Nghiên cứu có sự tham gia của gần 3.200 tổ chức trên toàn cầu theo nhiều quy mô như các doanh nghiệp vừa và nhỏ (từ 1 đến 249 nhân viên), doanh nghiệp có từ 250 đến dưới 1.000 nhân viên, cũng như các doanh nghiệp lớn (trên 1.000 nhân viên), tại 21 thị trường trên khắp thế giới bao gồm Châu Mỹ, Châu Á Thái Bình Dương và Châu Âu, tiến hành khảo sát những lãnh đạo công nghệ thông tin (CNTT) của 30 ngành nghề.
Báo cáo mang tên “Tương lai làm việc từ xa an toàn” (Future of Secure Remote Work Study) chỉ ra làm việc từ xa đã trở thành xu hướng tất yếu kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát kéo theo những thách thức và bất ổn khiến nhiều quốc gia bắt buộc phải thực hiện cách ly xã hội, đóng cửa biên giới...
Theo kết quả nghiên cứu, trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, 19% số doanh nghiệp tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có khoảng một nửa lực lượng lao động làm việc từ xa, con số tại Việt Nam là 20%. Trong đại dịch đã có 56% số doanh nghiệp tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và 51% số doanh nghiệp Việt Nam có hơn một nửa lực lượng lao động làm việc từ xa. Dự đoán sau đại dịch, 34% số doanh nghiệp tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và tại Việt Nam có hơn một nửa lực lượng lao động làm việc từ xa.
Khi làm việc từ xa, thách thức an ninh mạng lớn nhất mà hầu hết các doanh nghiệp phải đối mặt là: Truy cập an toàn: 63% doanh nghiệp Châu Á – Thái Bình Dương, 69% doanh nghiệp Việt Nam; Quyền riêng tư dữ liệu tác động đến tình hình bảo mật tổng thể: 59% doanh nghiệp Châu Á – Thái Bình Dương, 66% doanh nghiệp Việt Nam; Bảo vệ khỏi phần mềm độc hại: 71% doanh nghiệp Việt Nam; Duy trì các chính sách kiểm soát và thực thi: 53% doanh nghiệp Châu Á – Thái Bình Dương.
Cùng với đó, việc bảo mật điểm cuối cũng đặt ra thách thức cho các tổ chức, doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường từ xa do không thể tin tưởng kết nối điểm cuối với mạng văn phòng cho việc hiển thị và thúc đẩy cập nhật.
Đồng thời, các tổ chức, doanh nghiệp phải đối mặt với các mối đe dọa và cảnh báo an ninh mạng đang ngày càng gia tăng do những thách thức trong quá trình chuyển đổi môi trường làm việc đột ngột và cần tiếp cận các giải pháp an ninh mạng phù hợp để chuẩn bị tốt hơn cho môi trường làm việc linh hoạt và kết hợp trong tương lai.
“Việc chuyển sang môi trường làm việc trong tương lai với những kỳ vọng về sự linh hoạt và khả năng làm việc ở mọi nơi từ nhân viên có nghĩa các tổ chức, doanh nghiệp, bộ phận bảo mật CNTT của họ cần phải thích ứng theo và xem xét lại chiến lược bảo mật tổng thể nhằm đảm bảo an ninh mạng.
Vì vậy, an ninh mạng trở thành ưu tiên hàng đầu của các tổ chức, doanh nghiệp với mức độ quan trọng được nâng cao hơn so với thời điểm trước dịch COVID-19. 85% các doanh nghiệp tại Châu Á – Thái Bình Dương và 93% doanh nghiệp tại Việt Nam đồng ý với quan điểm này”, báo cáo nêu rõ.