Bản báo cáo đánh giá quá trình chuyển tiếp trên hai phương diện: Xác lĩnh vực kinh tế và các khu vực địa lý.
Xuất phát điểm và lộ trình hướng tới trạng thái phát thải net-zero được sử dụng trong phân tích là kịch bản do Mạng lưới Phủ Xanh Hệ thống Tài chính (NGFS) xây dựng với giả định thế giới đạt trạng thái phát thải net - zero ở năm 2050.
Các phát hiện của báo cáo gồm: Quá trình chuyển tiếp sẽ mang tính phổ quát; Quy mô chuyển đổi kinh tế sẽ rất lớn; Có thể cần tái phân bổ lao động trên diện rộng, khi quá trình chuyển tiếp sang trạng thái net-zero sẽ tạo thêm khoảng 200 triệu nhưng cũng làm biến mất khoảng 185 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp; Chuyển đổi sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian đầu; Tác động của quá trình dịch chuyển sẽ được cảm nhận với mức độ không đồng đều giữa các lĩnh vực kinh tế, các quốc gia, và các cộng đồng; Sự dịch chuyển kinh tế về cơ bản sẽ ở mức cao hơn nếu quá trình chuyển tiếp diễn ra không có trật tự; Đối với tất cả các chi phí và rủi ro đi kèm, các điều chỉnh kinh tế cần thiết để đạt trạng thái net-zero sẽ đi kèm với các cơ hội và ngăn chặn rủi ro vật lý tiếp tục gia tăng.
Báo cáo chỉ ra 6 nguyên mẫu chính của các quốc gia, dựa trên bản chất chung của mỗi nguyên mẫu về mức độ chịu ảnh hưởng của quá trình chuyển tiếp, bao gồm: các nước sản xuất tài nguyên nhiên liệu hóa thạch, các nước sản xuất có tỷ lệ phát thải cao, các nền kinh tế dựa vào nông nghiệp, các nước thâm dụng đất, các nước sản xuất phát thải hạ nguồn, và các nền kinh tế dựa vào dịch vụ.
Việt Nam nằm ở nhóm các quốc gia thuộc nguyên mẫu thứ 2 “Các nước sản xuất có tỷ lệ phát thải cao” cùng với Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan, Nam Phi, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraina. Các lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh, như sản xuất với mức độ phát thải cao, sản xuất điện dựa trên nhiên liệu hóa thạch, và nông nghiệp, chiếm tỷ trọng khá lớn, trung bình khoảng 18%, trong GDP của các quốc gia này. Việc làm có xu hướng tập trung ở lĩnh vực nông nghiệp (hơn 20%), trong khi phần lớn dung lượng vốn lại nằm ở lĩnh vực sản xuất chế biến chế tạo và sản xuất điện dựa trên nhiên liệu hóa thạch.
Các quốc gia thuộc nhóm nguyên mẫu thứ hai này nhiều khả năng sẽ điều chỉnh theo quá trình chuyển tiếp chủ yếu bằng cách phi carbon hóa các quy trình công nghiệp, mở rộng công suất điện từ năng lượng tái tạo, và hỗ trợ nông dân áp dụng các tập quán canh tác carbon thấp hoặc dần chuyển từ nông nghiệp sang các hoạt động khác. Các quốc gia này sẽ cần đầu tư đáng kể để phi carbon hóa nền kinh tế và đảm bảo tăng trưởng carbon thấp, tiếp cận năng lượng và khả năng chi trả cho tất cả mọi người.