Thủy sản nỗ lực để đạt mục tiêu xuất khẩu

Chủ động đảm bảo tốt nguồn nguyên liệu; an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng những điều kiện xuất khẩu khắt khe; và tiếp tục giữ vững những thị trường chủ lực là những bài toán đặt ra cho ngành thủy sản Việt Nam để đạt được mục tiêu xuất khẩu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 3 tháng đầu năm 2011 đạt 1,1 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2010. Tăng trưởng xuất khẩu thuỷ sản được ghi nhận ở tất cả các thị trường tiêu thụ lớn, điển hình như Mỹ tăng 39,3%, Đức tăng 32,5%... Riêng đối với cá tra - một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng cho biết, từ 1/1 đến 15/2, tổng khối lượng cá tra xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 66.400 tấn với giá trị đạt gần 160 triệu USD, giảm 13,5% về lượng và 1,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên, nhiều thị trường vẫn duy trì được mức tăng trưởng ấn tượng như thị trường Mỹ có tổng khối lượng nhập khẩu đạt trên 6.900 tấn, tăng 44,8% về lượng và 49,8% về giá trị so với cùng kỳ. Braxin được coi là thị trường xuất khẩu mới đáng chú ý của sản phẩm cá tra với khối lượng nhập khẩu đạt trên 2.900 tấn, tăng tới 514% về lượng và 572% về kim ngạch.

Trăn trở “đầu vào”

Tuy thị trường xuất khẩu cá tra vẫn đầy triển vọng, nhưng các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra đang phải đối mặt với nguồn cung tiếp tục rơi vào tình trạng khan hiếm.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty cổ phần IDI ở huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Duy Khương – TTXVN


Ngay trong những tháng cuối năm 2010, nhiều nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản đã phải tốn không ít công sức để tìm kiếm nguồn nguyên liệu, đảm bảo sản xuất. Năm nay, tình trạng này lại càng trở nên căng thẳng hơn, giá cá tra tăng liên tục và ngày càng nhiều nhà máy phải cắt giảm công suất. Với mức tăng trung bình mỗi tuần từ 200 đến 500 đồng/kg, giá cá tra nguyên liệu đã tăng từ 10 - 24% so với trước Tết. Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ, giá cá tra đã đạt 25.000 - 26.000 đồng/kg và xu hướng tăng giá có thể chưa dừng lại do nguồn cung tiếp tục khan hiếm. Không chỉ có cá tra, giá tôm nguyên liệu liên tục đạt mức đỉnh mới.

Mặc dù giá cá tra tăng song việc đầu tư của người nông dân vẫn trầm lắng. Chi phí đầu tư nuôi cá hiện nay đã tăng nhiều so với những năm trước. Đặc biệt từ đầu năm nay, khi giá cá vừa tăng thì giá thức ăn, thuốc thú y, vật tư đầu vào... cũng “nhảy” theo. Trong khi từ cuối năm 2010, qua nhiều đợt thua lỗ nặng, nhiều hộ cạn vốn, thậm chí nợ nần, ngân hàng lại hạn chế cho vay nên nhiều hộ nuôi không thể tái đầu tư. Trước tình trạng này, không ít doanh nghiệp đã tính đến việc xây dựng vùng nuôi để chủ động nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, việc làm này cũng đòi hỏi sự đầu tư lớn, không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.

Cơ hội song hành thách thức

Bên cạnh khó khăn về nguyên liệu, nhiều khó khăn khác cũng đang “chờ” thủy sản Việt Nam.

Mặc dù vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã quyết định giảm mức thuế chống bán phá giá trong đợt xem xét hành chính thuế bán chống phá giá lần thứ 6 đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong giai đoạn từ 1/8/2008 đến 31/7/2009 xuống còn 0% (thay vì 130% như mức công bố sơ bộ tháng 9/2010). Quyết định này là tín hiệu khả quan cho ngành chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam tiếp tục mở rộng và thâm nhập sâu hơn vào thị trường Mỹ khi số lượng cá tra xuất khẩu sang Mỹ hiện chiếm tỷ trọng khoảng 10% trong tổng lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho rằng, với thị trường Mỹ, những lo ngại về thuế bán chống phá giá chưa phải đã hết. Đối với thị trường EU, đến nay, Việt Nam chưa có trường hợp lô hàng thủy sản nào bị trả về do các quy định liên quan đến việc chứng nhận thủy sản khai thác vào thị trường EU. Tuy nhiên, việc xuất khẩu sang thị trường này vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc vì mẫu chứng nhận thủy sản khai thác của Việt Nam chưa được EU phê duyệt chính thức.

Trước thực trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 09/2011/TT-BNN quy định việc chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường EU. Thông tư được xây dựng trên cơ sở tiếp thu những ý kiến của EU và phù hợp điều kiện thực tế nghề cá Việt Nam nên đây là cơ sở để triển khai việc thực hiện việc chứng nhận thủy sản khai thác một cách đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước, đáp ứng đúng yêu cầu của EU. Thông tư số 09 có hiệu lực sau ngày 15/4/2011.

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, quản lý môi trường, phòng trừ dịch bệnh; đồng thời thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, hướng dẫn thực hiện lịch thời vụ để đảm bảo hiệu quả năng suất vụ nuôi. Theo đó, các địa phương cần tăng cường công tác xét nghiệm, đo các thông số môi trường ở các vùng nuôi trọng điểm, cảnh báo những mầm bệnh nguy hiểm có thể xảy ra và đề xuất giải pháp khắc phục dịch hại và ô nhiễm môi trường vùng nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm dịch chất lượng con giống, đảm bảo các giống thủy sản sản xuất đều được kiểm dịch; các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc, thức ăn, chế phẩm phục vụ nuôi trồng nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bích Hồng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN