Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đang lớn mạnh và ngày càng uy tín

Những kết quả đạt được của chặng đường 26 năm qua cho thấy Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNH) đang ngày càng phát triển lớn mạnh, khẳng định được vai trò, vị thế, uy tín của mình, đóng góp đáng kể cho sự phát triển chung của ngành Ngân hàng.

Chú thích ảnh

Nhìn lại chặng đường hơn một phần tư thế kỷ đã qua, có thể thấy HHNH đã luôn tích cực hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, đồng hành cùng sự phát triển của các tổ chức hội viên, bám sát đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Thực hiện khẩu hiệu của Hiệp hội là “Liên kết tạo sức mạnh”, Hiệp hội đã phát huy vai trò làm đầu mối, tập hợp ý kiến của các tổ chức hội viên, tích cực tham gia đóng góp xây dựng cơ chế, chính sách, quan tâm công tác hội viên, tăng cường sự gắn bó, liên kết giữa Cơ quan Thường trực với các tổ chức hội viên, các định chế tài chính, HHNHcác nước, giữa các tổ chức hội viên. 

Nhiệm kỳ  VI thành công với những kết quả ấn tượng

Nhiệm kỳ VI HHNH (2016-2020) trùng với thời gian toàn hệ thống ngân hàng tập trung triển khai Đề án cơ cấu lại các TCTD giai đoạn II, gắn với xử lý nợ xấu đồng thời củng cố năng lực quản trị ngân hàng theo hướng tiệm cận các thông lệ quốc tế. Vì vậy, hoạt động của HHNH nhiệm kỳ VI được xác định ngay từ đầu là tập trung triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đồng thời hỗ trợ các tổ chức hội viên củng cố tổ chức, hoạt động an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững. Cụ thể là:

Tích cực tham gia đóng góp vào việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng; hỗ trợ tích cực cho tổ chức hội viên giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động. Trong nhiệm kỳ, HHNH đã tham gia góp ý đối với gần 200 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động ngân hàng và các lĩnh vực liên quan, trong đó nhiều ý kiến, đề xuất của HHNH đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quan tâm, tiếp thu để điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế, chính sách, khuôn khổ pháp lý liên quan đến lĩnh vực tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng. HHNHlà thành viên tích cực và có trách nhiệm trong Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều kiến nghị, đề xuất đã được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết hợp tình, hợp lý, góp phần bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên, tránh tạo tiền lệ gây xáo trộn, rủi ro trong hoạt động, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống; kịp thời gửi văn bản kiến nghị tới các cơ quan hữu quan (Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao, Hội đồng xét xử Tòa án thành phố Hồ Chí Minh…) về xử lý của Toà án đối với 3 ngân hàng thương mại (BIDV, Sacombank và TPBank) liên quan vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm; phản ảnh cho Bộ Tài nguyên và Môi trường những vướng mắc trong việc nhận tài sản bảo đảm là quyền khai thác khoáng sản… Đặc biệt, liên quan đến Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, HHNHnhiều lần trực tiếp làm việc và có văn bản kiến nghị với Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan về giải quyết khó khăn, vướng mắc về tài sản bảo đảm, mua bán nợ, thuế… trong quá trình áp dụng thực hiện Nghị quyết của các tổ chức hội viên. 

Năm 2020, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, để chung tay chia sẻ, giảm bớt khó khăn cho các tổ chức hội viên, HHNHđã có ý kiến đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các công ty viễn thông giảm cước tin nhắn đối với dịch vụ tài chính ngân hàng, đề nghị Tổng Cục Thuế (Bộ Tài chính) không thu thuế GTGT đối với nghiệp vụ phát hành L/C,  kiến nghị với tổ chức thẻ quốc tế Visa và Mastercard xem xét giảm phí dịch vụ để hỗ trợ các ngân hàng tại Việt Nam. 

Công tác truyền thông của Hiệp hội được quan tâm và đẩy mạnh, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, phục vụ việc thông tin, tuyên truyền và vận động hội viên, góp phần đắc lực vào công tác truyền thông chung của ngành Ngân hàng. Tăng cường nhân lực và kỹ thuật cho Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ; đầu tư nâng cấp giao diện website của Hiệp hội. Đặc biệt, sự ra đời Tạp chí điện tử Thị trường Tài chính Tiền tệ, đã kịp thời bổ sung một kênh truyền thông quan trọng và hữu hiệu cho HHNH và ngành Ngân hàng, đã phát huy được tính ưu việt của loại hình báo chí hiện đại, nhanh nhạy, kịp thời, lan tỏa thông tin mạnh mẽ hơn tới đông đảo bạn đọc.

Các kênh truyền thông của Hiệp hội đã nghiêm túc tuân thủ tôn chỉ, mục đích, quy định của pháp luật, thường xuyên cập nhật tình hình, phổ biến, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành, hoạt động của Hiệp hội và các tổ chức hội viên; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan báo chí trong và ngoài ngành tham gia tuyên truyền, định hướng dư luận, làm cho xã hội hiểu đúng về hoạt động ngân hàng, góp phần củng cố niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng.

