Lãng Sơn và bước chuyển ngoạn mục
Theo chân Đoàn giám sát thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2016 - 2020 do Thành viên Ban chỉ đạo chương trình - Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng làm Trưởng đoàn, chúng tôi về thôn Đông Thượng, xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng (Bắc Giang). Đi trên con đường được bê tông cứng hóa thoáng rộng, sạch sẽ với những hàng hoa đua nhau khoe sắc hai bên đường dẫn vào thôn, lại thấy làng quê Kinh Bắc có thêm những phong vị với mỗi bức tường của các hộ gia đình đều có vẽ những bức tranh cổ động nhiều sắc màu tạo nên khung cảnh của làng quê đổi mới, trù phú. Với hai điểm tựa phát triển kinh tế là lúa và nghề mộc truyền thống, thôn Đông Thượng đang phấn đấu cán đích thôn nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2019.
Cái không khí hướng tới đích Nông thôn mới (NTM) ấy không chỉ có ở Đông Thượng mà trên toàn bộ thôn, xóm trong xã, sau thành quả Lãng Sơn cán đích NTM năm 2017. Song ít có ai biết rằng chỉ cách đây chưa đầy chục năm, dưới những con đường bê tông kia là con đường đất bụi gồ ghề, gặp phải ngày mưa thì trơn lầy lội. Một xã miền núi có địa hình khá phức tạp, ruộng đồng chiêm trũng. Dòng sông Thương chảy qua xã chẳng đẹp và lên thơ như người ta tưởng mà hàng năm làm cho 3/4 diện tích đất nông nghiệp thuộc vùng ngoại đê phải chịu ảnh hưởng lũ lụt.
Ông Nguyễn Đức Thu, Chủ tịch UBND xã Lãng Sơn cho biết khi Nhà nước chưa phát động Chương trình xây dựng NTM thì hệ thống điện, đường, trường, trạm y tế còn rất khó khăn, việc làm của con em địa phương chưa có, thu nhập bình quân đầu người thấp. Chính bởi vậy, nguồn vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH huyện Yên Dũng là điểm tựa giúp người dân xã Lãng Sơn xây dựng NTM. Sau việc tốt dồn điền, đổi thửa, quy hoạch lại đồng ruộng, nguồn vốn tín dụng chính sách giúp người dân xây dựng mô hình sản xuất lúa tập trung tại các thôn: Mỹ Tượng, Sơn Thịnh, Tân Mỹ, Đông Thượng... với các giống lúa chất lượng cao, góp phần nâng thu nhập cho bà con lên tối đa 150 triệu đồng/ha/năm. Nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đã góp phần duy trì nghề mộc truyền thống tạo việc làm ổn định cho cho hàng trăm lao động đưa Lãng Sơn cán đích NTM vào năm 2017 như kỳ vọng mà huyện Yên Dũng đặt ra.
Con đường tiến đến NTM kiểu mẫu bền vững của xã Lãng Sơn cũng đang được trải rộng cùng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Hiện dư nợ tín dụng tại xã đạt gần 19 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ưu đãi hộ nghèo là 4,6 tỷ đồng; vốn vay NS&VSMTNT là 5,5 tỷ đồng... Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm dần: Năm 2017 là 90 hộ, bằng 5,6%. Năm 2018 là 62 hộ, bằng 3,9%. Năm 2019 là 43 hộ, bằng 2,7%. Hộ nghèo và hộ cận nghèo của xã thấp hơn so với mức bình quân chung của huyện. Ngoài ra, còn tạo điều kiện cho các hộ gia đình được vay vốn mở rộng ngành nghề, dịch vụ, xuất khẩu lao động, giúp dân giảm nghèo bền vững. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã tăng mạnh với năm 2017 là 28 triệu đồng/người/năm; năm 2018 là 38 triệu đồng/người/năm; năm 2018 là 45 triệu đồng/người/năm. Tổng số lao động trong độ tuổi lao động có khả năng làm việc 4.125 người, tổng số lao động có việc làm thường xuyên 3.972 người, đạt 96,3%.
