Đề cập tới kế hoạch tăng vốn thêm 5.000 tỷ đồng, đưa vốn điều lệ lên gần 14.000 tỷ đồng vào năm 2017, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank nhấn mạnh rằng việc tăng vốn điều lệ của Techcombank là cần thiết nhằm giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, quy mô hoạt động và khả năng cạnh tranh, tạo cơ sở cho phép Ngân hàng thực hiện thành công chiến lược phát triển ngân hàng.
"Ngoài ra, việc tăng vốn không phải lúc nào cũng có thể thực hiện, mà chỉ tiến hành tại thời điểm phù hợp, đồng thời phải mang được giá trị tăng thêm cho các nhà đầu tư hiện hữu. Chứ không phải tăng vốn để pha loãng giá trị cổ phiếu mình đang nắm giữ", Chủ tịch HĐQT Techcombank cho biết.
Bên cạnh việc nhất trí tăng vốn điều lệ của Techcombank thông qua hình thức chào bán cổ phần, đại hội cũng đã thống nhất dành toàn bộ lợi nhuận của năm 2016 để tiếp tục tập trung nguồn lực vì sự phát triển dài hạn của ngân hàng, tạo ưu thế tài chính, nâng cao các chỉ số an toàn và sẵn sàng nắm bắt các cơ hội kinh doanh trên thị trường.
Theo báo cáo của Hội đồng quản trị Techcombank tới cổ đông, trong năm 2016 Ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 3.997 tỷ đồng, tăng 96,2% so với năm 2015 và tăng 13% so với kế hoạch.
Tổng nguồn vốn huy động đạt 173.449 tỷ đồng, tăng 21,9% so với năm 2015 và đạt 101% kế hoạch. Tổng dư nợ tín dụng tính đến cuối năm 2016 đạt 159.010 tỷ đồng, tăng 24,8% so với năm 2015 và đạt 100% kế hoạch.
Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu tới cuối năm 2016 đạt 13,12%, cao hơn mức 9% theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ nợ xấu của Techcombank giảm từ 1,67% vào năm 2015, xuống còn 1,57%.
Techcombank là một trong số các Ngân hàng thương mại cổ phần dẫn đầu về vốn chủ sở hữu hợp nhất với 22.428 tỷ đồng, bao gồm trái phiếu chuyển đổi mà các trái chủ đã cam kết chuyển đổi thành cổ phiếu.
Năm 2017, Techcombank đặt kế hoạch kinh doanh với các chỉ tiêu tài chính cụ thể như: Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 5.020 tỷ đồng, tăng trưởng 26%. Tổng tài sản đạt 279.017 tỷ đồng, tăng trưởng 19%.
Bên cạnh đó, tổng huy động vốn đạt 227.133 tỷ đồng, tăng trưởng 31%. Tổng dư nợ tín dụng tính đến cuối năm đạt 181.067 tỷ đồng, tăng trưởng 16%. Nợ nhóm 3-5 (Nợ dưới tiêu chuẩn, Nợ nghi ngờ và Nợ có khả năng mất vốn) theo quy định của Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa về mức thấp hơn 2%.
Ngân hàng tiếp tục tăng tỉ trọng phục vụ các nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ theo định hướng của Chính phủ để góp phần vào tăng trưởng của nền kinh tế.