Chuyển giao công nghệ điện rác
Theo đó, công nghệ lõi mà BCG Energy - công ty thành viên của Tập đoàn Bamboo Capital, sử dụng cho Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa là công nghệ SUS-Hitachi Zosen Vonroll hiện đại bậc nhất hiện nay, đã được sử dụng tại hàng trăm nhà máy điện rác trên thế giới. Công nghệ này là lựa chọn tối ưu với đặc trưng rác thải sinh hoạt tại Việt Nam đa phần chưa qua tiền xử lý, có độ ẩm cao, nhiệt trị thấp.
Ngay tại những nơi có tiêu chuẩn môi trường khắt khe như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất… các nhà máy điện rác sử dụng công nghệ SUS-Hitachi Zosen Vonroll vẫn được đặt trong các thành phố lớn đông đúc dân cư. Hoạt động xử lý rác của nhà máy hoàn toàn khép kín, khí thải ra môi trường được xử lý an toàn và hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Sau khi được đốt bằng công nghệ SUS-Hitachi Zosen Vonroll, rác thải sẽ giảm được phần lớn thể tích và khối lượng, nhiệt lượng tạo ra từ quá trình đốt trở thành điện năng phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Lượng tro xỉ còn lại sau khi đốt rác là loại chất thải không độc hại có thể sản xuất thành vật liệu xây dựng. Lượng nước thải phát sinh trong quá trình nhà máy vận hành được thu gom, xử lý khép kín và tái sử dụng để làm mát hệ thống máy móc trong nhà máy. Khí thải và tro bay sản sinh ra trong quá trình đốt rác được xử lý bằng công nghệ hiện đại, ưu việt hơn tiêu chuẩn xử lý EURO 2010, đảm bảo không gây ra mùi hôi hay ô nhiễm không khí khi thải ra môi trường.
Tập đoàn Bamboo Capital và BCG Energy cùng các đối tác về công nghệ cam kết sẽ nỗ lực xây dựng và sớm đưa vào vận hành Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa với những tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe. Thông qua đó, đưa Tâm Sinh Nghĩa trở thành công trình kiểu mẫu, biểu tượng về môi trường của TP.HCM và là trung tâm đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ về đốt rác phát điện của cả nước.
Song song với việc xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa tại TP Hồ Chí Minh, BCG Energy sẽ sớm triển khai dự án Nhà máy đốt rác phát điện tại Long An và Kiên Giang. BCG Energy đang tích cực tìm kiếm cơ hội mở rộng đầu tư các nhà máy điện rác và các dự án năng lượng tái tạo tiềm năng khác tại Việt Nam.
Giảm áp lực xử lý rác thải
Thống kê năm 2023 cho thấy lượng rác thải sinh hoạt ở TP Hồ Chí Minh là 9.800 tấn/ngày, trong những ngày cao điểm Lễ/Tết thì lượng rác thải tăng lên hơn 11.000 tấn/ngày. Với công suất giai đoạn 1 đốt được 2.000-2.600 tấn rác/ngày, Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa sẽ giúp TP Hồ Chí Minh giảm đáng kể áp lực xử lý rác, khoảng 20-25% tổng khối lượng rác TP Hồ Chí Minh thải ra mỗi ngày sẽ được xử lý theo công nghệ hiện đại không gây ô nhiễm môi trường và thu hồi nhiệt lượng phục vụ sản xuất kinh doanh.
Đây cũng là lý do thúc đẩy một doanh nghiệp top đầu ngành năng lượng sạch tại Việt Nam - BCG Energy mua lại Công ty Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, chính thức bước vào lĩnh vực điện rác. Tâm Sinh Nghĩa là doanh nghiệp xử lý rác tại TP Hồ Chí Minh, Long An và Kiên Giang. Công ty sở hữu giấy phép chuyển đổi công nghệ sang công nghệ đốt rác phát điện cho các nhà máy tại TP Hồ Chí Minh và Long An.
Ngay sau khi tiếp quản Công ty Tâm Sinh Nghĩa, Tập đoàn Bamboo Capital và BCG Energy tích cực phối hợp với cơ quan chức năng hoàn thiện thủ tục pháp lý cần thiết. BCG Energy cũng khẩn trương lựa chọn công nghệ tối ưu phù hợp nhất cho dự án và lên phương án thiết kế nhà máy, tìm kiếm đối tác công nghệ, cũng như làm việc với tổng thầu xây dựng có kinh nghiệm trong lĩnh vực đốt rác phát điện… nhằm tìm ra phương án xây dựng có hiệu quả với thời gian nhanh chóng.
Với sự đầu tư và những nỗ lực trên, nhất là được sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương, ngày 5/7/2024, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã chính thức cấp giấy phép xây dựng số 31/GPXD cho Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, được phép xây dựng công trình theo giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 xây dựng phần móng và giằng móng của các hạng mục: Tổ hợp công trình lò đốt phát điện rác, Nhà điều hành, Nhà ăn và nhà nghỉ nhân viên) tại dự án Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa. Các giai đoạn sau sẽ được cấp phép cùng với tiến độ xây dựng và tiến độ hoàn thành thủ tục pháp lý.