Trong nhiệm kỳ, Hiệp hội cũng chú trọng nâng cao chất lượng công tác đào tạo, tập huấn, đáp ứng nhu cầu của các tổ chức hội viên. Hiệp hội đã tổ chức thành công hơn 100 khóa đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm cho  gần 8.000 lượt cán bộ của các tổ chức hội viên, trong đó một số chương trình, chủ đề  được các tổ chức hội viên quan tâm, đặt hàng tổ chức riêng cho hàng trăm cán bộ, nhân viên của mình. Phối hợp với các tổ chức quốc tế uy tín như IFC, WWF, GIZ, UNEP FI tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, hội thảo  về chủ đề Tài chính xanh và Phát triển bền vững, đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động tín dụng…  

Hiệp hội tiếp tục phát triển hội viên và đẩy mạnh công tác chăm sóc, gắn kết hội viên. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HHNH đã kết nạp thêm 27 hội viên, trong đó có nhiều công ty công nghệ tài chính (Fintech), đưa tổng số hội viên lên 73 tổ chức, giúp mở rộng quy mô, đa dạng hóa hoạt động, nâng cao sức mạnh và vị thế của Hiệp hội. Bên cạnh đó, Hiệp hội đã thành lập CLB Fintech và CLB xử lý nợ AMC, đồng thời thành lập Ủy ban Chính sách và Ủy ban Công nghệ nhằm huy động tốt hơn tiềm năng, nguồn lực phong phú trong các tổ chức hội viên cho hoạt động của Hiệp hội. Đẩy mạnh hoạt động có hiệu quả các tổ chức trực thuộc: Chi hội Thẻ; CLB Pháp chế, CLB Fintech..

Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tê được tăng cường và mở rộng, tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn, có ý nghĩa thiết thực và ghi nhiều dấu ấn tốt đẹp, đã được Ban Đối ngoại Trung ương tặng Bằng khen về thành tích đối ngoại nhân dân trên lĩnh vực kinh tế. Trong đó, nổi bật là việc chuẩn bị công phu và tổ chức thành công Hội nghị thường niên HHNHASEAN lần thứ 47 tại Đà Nẵng (tháng 11/2017) với tư cách nước chủ nhà; Phối hợp với một số tổ chức quốc tế có uy tín như Hiệp hội Phần mềm Hàn Quốc (KOSA), The Asian Banker, IDG, APLMA… tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn tại Việt Nam, thu hút nhiều diễn giả, chuyên gia quốc tế đến trình bày, chia sẻ kinh nghiệm.

Hằng năm, HHNH tham gia và có đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của HHNHASEAN và cộng đồng ngân hàng các nước trong khu vực. Mở rộng giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và thiết lập quan hệ hợp tác với HHNHmột số nước; tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế, các đợt nghiên cứu, khảo sát ở nước ngoài trong khuôn khổ các chương trình hợp tác. Mặt khác, HHNH cũng tích cực tiếp đón, hỗ trợ nhiều đối tác quốc tế đến Việt Nam tìm hiểu, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, phổ biến kiến thức.

Hiệp hội đã xây dựng và ban hành Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng. Hiệp hội đã và đang tích cực tổ chức triển khai tuyên truyền phổ biến; vận động; đào tạo... để quán triệt và thực hiện trong các tổ chức hội viên, đưa Bộ chuẩn mực từng bước đi vào cuộc sống, tạo ra chuyển biến thực sự trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ ngân hàng.

Năng lực hoạt động của Cơ quan Thường trực Hiệp hội ngày càng được nâng cao chuyên nghiệp, cơ sở vật chất kỹ thuật được củng cố, tổ chức bộ máy và nhân sự, tập thể đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ Điều lệ quy định, hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Hội nghị thường niên, Hội đồng Hiệp hội và sự chỉ đạo của Chủ tịch Hiệp hội, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, Cơ quan Thường trực luôn chủ động, linh hoạt thích ứng, sẵn sàng giải quyết kịp thời các nhiệm vụ đột xuất phát sinh, đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Nhiệm kỳ VI, HHNH đã đạt được những kết quả hết sức ấn tượng cho thấy HHNHđang ngày càng phát triển lớn mạnh, khẳng định được vai trò, vị thế, uy tín của mình, đóng góp đáng kể cho sự phát triển chung của ngành Ngân hàng. 

