Trong khi nhiều ngành hàng tiêu dùng gặp khó khăn do sức mua giảm sút, kinh tế khó khăn… thì thị trường nước giải khát không gaz vẫn tăng tốc nhờ ưu thế: có thị trường tiềm năng và người tiêu dùng vẫn có xu hướng chuyển mạnh sang các loại đồ uống không gaz.
Lễ khởi công xây dựng nhà máy NGK Number One Hà Nam. |
Với nhận diện thị trường sắc bén, Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp (DN) đi tiên phong trong việc khai phá thị trường nước giải khát không gaz với dòng sản phẩm trà xanh. Năm 2006, Trà xanh Không độ thắng lớn trên thị trường. Với tốc độ tăng trưởng lên tới 190%/năm, Tân Hiệp Phát đã khẳng định được vị trí tiên phong và dẫn đầu của mình tại thị trường nước giải khát trong cả nước. Tiếp sau Trà xanh Không độ, nhiều thương hiệu sản phẩm trà xanh của các doanh nghiệp khác cũng lần lượt ra đời.
Thị trường đồ uống không gaz nóng đến mức, ngay cả các “đại gia” của ngành giải khát thế giới như Pepsi hay Coca-Cola cũng phải chạy đua đưa ra các sản phẩm đồ uống có kết hợp hương vị trà xanh. Gần đây, không chỉ các doanh nghiệp đã có thương hiệu trong ngành nước giải khát mà cả những doanh nghiệp ngoài ngành cũng nhảy vào lĩnh vực nước giải khát. Theo các chuyên gia, việc mở rộng đầu tư của một số doanh nghiệp thực phẩm sang lĩnh vực nước giải khát cho thấy tiềm năng của thị trường vẫn được đánh giá cao.
Mặc dù được đánh giá là tiềm năng nhưng sự cạnh tranh của thị trường nước giải khát không gaz khá khốc liệt và không phải thương hiệu trà xanh nào cũng thành công. Một sản phẩm trà của Kirin của một liên doanh giữa Acecook và một đối tác Nhật Bản đã mất bóng trên thị trường sau chưa đầy 2 năm xuất hiện do không cạnh tranh được với các sản phẩm có ưu thế trên thị trường như Trà xanh Không độ.
Trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đều phải lên kế hoạch chiếm lĩnh thị trường. Đó là lý do vì sao, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, trong khi nhiều ngành hàng khác phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh thì thị trường nước giải khát, hàng loạt các nhà máy mới vẫn được đầu tư xây dựng trong năm 2012 này. Mới đây, Tân Hiệp Phát đã quyết định đầu tư xây dựng 2 nhà máy mới sản xuất 40 loại sản phẩm đồ uống của tập đoàn này tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên với nhà máy NGK Number One Chu Lai (công suất 600 triệu lít/năm) và miền Bắc với nhà máy NGK Number One Hà Nam (tổng công suất 950 triệu lít/năm) sản xuất tới 40 loại sản phẩm đồ uống. Đại diện Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ: “Thị trường nước giải khát Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp để phát triển.
Chính vì vậy, Tân Hiệp Phát đã đầu tư mở rộng thêm 2 nhà máy mới, tăng công suất để phục vụ và thỏa mãn nhu cầu của NTD Việt. Các nhà máy đều được đầu tư 100% các dây chuyền sản xuất đồng bộ và hiện đại nhất từ châu Âu, quy trình sản xuất khép kín, tuân thủ nghiêm ngặt quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh”. Việc xây dựng các nhà máy mới nhằm thực hiện chiến lược của Tân Hiệp Phát là nhanh chóng phủ kín thị trường miền Trung và miền Bắc hơn nữa.
Theo Hiệp hội Rượu bia và nước giải khát Việt Nam, trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, mức tăng trưởng sẽ thấp đi so với những giai đoạn trước nhưng Việt Nam vẫn là thị trường tiêu thụ nước giải khát đầy tiềm năng, bởi mức tiêu thụ của người dân chỉ mới bằng 20% mức trung bình của thế giới. Điều này đang thúc đẩy các nhà sản xuất tiếp tục đẩy mạnh đầu tư. Tuy nhiên, chiếm ưu thế tại thị trường nước giải khát sẽ vẫn là những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh và có thương hiệu mạnh.
K.Nguyên