Từ sáng kiến cho vay hộ nghèo...
Từ thực tiễn đầu tư, phục vụ nông nghiệp, nông thôn, trong 30 năm phát triển của mình, Agribank đã nhiều lần chủ động đề xuất sáng kiến, xây dựng đề án, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách tín dụng trong cho vay nông nghiệp, nông thôn nhằm tháo gỡ rào cản, góp phần khơi thông nguồn vốn cho phát triển “Tam nông”.
Những năm 90 của thế kỷ XX được xem như thời điểm sinh mệnh của Agribank khi phải đứng trước sự lựa chọn hoặc tồn tại hoặc phá sản trong bối cảnh buộc phải đối mặt với cuộc chiến kinh tế thị trường mà hành trang trong tay là nguồn vốn ít ỏi, bộ máy lại cồng kềnh và yếu kém về nhiều mặt. Quyết định sự tồn tại của mình bằng việc kiên định lựa chọn gắn bó, đồng hành với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đến nay, sau chặng đường 30 năm xây dựng - phát triển và lớn mạnh cùng đất nước, những thành tựu to lớn Agribank đóng góp cho khu vực “Tam nông” và nền kinh tế đất nước là minh chứng rõ nét nhất cho thấy sự lựa chọn đó là đúng đắn.
Đây cũng chính là thời điểm “khai sinh” ra sáng kiến về cơ chế chính sách mang tính thành tựu của Agribank với đề xuất thành lập “Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo thiếu vốn sản xuất” do Agribank quản lý và giải ngân, là tiền đề để Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ thành lập Ngân hàng phục vụ người nghèo trực thuộc Agribank, tiền thân của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) ngày nay, đã khẳng định những đóng góp lớn của Agribank trong lĩnh vực tài chính ngân hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn. Hàng năm, Agribank duy trì số dư tiền gửi tại NHCSXH bằng 2% số dư nguồn vốn huy động. Riêng trong 3 năm gần đây, Agribank duy trì số tiền gửi tại NHCSXH bình quân 20.000 tỷ đồng để NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Sẵn sàng vốn cho phát triển “Tam nông”
Bám sát định hướng, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, trong suốt 30 năm qua, Agribank tập trung mọi nguồn lực triển khai cho vay đầu tư phát triển lĩnh vực “Tam nông”. Đến nay dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1.000.000 tỷ đồng với gần 4 triệu khách hàng, trung bình dư nợ tăng trưởng 13%/năm, trong đó cho vay nông nghiệp nông thôn đạt trên 664 nghìn tỷ đồng, tỷ trọng cho vay NNNT luôn được duy trì ở mức trên 70% tổng dư nợ và trên 50% thị phần tín dụng ngành ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực này. Agribank đã triển khai đồng bộ các giải pháp, ban hành kịp thời các cơ chế chính sách, các sản phẩm cho vay linh hoạt, cải tiến về hồ sơ, thủ tục, bố trí kịp thời nguồn vốn trong đó chủ yếu nguồn vốn thương mại tự huy động, phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể xã hội,… Tính đến nay, dư nợ Agribank cho vay nông thôn mới đạt trên 422 nghìn tỷ đồng với gần 3 triệu khách hàng; Cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP tại toàn bộ 27 tỉnh ven biển đạt trên 5.400 tỷ đồng với 622 tàu (chiếm gần 60% tổng số tàu của toàn bộ chương trình); Cho vay ưu đãi lãi suất hơn 12.200 tỷ đồng đối với toàn bộ các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP;...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua vẫn còn tồn tại một số khó khăn, dẫn đến những rào cản nhất định đối với doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình trong quá trình tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Vì vậy, mong muốn chung của Agribank cũng như các tổ chức tín dụng và nhiều doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là sớm được sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách trong cho vay nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ, với kỳ vọng mang đến những điểm mới phù hợp thực tiễn sẽ tạo cú hích trong đầu tư, phát triển nông nghiệp.
Ngày 7/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 55 với nhiều đột phá trong tình hình mới như nâng mức cho vay không có tài sản sản bảo đảm; Cơ chế xử lý tháo gỡ khi gặp khó khăn, rủi ro; Hành lang pháp lý cho vay theo chuỗi liên kết, nông nghiệp sạch. Điều này cho thấy sự quyết tâm mạnh mẽ, đồng bộ của Chính phủ trong việc đẩy mạnh đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW Ban chấp hành Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đồng thời cho thấy một hướng đi tất yếu trong chiến lược phát triển nền nông nghiệp hàng hóa bền vững, hiệu quả, gia tăng giá trị.