Chia sẻ cùng Lãng Sơn trên con đường xây dựng NTM, ngay trong đợt khảo sát, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đã đồng ý bố trí thêm nguồn vốn để cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn; đồng thời tặng 3 bộ máy vi tính cho xã Lãng Sơn và chiếc ti vi cho thôn Đông Thượng để bà con nhân dân nắm bắt đầy đủ thông tin, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước. Đây sẽ là những động lực giúp Lãng Sơn cán đích xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2020 với kỳ vọng thu nhập bình quân 55 - 70 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo 2%...
Góp sức bền phát triển kinh tế địa phương
Nhìn rộng ra toàn tỉnh Bắc Giang. Chỉ tính riêng 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đến nay đã có 178.200 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, giúp 158.450 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; trên 5.200 lao động được tạo việc làm; đầu tư xây dựng trên 50.000 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh (nhà vệ sinh hợp lý, xây hầm biogas...); trợ giúp gần 1.600 hộ nghèo xây dựng nhà ở kiên cố, thoát khỏi cảnh nhà tạm bợ...
Riêng năm 2019, đến 26/11/2019, doanh số cho vay đạt 1.345 tỷ đồng, số khách hàng được vay vốn 31.824 hộ, bình quân 42,3 triệu đồng/1 hộ. Tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Bắc Giang sau 17 năm hoạt động, đến cuối tháng 11/2019 đạt 4.228 tỷ đồng, tăng 297 tỷ đồng (7,57%) so với 31/12/2018, có 113.275 hộ còn dư nợ. Trong đó, dư nợ theo chương trình tín dụng như hộ nghèo chiếm tỷ lệ 29,8%, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo 1.318 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 31,1% dư nợ NHCSXH tỉnh, NS&VSMTNT 585 tỷ đồng (13,8%), cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn 594 tỷ đồng (14%)... Hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách được phản ảnh rõ thêm qua chất lượng tín dụng với tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,07% tổng dư nợ, toàn tỉnh có 127 xã không có nợ quá hạn/230 xã (55,2%).
Theo ước tính của UBND tỉnh, nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Bắc Giang năm 2019 giảm 2,24% so với năm 2018, ước giảm còn 5,05%, vượt kế hoạch 0,24% (kế hoạch giảm bình quân 2%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn năm 2019 ước giảm còn 22,61% (giảm 9,55% so với năm 2018), vượt kế hoạch 5,55% (kế hoạch giảm bình quân 4%/năm).
Nguồn vốn tín dụng chính sách được triển khai trên tất cả 230 xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh có 255 Điểm giao dịch xã/230 xã, trở thành một động lực giúp Bắc Giang ước đạt 25 xã đạt chuẩn NTM năm 2019, lũy kế số xã đạt tiêu chuẩn NTM từ 2016 đến năm 2019 ước đạt 114 xã, nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM chiếm 56,2% (vượt kế hoạch 42 xã so với kế hoạch đến năm 2020). Số tiêu chí bình quân đạt 15,8 tiêu chí/xã; 9 thôn NTM kiểu mẫu, 130 thôn NTM, không còn xã dưới 9 tiêu chí; có một huyện Lạng Giang đạt chuẩn huyện NTM, nâng số huyện đạt chuẩn nông thôn mới lên 2 huyện. Hiện dư nợ xã về đích NTM là 1.654 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 39,3% dư nợ của NHCSXH, đã và đang trở thành nguồn lực để các xã tiến tới mục tiêu cao hơn, hoàn thành các tiêu chí xã NTM nâng cao.
Báo cáo với Đoàn công tác Ban chỉ đạo CTMTQG giai đoạn 2016 - 2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Lê Ánh Dương cho biết, cùng với nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo và xây dựng NTM từ NHCSXH, tỉnh Bắc Giang cũng đang tập trung nguồn lực cho các CTMTQG với tổng vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương thực hiện các CTMTQG năm 2019 đã giải ngân đạt 261.745/562.185 triệu đồng, ước hết năm 2019 giải ngân đạt 473 tỷ đồng, bằng 89,7% kế hoạch (cao hơn 4,8% so với giải ngân kế hoạch năm 2018) góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Đặc biệt là tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết với người dân trong sản xuất, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, với việc thực hiện Đề án mỗi xã Một sản phẩm tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030, đến năm 2019 toàn tỉnh đã có từ 25 - 30 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; toàn tỉnh có 52 nhóm sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng, tiềm năng, một số sản phẩm đã trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, có nhãn hiệu tập thể, có mẫu mã đẹp, tham gia nhiều hội chợ triển lãm, được thị trường và nhiều người tiêu dùng biết đến như: Mỳ gạo Chũ, vải thiều, chè xanh bản Ven, gà đồi Yên Thế, Trà Hoa vàng, rượu Vân, mật ong rừng Tây Yên Tử, nấm Lim xanh và một số sản phẩm rau củ quả..., góp phần thúc đẩy phát triển những sản phẩm đặc sản của các địa phương.
Những nền tảng đã đạt được là cơ sở để Bắc Giang hướng tới tỉnh đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và xa hơn nữa cho giai đoạn 2021 - 2030 là hướng đến NTM kiểu mẫu nâng cao. Cùng với những nỗ lực của riêng tỉnh và NHCSXH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Lê Ánh Dương đề nghị Trung ương sớm xây dựng danh mục các CTMTQG giai đoạn 2021 - 2025 để làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2025 cho các địa phương; Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm xây dựng tiêu chí huyện nghèo 30a, xã nghèo trong giai đoạn mới và ban hành các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trong giai đoạn 2021 - 2025. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư thông báo sớm kế hoạch vốn hàng năm, đồng thời sớm xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện để địa phương chủ động xây dựng kế hoạch kịp thời trình HĐND tỉnh, UBND tỉnh giao xong kế hoạch chi tiết trước 31/12 theo quy định; bổ sung quy định hỗ trợ thực hiện Chương trình mỗi xã Một sản phẩm vào Điều 9 Thông tư số 43/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính; có cơ chế hỗ trợ thực hiện xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020.
Ghi nhận những thành quả đã đạt được của tỉnh Bắc Giang trong việc thực hiện các CTMTQG, Thành viên Ban chỉ đạo CTMTQG - Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết Đoàn công tác ghi nhận các ý kiến đóng góp của chính quyền địa phương về việc triển khai và nâng cao chất lượng thực hiện các CTMTQG và sẽ báo cáo Ban chỉ đạo tập hợp để kiến nghị các Bộ, ngành chức năng điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Về phía NHCSXH, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cho biết sẽ tiếp tục đồng hành, bố trí nguồn vốn hợp lý cho tỉnh để đáp ứng nhu cầu SXKD của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhằm sớm hoàn thành mục tiêu con đường xây dựng NTM, trước mắt bố trí ngay 20 tỷ đồng để tỉnh thực hiện cho vay NS&VSMTNT và hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn. Đồng thời, sẽ chỉ đạo chi nhánh NHCSXH tỉnh nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả nguồn vốn vay.
Ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Bắc Giang trong việc cân đối, ưu tiên dành ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH tỉnh 119 tỷ đồng để thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, tuy nhiên so với nhu cầu của tỉnh vẫn còn thấp, do vậy Tổng Giám đốc NHCSXH đề nghị tỉnh đặc biệt quan tâm hơn nữa đến nguồn vốn mới, bởi với số hộ chính sách hiện tại, tỷ lệ nguồn vốn từ ngân sách địa phương còn thấp (chiếm 2,7% tổng nguồn vốn). Thành viên Ban chỉ đạo CTMTQG - Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng mong muốn Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40/CT-TW để tín dụng chính sách xã hội phát huy tối đa công năng trên chặng đường giảm nghèo, xây dựng NTM, phát triển kinh tế bền vững của địa phương.