Với xuất phát điểm mới thành lập có tổng tài sản chưa tới 1.500 tỷ đồng; tổng nguồn vốn 1.056 tỷ đồng, trong đó vốn huy động chỉ chiếm 42%, còn lại 58% phải vay từ Ngân hàng Nhà nước; tổng dư nợ 1.126 tỷ đồng, trong đó 93% là ngắn hạn; tỷ lệ nợ xấu trên 10%; khách hàng là những doanh nghiệp quốc doanh và các hợp tác xã phần lớn làm ăn thua lỗ, thiếu việc làm và luôn đứng trước nguy cơ phá sản đến nay, sau 30 năm phát triển, Agribank là NHTM Nhà nước hàng đầu Việt Nam trên mọi phương diện, với tổng tài sản đạt gần 1 triệu 200 ngàn tỷ đồng; nguồn vốn huy động đạt 1 triệu 100 ngàn tỷ đồng; quy mô tín dụng và đầu tư đạt 1 triệu 120 ngàn tỷ đồng, dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt tỷ trọng 73,6% và chiếm 51% thị phần tín dụng toàn ngành ngân hàng đầu tư lĩnh vực này (hiện nay, dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng đối với nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 21% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế).
Agribank dành hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng khách hàng. |
Agribank đang có 4 triệu khách hàng vay vốn, 12 triệu khách hàng gửi tiền và 16 triệu khách hàng lựa chọn sử dụng dịch vụ, tiếp tục duy trì vị trí ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam trên nhiều phương diện; mạng lưới rộng lớn nhất với 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch có mặt khắp mọi vùng miền, thôn bản, huyện đảo trên cả nước (là NH duy nhất có mặt tại 9/13 huyện đảo cả nước). Agribank được The Banker bình chọn đứng thứ 446 trong Top 1.000 ngân hàng lớn nhất thế giới; được Tổ chức tín nhiệm Fitch Ratings nâng xếp hạng Nhà phát hành nợ dài hạn của Agribank lên mức BB- với Triển vọng Ổn định. Các hoạt động nâng xếp hạng cho Agribank được thực hiện sau khi Fitch Ratings nâng xếp hạng quốc gia của Việt Nam từ mức ‘BB-’ lên mức ‘BB’ vào ngày 14/5/2018…
Sự phát triển lớn mạnh của Agribank ngày hôm nay gắn liền với quá trình lớn mạnh không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên cả nước qua mọi thời kỳ. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân luôn năng động, sáng tạo, đoàn kết, gắn bó và hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, đóng góp quan trọng trong mục tiêu phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước; tham gia giải quyết việc làm, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, trực tiếp tạo nên động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế đất nước.
Agribank cùng ngành ngân hàng luôn luôn xem trọng lợi ích của doanh nghiệp vì doanh nghiệp phát triển thì ngân hàng mới phát triển. Trên cơ sở định hướng, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, góp phần tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi trong giai đoạn khó khăn và yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, Agribank triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm mở rộng tín dụng có hiệu quả, tiên phong triển khai mạnh mẽ các chương trình tín dụng ưu đãi đối với các đối tượng khách hàng doanh nghiệp, doanh nhân, hộ sản xuất và cá nhân...
Tuy là ngân hàng thương mại phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường, mỗi năm bằng tài chính của ngân hàng, Agribank vẫn dành hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng khách hàng, cùng khách hàng tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Agribank ban hành đồng bộ chính sách ưu đãi về lãi suất tiền gửi, tiền vay, phí thanh toán, phí dịch vụ và các chính sách khác để khách hàng có thể sử dụng nhiều gói sản phẩm, dịch vụ có tính liên kết. Tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi khách hàng truyền thống, thu hút khách hàng mới, khách hàng tiềm năng. Mọi sự thay đổi của Agribank đều nhằm mục đích hướng đến và phục vụ tốt hơn khách hàng, những người đã đặt niềm tin và cùng đồng hành với Agribank trong suốt chặng đường 30 năm qua.
Sự đồng hành, hợp tác, gắn kết giữa Agribank và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân làm nên sức mạnh tổng hợp, hình thành nên các thương hiệu quốc gia, khẳng định sức mạnh và giá trị Việt trên trường quốc tế, có đóng góp tích cực, quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.
Với chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030, thực hiện thành công tái cơ cấu giai đoạn 2 gắn với đẩy nhanh tiến trình thực hiện kế hoạch cổ phần hóa Agribank theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Agribank đặt mục tiêu giữ vững vị trí ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam, có nền tảng công nghệ, mô hình quản trị hiện đại, tiên tiến và năng lực tài chính cao, hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả, phát triển ổn định, bền vững, giữ vững vai trò chủ lực trong đầu tư, hỗ trợ phát triển và cung cấp các dịch vụ tài chính, tín dụng cho nền kinh tế, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn. Để đạt được mục tiêu đề ra, Agribank quán triệt phương châm lấy khách hàng làm trọng tâm trong mục tiêu hướng tới phát triển bền vững. Agribank xác định không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải tiến quy trình nghiệp vụ, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại để đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của khách hàng; nỗ lực đổi mới toàn diện hoạt động nhằm hướng tới phục vụ khách hàng với phương châm lấy sự hài lòng của khách hàng là thước đo hiệu quả, chất lượng và thành công của khách hàng chính là thành công của Agribank.
Sự gắn bó đồng hành thủy chung giữa Agribank và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục góp phần hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát triển và trở thành động lực phát triển đất nước, cùng nhau xây dựng hệ sinh thái lành mạnh, mà ở đó tất cả các thành phần kinh tế đều phát triển bình đẳng, kết nối và hỗ trợ nhau, đem lại sự thịnh vượng và phát triển kinh tế chung cho Việt Nam trong những giai đoạn phát triển mới.
Dư nợ cho vay doanh nghiệp chiếm tỷ trọng 30,9%/dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank, trong đó dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng 90,4%/dư nợ cho vay doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 27,9%/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Kiên định mục tiêu tiếp tục tích cực đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp cả nước, thời gian tới, Agribank phấn đấu tăng dần tỷ trọng dư nợ doanh nghiệp, tập trung ưu tiên vốn cho các đối tượng ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, trong đó có các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hoạt động kinh doanh ngành công nghiệp hỗ trợ, thực hiện phương án, dự án sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu và đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về Chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn… |