Xác định việc giải “bài toán” giảm nghèo cho người dân, nhất là giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, làm tiền đề bứt phá trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương, huyện Đồng Hỷ đã huy động các cấp, ngành, tập trung các nguồn lực vào cuộc. Theo đó, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã tham mưu để Ban đại diện Hội đồng quản trị huyện ban hành các kế hoạch, chương trình thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, tập trung huy động nguồn lực tài chính, lồng ghép việc giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách với các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội để nâng cao hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Mười, Giám đốc NHCSXH huyện Đồng Hỷ, phấn khởi cho biết: Cấp ủy, chính quyền địa phương luôn xác định việc thực hiện tín dụng ưu đãi là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Từ đó, huyện trực tiếp chỉ đạo NHCSXH phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tập trung các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước chuyển sang NHCSXH quản lý sử dụng vào cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thực hiện Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội, huyện Đồng Hỷ đã ủy thác sang NHCSXH gần 12 tỷ đồng bao gồm nguồn vốn ngân sách huyện và ngân sách tỉnh để bổ sung cho vay hộ nghèo và giải quyết việc làm, nâng tổng nguồn vốn chính sách trên toàn huyện lên 533 tỷ đồng.
Chúng tôi về bản Tèn của đồng bào dân tộc Mông ở xã Văn Lăng (huyện Đồng Hỷ), nơi được xem là xóm núi xa nhất của vùng chè Thái Nguyên. Ngày trước, bản Tèn vẫn là chốn “3 không” (không điện, không đường bê tông, không sóng điện thoại) nên cuộc sống người dân cũng còn gian nan, thiếu thốn. Để giúp bản Tèn đổi thay, huyện Đồng Hỷ đã dồn sức, huy động mở đường giao thông liên thôn, liên xã, dẫn điện lưới quốc gia về, rồi hỗ trợ xây dựng, 11 mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Phòng giao dịch NHCSXH cũng tiếp sức, đầu tư thêm vốn ưu đãi để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế. Những cán bộ tín dụng chính sách mang sắc phục áo hồng hoa sen đã về bản Tèn hướng dẫn đồng bào vay vốn và cách sử dụng đầu tư vào chăn nuôi trâu, bò, dê, gà đặc sản cùng trồng các loại cây phù hợp với điều kiện địa phương như bí đỏ, khoai tây, trám ghép.
Anh Vương Văn Pà, xóm bản Tèn cho biết: “Nhờ có các cán bộ tín dụng của ngân hàng hỗ trợ, hướng dẫn tận tình nên gia đình tôi đã nuôi được cả đàn trâu bò 6 con béo mộng. Cứ đà này, 2 - 3 năm nữa sẽ có nhiều hộ trong xóm bản sẽ thoát nghèo”.
Kế đó, bản Khe Mong cũng thuộc xã Văn Lăng có gần 3 tỷ đồng vốn của NHCSXH Đồng Hỷ để chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi với 218 ha chè sạch và đàn trâu bò sinh sản hơn 100 con… Tiêu biểu có chị Ma Thị Điều, dân tộc Tày được sự giúp đỡ của Hội phụ nữ xã nên đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng vốn của NHCSXH để khai phá đất đồi, mua giống cây tốt, vật tư phân bón chọn lọc vào trồng, chăm sóc chè giống mới, năng suất cao theo quy trình sản xuất Viet GAP. Nhờ nguồn thu ổn định từ đồi chè, gia đình chị Điều thoát nghèo, mua sắm thêm nhiều tài sản phục vụ cuộc sống và sản xuất.
Ông Trương Công Hiện, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng khẳng định: Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH huyện đã được đầu tư đúng đối tượng, đúng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và giảm nghèo bền vững rất hiệu quả. Dự kiến cuối năm 2022, Văn Lăng giảm còn 11% hộ nghèo và về đích nông thôn mới.
Có thể khẳng định, nguồn vốn ưu đãi đã thực sự trở thành động lực góp phần thúc đẩy một huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Đồng Hỷ giảm nhanh được tỉ lệ hộ nghèo, hiện còn 2.396 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 9,81%. Những tháng đầu năm nay, NHCSXH Đồng Hỷ còn thực hiện rà soát các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 để kịp thời triển khai cho vay người sử dụng lao động dể trả lương ngừng việc đối với người lao động. Đơn vị cũng đang đẩy mạnh công tác cho vay phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Từ thực tế 20 năm triển khai ở huyện Đồng Hỷ, tín dụng chính sách đã luôn thể hiện một vai trò quan trọng vào công cuộc giảm nghèo, bảo đảm an ninh xã hội.