HHNH cần tiếp tục đổi mới để phát triển

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang bước vào tình hình mới, hoạt động của ngân hàng sẽ có nhiều thay đổi, cạnh tranh ngày càng gay gắt, công nghệ ngân hàng tiếp tục phát triển nhanh và mạnh mẽ, khuôn khổ pháp lý ngày càng chặt chẽ, tạo ra những thuận lợi, cơ hội mới nhưng khó khăn và thách thức mà các ngân hàng phải đối mặt cũng rất lớn. Để đồng hành và hỗ trợ cho các tổ chức hội viên, hoạt động của HHNH cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, phát huy thành tích đã đạt được, khắc phục các mặt còn hạn chế, tạo chuyển biến rõ rệt, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, với những trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác vận động các tổ chức hội viên quán triệt và tích cực hưởng ứng, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ và các giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Tham gia tích cực, chủ động, kịp thời và hiệu quả hơn nữa vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động ngân hàng, giải quyết có hiệu quả những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức hội viên, thúc đẩy hoàn thành tốt quá trình cơ cấu lại và xử lý nợ xấu.

Hai là, củng cố tổ chức, đẩy mạnh hoạt động, phát huy mạnh mẽ hơn vai trò, hiệu quả của các ủy ban chuyên môn, các tổ chức trực thuộc HHNH, huy động lực lượng và tiềm năng phong phú trong các tổ chức hội viên, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia, cán bộ chuyên môn sâu của ngành để phát hiện, phân tích, nghiên cứu, phản ứng kịp thời, chính xác những vấn đề phát sinh có tác động chung, từng bước trở thành những trụ cột chính trong hoạt động của Hiệp hội.

Ba là, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác truyền thông của HHNH thông qua Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, Trang thông tin điện tử của Hiệp hội và các kênh truyền thông, mạng xã hội khác; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội viên, các đơn vị chuyên môn của Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan báo chí nhằm tuyên truyền kịp thời hoạt động của Hiệp hội, quảng bá cho các tổ chức hội viên và góp phần đắc lực trong việc định hướng dư luận, làm cho xã hội hiểu hơn về hoạt động ngành Ngân hàng.

Bốn là, phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước để tổ chức có chất lượng, hiệu quả các khóa đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn nghiệp vụ, áp dụng chuẩn mực, thông lệ quốc tế... đáp ứng sát đúng nhu cầu của các tổ chức hội viên. Song song với đó, cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển Trung tâm Đào tạo của Hiệp hội với tầm nhìn dài hạn, triển khai những chương trình đào tạo bài bản, đóng vai trò thiết yếu cho việc hình thành, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của các tổ chức hội viên trong điều kiện tình hình mới. Cần khẩn trương thực hiện đào tạo cấp chứng chỉ nghề nghiệp gắn với lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành ngân hàng cho giai đoạn tới. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng của HHNHtrong thời gian tới mà nhiệm kỳ VI chưa thực hiện được.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế của HHNH, thể hiện đúng vai trò đại diện cho các tổ chức hội viên về mặt đối ngoại; tích cực tham gia các hoạt động và hoàn thành nghĩa vụ với HHNH ASEAN với tư cách thành viên; mở rộng giao lưu, hợp tác với HHNH các nước và các đối tác quốc tế khác, đem lại lợi ích thiết thực cho các bên tham gia; hỗ trợ các tổ chức hội viên, đáp ứng nhu cầu về kết nối, giao lưu, trao đổi, hợp tác quốc tế khi cần thiết.

Sáu là, tiếp tục phát triển hội viên mới, chú trọng chất lượng hội viên, không ngừng tăng cường gắn kết giữa Hiệp hội với các tổ chức hội viên với khẩu hiệu “liên kết tạo sức mạnh”, để Hiệp hội thực sự trở thành “ngôi nhà chung” của các tổ chức hội viên.

Bảy là, tiếp tục triển khai, phổ biến, tuyên truyền, vận động các tổ chức hội viên quan tâm nhắc nhở cán bộ, nhân viên thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử theo Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng đã được HHNH ban hành.

VNBA hiện có 73 tổ chức hội viên, bao gồm 58 hội viên chính thức, 10 hội viên liên kết và 5 hội viên danh dự; trong đó có 40 ngân hàng thương mại, 11 công ty tài chính, 4 định chế tài chính khác, 13 công ty Fintech và 5 tổ chức khác có hoạt động liên quan đến lĩnh vực ngân hàng. 
Quy mô và chất lượng hoạt động của các tổ chức hội viên cũng ngày càng tăng lên, giữ ví trí chủ chốt trên thị trường tiền tệ, tín dụng, quản lý khối tài sản xã hội rất lớn với tổng tài sản đến nay chiếm gần 90% toàn ngành (trên 11,6 triệu tỷ đồng), vốn điều lệ chiếm 82% toàn ngành (515 nghìn tỷ đồng). 
VNBA là thành viên của HHNH ASEAN kể từ năm 1995, đối tác của Hiệp hội Ngân hàng châu Á và có quan hệ hợp tác với nhiều HHNH các nước và vùng lãnh thổ như HHNH Nga, Italia, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… và nhiều tổ chức quốc tế có uy tín.
Phan Đức Tú, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhiệm kỳ VI (2016 -2020)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN