên, hiện nay chưa nhiều bạn bè thế giới biết tới thương hiệu Việt Nam.

Bà Uyên Phương nhấn mạnh: Xây dựng thương hiệu là cả một quá trình, là đầu tư dài hạn chứ không phải ngắn hạn. Bản thân Tân Hiệp Phát muốn xây dựng một thương hiệu Việt tồn tại 100 năm. Nay Tân Hiệp Phát mới được 25 năm nhưng chúng tôi tự tin xây dựng được thương hiệu 100 năm.

Chúng tôi đã xây dựng công nghệ chiết vô trùng cách đây 10 năm thì nay nó mới thành xu thế. Rõ ràng, thay đổi một cách nhìn nhận còn cần sự quyết liệt không bỏ cuộc. Một đề tài Tân Hiệp Phát muốn các quản lý cấp cao nhìn thấu để thay đổi ngoài thay đổi công nghệ 4.0, đó là dịch chuyển trong kinh doanh dẫn tới dịch chuyển trong cấu trúc.

Khi bộ máy quá nặng nề thì không hỗ trợ được dịch chuyển trong kinh doanh. Nhưng muốn dịch chuyển trong cấu trúc thì cần dịch chuyển trong văn hoá. Và muốn dịch chuyển trong văn hoá thì cần dịch chuyển trong lãnh đạo, mà cụ thể ở đây là trong nhận thức của những người làm lãnh đạo.
“Chúng tôi nghĩ tới một ví dụ rất đơn giản rằng, chúng ta từng thắp sáng bằng đèn cầy, chúng ta có thể làm đèn cầy tốt hơn nhưng nếu chỉ làm thế thì vẫn không thể bằng phát sáng bằng đèn điện được. Và nếu không dịch chuyển kịp thì chúng ta sẽ bị đào thải.

Tư duy thay đổi thì mới có hành động đúng. Suy nghĩ dài hơi mới có kế hoạch giải pháp cho môi trường, con người. Chúng tôi nghĩ rằng phải có kế hoạch dài hạn để không chỉ tốt cho người làm Tân Hiệp Phát hiện tại mà còn cho con cháu họ sau này", bà Uyên Phương chia sẻ.
Ông Vũ Xuân Trường, Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng các doanh nghiệp (DN) Việt hiện nay đang trong giai đoạn chuyển đổi về thương hiệu, vì vậy chúng ta cần có nhận thức đúng về giá trị thương hiệu, đặc biệt lãnh đạo doanh nghiệp càng cần nhận thức rõ hơn về vấn đề này.

Điểm yếu trong kết nối của doanh nghiệp Việt là câu chuyện thời gian và nguồn lực cho kết nối thương hiệu Việt. Doanh nghiệp cần có chiến lược để xây dựng thương hiệu.

"Chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp cho câu chuyện kết nối thương hiệu Việt như sau: Đầu tiên là ứng dụng công nghệ thương hiệu Việt như phát triển doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; gia tăng tốc độ chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh doanh ngành hàng. Nên tạo đột phá từ lĩnh vực nông nghiệp. Tiếp theo là kết nối tam giác nhà nước – doanh nghiệp – người dân. Tiếp cận với khái niệm thương hiệu chủ lực, từ ngành hàng chủ lực đến sản phẩm chủ lực đến thương hiệu chủ lực.

Nhà nước cần chủ động định hướng và hỗ trợ xây dựng những thương hiệu chủ lực, làm đầu tầu phát triển. Các doanh nghiệp nhỏ có thể thực hiện chiến lược núp bóng ông lớn, đứng dưới bóng người khổng lồ", ông Trường nhấn mạnh.

Tân Hiệp Phát trao tặng học bổng cho các hoàn cảnh khó khăn
Tân Hiệp Phát trao tặng học bổng cho các hoàn cảnh khó khăn

Tập đoàn Tân Hiệp Phát vừa phối hợp cùng Hội Bảo trợ Người khuyết tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo Bình Dương, UBND Thị xã Thuận An cùng các Doanh nghiệp khác đã trao tặng học bổng cho các em học sinh là người khuyết tật, trẻ mồ côi, con bệnh nhân nghèo đang theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN