Là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Tuyên Quang, Lâm Bình có tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất tỉnh với gần 80%. Năm 2009, Thủy điện Tuyên Quang đóng cửa đập vận hành đã tạo ra một hệ sinh thái mới khiến việc kiểm tra, bảo vệ rừng trở nên khó khăn. Phải quản lý gần 42.000 ha rừng phòng hộ xung yếu nhưng Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình chỉ có 8 biên chế được giao phụ trách trên địa bàn 8 xã của huyện. Lực lượng mỏng, khối lượng công việc khổng lồ, trong khi địa hình rộng, phức tạp. Đối tượng khai thác rừng trái phép thường sử dụng thiết bị, máy móc tiên tiến và hoạt động ngày tinh vi hơn khiến những cánh rừng Lâm Bình không ngày nào yên.
Cuối năm 2013, sau nhiều cuộc họp đánh giá tình hình, UBND huyện Lâm Bình đã quyết định giao Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình thực hiện phương án “Hợp đồng bảo vệ rừng phòng hộ khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang cho các tổ chức, cá nhân”. Những người dân địa phương từng gắn bó với rừng nay được nhà nước giao khoán chăm sóc bảo vệ và phát triển kinh tế dưới tán rừng. Cuộc sống dần ổn định, những cánh rừng được bảo vệ nghiêm ngặt không còn bóng dáng “lâm tặc”.
Chị Nông Thị Tươi, thôn Nà Muông, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình cho biết, trước đây, cuộc sống gia đình rất khó khăn, không có nghề phụ, chỉ có ít ruộng nên thường xuyên thiếu đói. Năm 2013, gia đình chị nhận giao khoán hơn 87 ha rừng khu vực Nà Thìn. Ngoài số tiền dịch vụ môi trường được nhà nước chi trả hàng tháng, gia đình chị còn nuôi 4 lồng cá và thêm trâu, bò, lợn… Mỗi tháng, thu nhập hơn 15 triệu đồng đã giúp gia đình có cuộc sống ổn định hơn với của ăn của để.
Cũng giống như gia đình chị Tươi, gia đình anh Chẩu Văn Nhiên, thôn Lung May xã Khuôn Hà nhận khoán hơn 34 ha rừng phòng hộ. Anh đã mạnh dạn kết hợp nuôi hơn 20 con trâu, bò, hàng chục con dê, trên 15 con lợn đen... Ngoài ra, tận dụng lợi thế có diện tích mặt nước khu vực lòng hồ lớn, gia đình anh còn nuôi thêm 2 lồng cá và đánh bắt thủy sản như tôm, cá bán cho các thương lái để tăng thêm thu nhập. Cuộc sống gia đình ổn định hơn trước rất nhiều.
Quản lý hơn 34 ha rừng nhưng trong nhiều năm chưa hề để xảy ra một vụ xâm hại nào dù là nhỏ nhất. Anh Nhiên chia sẻ, mỗi tháng anh chỉ ở nhà có 5 ngày, thời gian còn lại là đi tuần, kiểm tra diện tích rừng được nhà nước giao khoán. Nếu “lâm tặc” vào khu vực mình quản lý là bị phát hiện ngay. Hơn nữa, là dân địa phương nên mọi người trong xã anh đều thuộc tên, biết mặt hết nên không ai dám phá rừng nữa. Giờ nhà nước giao quản lý giao rừng, tạo điều kiện phát triển kinh tế nên phải giữ rừng dựa vào rừng mà sống - anh Nhiên bày tỏ.
Việc lựa chọn những tổ chức cá nhân là người địa phương, có tình yêu và gắn bó với rừng để giao rừng, cùng với lực lượng kiểm lâm, cán bộ quản lý rừng phòng hộ đã tạo ra mạng lưới chắc chắn bảo vệ những cánh rừng già - nơi được nhà nước công nhận Danh lam thắng cảnh Quốc gia.
Ông Tề Minh Giáp, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Lâm Bình cho hay, sau hơn 4 năm thực hiện, đến nay có 66 hộ ký hợp đồng nhận giao khoán bảo vệ hơn 3.000 ha rừng. Trước đây, bảo vệ rừng rất khó khăn, tình trạng phá rừng lấy gỗ và làm nương rẫy thường xuyên xảy ra thì nay đã không còn. Những hộ được nhận khoán bảo vệ rừng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm. Đổi lại, họ được phát triển kinh tế dưới tán rừng với điều kiện không tổn hại đến rừng; được hỗ trợ tiền dịch vụ môi trường hàng tháng mang lại.
Xã hội hóa bảo vệ phát triển rừng ở Tuyên Quang thực sự đã huy động được sự tham gia của nhân dân địa phương trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; phòng chống cháy rừng, ngăn chặn tình trạng xâm lấn, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích, khai thác rừng trái phép. Phương án mới giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế dưới tán rừng; góp phần xóa đói giảm nghèo và tiết kiệm ngân sách đáng kể của nhà nước đầu tư cho bảo vệ rừng.