Các nhà khoa học tìm lại cảm hứng nghiên cứu thay vì “trả bài”

Thai nghén từ khi đề tài còn là ý tưởng, nhưng rồi đến khi bắt tay vào làm, đứa con tinh thần của các nhà khoa học nhiều khi lại trở thành… “con ông hàng xóm”. Sự mệt mỏi khiến rất nhiều nhà khoa học cảm giác đang "trả bài" thay vì nghiên cứu với tất cả cảm hứng sáng tạo.

Chú thích ảnh
Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup -VinIF được đánh giá là “làn gió mới” kì vọng thay đổi văn hóa làm khoa học trong nước.

Đề xuất mới toanh, ngoảnh lại đã lạc hậu

Tiến sĩ Nguyễn Bình Minh, một trong những tác giả vừa nhận Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2019, kể “truyền thuyết” về hành trình nghiên cứu mà trong giới làm khoa học vẫn thường nhắc tới. Ban đầu, người nghiên cứu phải đề xuất đầu bài để để một hội đồng thẩm định. Ý tưởng này sau đó có thể bị chỉnh sửa thành nội dung “không giống lắm” so với ban đầu.

"Từ nội dung A, đề tài bị sửa thành A phẩy, thậm chí là B. Lúc đó đề tài đã không còn là 100% của họ nữa", vị tiến sĩ chia sẻ.

Những người làm đề tài sau đó phải viết đề xuất cụ thể dựa trên đề bài mới và tiếp tục được một hội đồng chỉnh sửa vòng 2. Tới cuối cùng, khi đặt bút ký vào hợp đồng, đề tài từ A đã biến thành C, chứ không chỉ là B hay A phẩy.

“Nhiều người luôn cố gắng để làm tốt nhất công việc nghiên cứu nhưng quá trình trên khiến mọi người cảm giác đang "trả bài" thay vì làm việc với tất cả cảm hứng – điều vô cùng quan trọng để đạt được kết quả nghiên cứu tốt nhất” tiến sĩ Minh nói.

Nhưng đó vẫn chưa phải trở ngại duy nhất. Để đi qua tất cả các bước trên, nhiều dự án xin tài trợ phải mất tới 1,5-2 năm, khoảng thời gian quá dài với một dự án khoa học, đặc biệt là về công nghệ. Trên thực tế, có đề tài đợi từ lúc "mới toanh" (thời điểm đề xuất) tới lúc được nhận kinh phí đã lạc hậu, không còn hợp thời.

Phó giáo sư, tiến sỹ Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, trong nghiên cứu, có tình trạng, thủ tục chi kinh phí, thanh quyết toán gắn với nhiều giấy tờ minh chứng phức tạp. “Một số đề tài thực hiện theo cơ chế khoán tới sản phẩm cuối cùng thì thủ tục giải ngân cũng vẫn phức tạp không kém, mà rủi ro lại cao khi trong nghiên cứu khó ai khẳng định được chắc chắn sẽ luôn thành công” phó giáo sư, tiến sỹ Hoàng Minh Sơn nói.

Làn gió mới với kì vọng thay đổi văn hóa làm khoa học

Mới đây, tiến sĩ Nguyễn Bình Minh được trải nghiệm một cách làm rất mới khiến anh ngạc nhiên. Dự án "V-Chain - một nền tảng phát triển và triển khai ứng dụng phi tập trung dựa trên công nghệ Blockchain" của anh nằm trong số 20 dự án đầu tiên được Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) tài trợ. Đây cũng chính là dự án vừa nhận giải khuyến khích lĩnh vực công nghệ thông tin Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2019.

Điều làm nhà khoa học này ấn tượng là cách làm quyết liệt của Quỹ. Đề tài của anh đề xuất hồi tháng 3 năm nay. Tới tháng 7, nhóm nghiên cứu đã nhận được kết quả và sau đó nhanh chóng được ký hợp đồng. "Chúng tôi thấy nguồn kinh phí rồi, yên tâm làm tới đâu được giải ngân tới đó, không còn phải lo lắng hỏi nhau: Tiền bao giờ mới về?", vị tiến sĩ giãi bày.

Chú thích ảnh
TS Vũ Thành Tự Anh cho biết: “Chưa chứng kiến thời gian tài trợ khoa học nào nhanh kỉ lục như VinIF đang làm”.