Với vai trò là một trung gian tín dụng, sẵn sàng tiên phong, chủ lực trong triển khai chính sách tín dụng về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhằm chuẩn bị các điều kiện để thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách này, Agribank đã triển khai hướng dẫn, rà soát, sửa đổi, tập huấn các văn bản quy định liên quan đến các chi nhánh trong toàn hệ thống. Agribank tập trung phát triển trên 200 sản phẩm dịch vụ tiện ích ngân hàng, trong đó trên 30 sản phẩm tín dụng đa dạng sẵn sàng cung cấp đến 4 triệu khách hàng hiện có và 20 triệu khách hàng tiềm năng, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu vốn hợp pháp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhu cầu đời sống.
Là doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Agribank cam kết tiếp tục chủ động chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay nông nghiệp, nông thôn, quan tâm đến việc đổi mới phương thức cho vay, cải tiến quy trình, đơn giản thủ tục cho vay, tiết kiệm chi phí cho vay để hạ lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội để đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc phát triển “Tam nông”; đồng thời xác định vẫn lấy nông nghiệp, nông dân, nông thôn là địa bàn chiến lược và khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ là phân khúc chính trong hoạt động tín dụng của Agribank.
Nói không với tín dụng đen
Nhận thức trách nhiệm của một định chế tài chính lớn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank xác định không đứng ngoài cuộc trước hiện tượng tín dụng đen có xu hướng gia tăng và hoành hành ở một số làng quê. Thể hiện nỗ lực cùng Chính phủ và ngành Ngân hàng hạn chế tín dụng đen, Agribank tích cực phối hợp chặt chẽ với cấp Ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên… thông qua hình thức cho vay qua tổ nhóm để chuyển tải nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của người dân.
Ông Tiết Văn Thành – Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Agribank cho biết: “Với 55.000 tổ vay vốn, gần 1,4 triệu khách hàng, dư nợ đạt trên 110 nghìn tỷ đồng tại tất cả các tỉnh thành trong cả nước, Agribank đã triển khai mô hình điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng. Đây được xem là một kênh dẫn vốn hiệu quả của Agribank với chi phí thấp, giảm thời gian đi lại, đồng thời phát triển thêm công cụ đầu tư để giảm bớt tín dụng đen, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Thí điểm hoạt động từ cuối năm 2017 và chính thức triển khai từ tháng 1/2018, Đề án điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng của Agribank đã triển khai thành công giai đoạn I với 68 xe, thực hiện trên 2.000 phiên giao dịch, phục vụ gần 300 nghìn khách hàng trên địa bàn 300 xã, tại 68 huyện thuộc 60 tỉnh, thành phố. Trong thời gian tới, Agribank định hướng tiếp tục triển khai Điểm giao dịch lưu động đến 50% số xã, huyện trên toàn quốc nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Có thể nói, việc hình thành các tổ vay vốn và đưa dịch vụ ngân hàng thông qua điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng nhằm giúp người dân tiếp cận vốn vay và các dịch vụ ngân hàng là một cách làm sáng tạo của Agribank. Cùng với dòng vốn tín dụng tiêu dùng đã đầu tư, năm 2019, Agribank sẽ xem xét bố trí nguồn vốn khoảng 10 nghìn tỷ đồng để cho vay mục đích tiêu dùng hợp pháp, trong đó có các nhu cầu vốn cấp bách trong thời gian ngắn với thủ tục nhanh gọn hướng tới rộng rãi đối tượng khách hàng là bà con tại khu vực nông nghiệp, nông thôn”.
Thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ, nguồn vốn Agribank đã góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn, từng bước thực hiện thành công đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp Việt Nam. Agribank sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng được pháp luật cho phép. Nói không với tín dụng đen, Agribank kiên quyết xử lý đối với những cán bộ trực tiếp hoặc gián tiếp, các cá nhân, bộ phận buông lỏng quản lý, không kiểm tra giám sát để tín dụng đen ảnh hưởng đến hoạt động cấp tín dụng truyền thống của Ngân hàng.