Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho biết, với thế mạnh của Thành phố, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND ngày 28/1/2019 về phê duyệt đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn vùng nông thôn TP Hồ Chí Minh đến năm 2020. Đến cuối năm 2021, Thành phố đã đánh giá và có quyết định phân hạng sản phẩm OCOP đối với 28 sản phẩm, trong đó có 27 sản phẩm đạt 3 - 4 sao; 1 sản phẩm trình Trung ương xem xét, đánh giá đạt 5 sao. Trong năm 2023, TP Hồ Chí Minh trao quyết định công nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn TP Hồ Chí Minh năm 2022 cho 11 chủ thể với 39 sản phẩm (15 sản phẩm 4 sao, 24 sản phẩm 3 sao).
"Hiện chương trình OCOP tại TP Hồ Chí Minh đã được mở rộng hơn về phạm vi, tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất, gồm hộ sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp ở tất cả quận, huyện, TP Thủ Đức tham gia (giai đoạn trước giới hạn phạm vi ở 5 huyện ngoại thành). Sự mở rộng này nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất được tham gia đánh giá OCOP, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chế biến có thế mạnh của TP Hồ Chí Minh đang tập trung nhiều ở Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và TP Thủ Đức", ông Minh Hiệp cho biết thêm.
Chia sẻ tại lễ công bố, các doanh nghiệp cho biết, sản phẩm sau khi được công nhận sẽ là bước đệm giúp doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh hướng đến xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp bền vững trong thời gian tới. Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên cho biết, doanh nghiệp có 4 sản phẩm được công nhận OCOP gồm mật ong nghệ viên vàng, mật ong nghệ viên đen, mật ong nhân sâm, tinh bột nghệ vàng. Để đạt chứng nhận OCOP, các sản phẩm của Xuân Nguyên phải trải qua các bước đánh giá bài bản toàn diện, từ đầu vào nguyên liệu, khu chế biến sản xuất và đầu ra thành phẩm bởi nhiều cấp đánh giá (huyện, tỉnh, Trung ương) với hội đồng đánh giá chuyên nghiệp, gồm nhiều ngành: y tế, công thương, tài chính, môi trường... Riêng sản phẩm OCOP hạng từ 4 sao trở lên phải có những chứng nhận hệ thống quản lý tiên tiến như VietGAP, HACCP, ISO...
Theo ông Đinh Minh Hiệp, hiện nay, chương trình OCOP đã được Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong những giải pháp quan trọng, không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho các xã, huyện xây dựng nông thôn mới mà còn là giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương. Chính vì vậy, để phát triển sản phẩm này trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh cần phải có sự chung tay, hỗ trợ phát triển chương trình của các Sở, ngành liên quan.
Cụ thể, đối với Sở Khoa học và Công nghệ, ông Hiệp đề nghị được hỗ trợ về sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, cấp nhãn hiệu hàng hóa, hỗ trợ các giải pháp công nghệ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP; Sở Công thương hỗ trợ kết nối xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP đến hệ thống siêu thị hiện có trên địa bàn Thành phố; Sở Du lịch kết nối tuyến du lịch với các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP và quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP đến các hệ thống nhà hàng, khách sạn, các sự kiện quảng bá du lịch của Thành phố… Đặc biệt, các chủ thể tham gia chương trình cũng cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới sản phẩm; chú trọng duy trì và nâng cao chất lượng đối với các sản phẩm đã được Thành phố đánh giá, phân hạng sao...