Với sự đỡ đầu của VinIF, Tiến sĩ Nguyễn Bình Minh tin rằng dự án V-Chain sẽ đi tới đích và ứng dụng của nghiên cứu này sẽ giúp Việt Nam nhập cuộc mạnh mẽ với cuộc cách mạng Blockchain đang diễn ra sôi động trên thế giới. Anh giải thích: Blockchain giống như một ngôi nhà quá rộng lớn, muốn "lấy đồ" trong ngôi nhà này để phát triển các ứng dụng, phần mềm, các nhà viết ứng dụng cần hiểu biết rất sâu. V-chain sẽ là cánh cửa, lối tắt dẫn các nhà phát triển giải nhanh nhất bài toán của mình khi muốn ứng dụng Blockchain.

Ý tưởng này được hội đồng của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup rất ủng hộ. "Mọi người rất tôn trọng ý tưởng này. Hội đồng khoa học đã góp ý để dự án hoàn chỉnh hơn nhưng không làm cho đề tài bị biến dạng. Tôi cảm thấy cách làm như vậy rất tạo cảm hứng. Người làm khoa học sẽ muốn phát triển dự án của mình đến cùng", tiến sĩ Minh nói.

Sự tôn trọng, tạo cảm hứng là điều được vị tiến sĩ hơn một lần nhắc tới trong câu chuyện của mình về VinIF. Anh từng làm việc với các nguồn hỗ trợ nhưng ở nhiều nơi, câu đầu tiên mà dự án nhận được từ đơn vị tài trợ là: Tôi đầu tư, bản quyền thuộc về tôi.

Với Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup, mọi thứ rất khác. Tiến sĩ Minh kể, anh từng hỏi đại diện Quỹ: Tôi có thể mang sản phẩm này tới một số cuộc thi để nhận thêm đánh giá, nhận xét cho dự án không? Quỹ phản hồi lại nhà nghiên cứu một cách chắc chắn: Chúng tôi không nắm bất cứ bản quyền nào. Các anh có toàn quyền với “con đẻ” của mình.

Tiến sĩ Minh cho rằng, đó là sự khác biệt về tư duy và tầm nhìn. "Có nơi đầu tư 1-2 đồng rồi bảo cái này của tôi. VINIF thì nói: Không. Cái này của chính các anh", vị tiến sĩ tâm đắc.

Không chỉ tiến sĩ Nguyễn Bình Minh, những chủ nhiệm dự án được VINIF tài trợ đều cảm thấy ‘khó tin” về cách làm quyết liệt của Quỹ. Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh (Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fullbright tại Việt Nam) mô tả cách làm của VINIF là "chưa từng chứng kiến ở Việt Nam".

"Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là thời gian từ lúc nộp hồ sơ cho đến lúc được mời báo cáo, và ngày hôm nay chúng ta đứng ở đây trong vòng có khoảng hơn 3 tháng. Đấy là khoảng thời gian kỉ lục mà ở Việt Nam tôi chưa bao giờ chứng kiến”, vị chủ nhiệm đề tài “Xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu lớn cho đô thị - Tính toán kết nối, khả năng phục hồi và nhu cầu mạng lưới xe buýt tại TP.HCM” bày tỏ trong lễ công bố danh sách dự án được VinIF tài trợ vào cuối tháng 8 vừa qua.

Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Bùi Thế Duy nhận xét, việc xuất hiện của những Quỹ tài trợ khoa học như VINIF là tín hiệu tích cực cho sự phát triển của môi trường nghiên cứu tại Việt Nam. “Đây là xu hướng tất yếu, theo định hướng mà chính phủ đang thúc đẩy thực hiện, mang lại tác động đáng ghi nhận và góp phần thay đổi phong cách nghiên cứu khoa học và công nghệ. Việc bổ sung thêm nguồn lực tư nhân để cùng nhà nước hỗ trợ khoa học và công nghệ phát triển cũng góp phần tạo ra những thay đổi, đột phá cho Việt Nam”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói.

TS Vũ Thành Tự Anh: Chưa từng chứng kiến thời gian tài trợ khoa học nào nhanh kỉ lục như VinIF đang làm
TS Vũ Thành Tự Anh: Chưa từng chứng kiến thời gian tài trợ khoa học nào nhanh kỉ lục như VinIF đang làm

Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fullbright tại Việt Nam nói rằng ông rất ngạc nhiên khi tổng thời gian từ khi Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) nhận hồ sơ, thẩm định 3 vòng và đi đến kí kết tài trợ chỉ có hơn 3 tháng – khoảng thời gian mà ông nhấn mạnh là một kỉ lục Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN