Hội nghị đã nghe báo cáo kết quả thực hiện thỏa thuận phối hợp và tập trung thảo luận, đánh giá kết quả đã đạt được, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, đề ra phương hướng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện hiệu quả thỏa thuận liên ngành trong thời gian tới và những năm tiếp theo.
Ngay sau khi ký kết thỏa thuận hợp tác, 3 ngành đã phối kết hợp chặt chẽ, đề nghị chính quyền địa phương các cấp thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo “Đầu tư vốn Agribank phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn” từ huyện đến xã.
Đến nay đã thành lập được 131 BCĐ/141 xã, phường, thị trấn với 1.415 tổ vay vốn ( trong đó có 767 tổ thuộc Hội nông dân , 621 tổ thuộc Hội Phụ nữ, 01 tổ thuộc Đoàn thanh niên và 26 tổ khác).
Ban chỉ đạo các cấp đã xây dựng nội quy, quy chế làm việc, phân công nghiệm vụ cụ thể cho các thành viên, kế hoạch triển khai, kiểm tra, giám sát, qua đó kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Agribank tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý tổ vay vốn cho Ban chỉ đạo xã, cán bộ Hội Nông dân và Hội Phụ nữ xã và Tổ trưởng Tổ vay vốn được 21 lớp.
Năm 2018, Agribank Tuyên Quang đã tổ chức họp trực tuyến qua truyền hình lưu động tại huyện các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Sơn Dương, Yên Sơn và 7 Ban chỉ đạo xã, qua đó nắm bắt, xử lý kịp thời những bất cập, hạn chế trong việc quản lý nguồn vốn, bảo đảm giúp tổ viên chủ động tạo nguồn trả nợ lãi theo đúng quy định, hạn chế thấp nhất nợ xấu.
Agribank tỉnh Tuyên Quang đã tập trung vào công tác huy động vốn, ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi để các hội viên được vay vốn theo Nghị định 55 của Chính phủ đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng giao dịch của tổ thu nợ tại xã, điều chỉnh mức cho vay tối đa đến 200 triệu đồng. Chỉ đạo việc chi hoa hồng chính xác, kịp thời cho các cấp hội, tổ trưởng đúng quy định, hàng năm phát động các phong trào thi đua khen thưởng, đưa ra các tiêu chí để đánh giá, nhận xét, khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, có thành tích xuất sắc trong việc chỉ đạo và thực hiện tốt thỏa thuận phối hợp giữa 3 ngành.
Đến hết 30/06/2019, tổng dư nợ cho vay qua 2 tổ chức Hội đạt 2.161 tỷ đồng với 32.693 hội viên được vay vốn, tỷ lệ nợ xấu chiếm 0.42%/tổng dư nợ cho vay qua tổ nhóm. Việc triển khai cho vay qua Tổ vay vốn, góp phần tạo điều kiện tốt nhất để các hội viên được tiếp cận nguồn vốn xây dựng các mô hình kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đồng thời góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen trên địa bàn. Tổ vay vốn còn là nơi để các thành viên gửi gắm niềm tin, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh và được ví như “cánh tay nối dài của Agribank” tới người dân.
Cùng với việc triển khai cho vay, Agribank tỉnh Tuyên Quang phối hợp với các tổ chức hội thực hiện chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên. Từ năm 2018 đến nay đã tổ chức gần 5.800 buổi tâp huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, tư vấn việc làm cho gần 440 nghìn lượt hội viên nông dân, phụ nữ.
Phát biểu tại Hội nghị, các đồng chí Trương Xuân Quý, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội nông dân, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tuyên Quang đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế trong quá trình phối hợp triển khai, nêu đề xuất, kiến nghị, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Agribank tỉnh Tuyên Quang tích cực tuyên truyền cơ chế, chính sách, những ưu đãi đối với người dân, nâng cao chất lượng sinh hoạt của các chi hội, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tìm kiếm đối tác, kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản cho người dân, thống nhất các giải pháp để thực hiện thỏa thuận của 3 ngành có hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Đồng chí Đỗ Mai Hồng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà Nước chi nhánh tỉnh Tuyên Quang đã khẳng định: “Đây là một hướng đi đúng theo chỉ đạo của Agribank. Việc cho vay qua Tổ vay vốn đã giúp Agribank tỉnh Tuyên Quang giữ được tốc độ tăng trưởng tín dụng ổn định, đặc biệt là ở những địa bàn khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, góp phần tăng năng suất lao động, giảm tải cho cán bộ tín dụng, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động ngân hàng. Mô hình cho vay qua tổ nhóm còn có ý nghĩa kinh tế, xã hội tích cực vì qua đó các hội viên có cơ hội để gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, giúp nhau cùng vươn lên làm giàu từ đồng vốn vay của ngân hàng. Agribank Tuyên Quang và 2 ngành bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh, nhân rộng và phát triển mô hình cho vay qua tổ liên kết, làm tốt công tác tuyên truyền qua nhiều kênh để chuyển tải thông tin đến người dân, rà soát, củng cố, kiện toàn, tăng cường công tác trao đổi thông tin, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ vay vốn, đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, thực hiện hiệu quả thỏa thuận phối hợp, chung tay xây dựng nông thôn mới, góp phần ngăn chặn đẩy lui nạn tín dụng đen”.
Trong thời gian tới, Agribank tỉnh Tuyên Quang cam kết ưu tiên vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh tỷ lệ cho vay qua tổ nhóm, phấn đấu tăng trưởng dư nợ cho vay qua tổ nhóm đạt trên 40% /tổng dư nợ theo kế hoạch đã giao; 90% các khoản vay đến 200 triệu giải ngân qua tổ vay vốn; tỷ lệ thu lãi đạt từ 85% trở lên; tỷ lệ nợ quá hạn thấp hơn thời điểm 30/06/2019; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kiểm tra giám sát; có cơ chế thi đua khen thưởng, động viên kịp thời đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện; chi trả hoa hồng cho các cấp hội kịp thời, đầy đủ. Bên cạnh đó, Agribank tỉnh Tuyên Quang tiếp tục phối hợp với các tổ chức hội bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vận động, tập hợp các hộ có nhu cầu vay vốn vào tổ, hướng hội viên đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh liên kết theo chuỗi giá trị, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới