Tập đoàn Sông Đà:Nửa thế kỷ hào hùng cùng đất nước

Có một cách tốt nhất để ghi nhớ truyền thống của quá khứ là phải không ngừng làm cho hiện tại hoàn hảo hơn. Nhưng sự hoàn hảo không bao giờ tự tìm đến. Chỉ nhờ kết tinh của trí tuệ và sức lực của hàng vạn thế hệ cán bộ công nhân nhất trí, đồng lòng mới làm nên một “Sông Đà” với quá khứ hào hùng và hiện tại rất đỗi tự hào.Trong 50 năm qua, Tập đoàn Sông Đà đã không ngừng lớn mạnh đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.

“Một Thác Bà reo, gọi điện sông Đà”

Những thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, đất nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng CNXH ở miền Bắc và giải phóng miền Nam. Vì vậy, miền Bắc phải vững mạnh để đảm bảo là hậu phương lớn cho miền Nam đánh Mỹ. Trước yêu cầu đòi hỏi ấy và để xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH thì điện phải đi trước một bước.

Thi công bê tông đầm lăn trên công trường thủy điện Sơn La.


Ngày 1/6/1961, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 214/QĐ-TTg về việc thành lập Ban chỉ huy công trường thủy điện Thác Bà, sau được đổi thành Công ty Xây dựng thủy điện Thác Bà. Quyết định này đã trở thành dấu mốc lịch sử khai sinh ra ngành xây dựng thủy điện Việt Nam. Bắt đầu từ đây, lịch sử phát triển của Sông Đà gắn liền với những công trình thủy điện của đất nước.
 
Sau 8 năm xây dựng trong hoàn cảnh ngặt nghèo, có thời điểm gồng mình dưới mưa bom bão đạn của máy bay Mỹ, được sự giúp đỡ về kỹ thuật của các chuyên gia Liên Xô, tổ máy đầu tiên đã khởi động vào đúng dịp lễ Quốc khánh, ngày 2/9/1971 và chỉ một năm sau đó, tổ máy số ba cũng đã hoàn thành. Núi rừng Tây Bắc bao la và kiêu dũng bừng sáng từ nguồn than trắng được chinh phục. Lần đầu tiên ước mơ ngàn đời của người dân trở thành hiện thực. Sắt thép, xi măng, mưa ngàn nắng núi trên công trường thủy điện Thác Bà cũng làm nên trường học đầu tiên của một thế hệ cán bộ quản lý và những người thợ về xây dựng thủy điện cho tương lai.

Không ngưng nghỉ sau thành tựu bước đầu, những người thợ thủy điện lại lên đường theo tiếng gọi của những công trình: Nhà máy giấy Bãi Bằng, Nhà máy dệt Minh Phương, Nhà máy hóa chất Việt Trì, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặc dù liên tục bị phân tán, tổn thất cả nhân lực và trí lực bởi chiến tranh, nhưng Công ty Xây dựng thủy điện Thác Bà vẫn kiên trì xây dựng và bảo toàn đội ngũ cán bộ, thợ lành nghề dày dạn kinh nghiệm chuẩn bị cho những công trình mới.

Năm 1975 khi đất nước thống nhất, cả nước bắt tay vào công cuộc khôi phục kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH. Công ty Xây dựng thủy điện Thác Bà được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao cho nhiệm vụ rất nặng nề nhưng vô cùng vinh quang. Đó là: Chinh phục Sông Đà, xây dựng nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á thời kỳ đó với công suất 1.920 MW với 8 tổ máy. Chính trong thời gian này, tên của dòng sông Đà đã trở thành tên gọi mới của công ty: Công ty Xây dựng thủy điện Sông Đà và năm 1979 được nâng lên thành Tổng công ty (TCT) Xây dựng thủy điện Sông Đà. Một trang sử mới của Tổng công ty được mở ra ngay trên vùng đất gắn với những chiến công của những anh Bộ đội Cụ Hồ trong chiến dịch Hòa bình vang bóng.

Kể từ ngày 6/11/1979, công trình thủy điện Hòa Bình đã chính thức được khởi công đến thời điểm ngày 4/4/1994 tổ máy số 8 - tổ máy cuối cùng đi vào vận hành - thời điểm kết thúc xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Thoáng chốc đã trôi qua 15 năm kể từ ngày nổ mìn khởi công công trình với biết bao nhiêu sự kiện và kỷ niệm không thể nào quên.

Tại công trình thế kỷ này, Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định công trường được mang tên “Công trường Thanh niên Cộng sản”, với tinh thần: “Sông Đà vì cả nước, cả nước chi viện cho Sông Đà”. Hàng vạn CB, CNV, đặc biệt là những kỹ sư, những người thợ trẻ trên khắp mọi miền của đất nước về đây, đã không quản ngày đêm, gian khổ, bất chấp mọi hiểm nguy để làm việc với tinh thần "Tất cả vì dòng điện ngày mai cho Tổ quốc". Đây thực sự là thời kỳ mà mỗi khoảnh khắc sống đều mang trong nó tính sự kiện và giá trị đạo đức. Không thể kể hết những khó khăn chồng chất cũng như những trở ngại khôn lường mà tập thể CB, CNV Tổng công ty Xây dựng thủy điện Sông Đà đã phải vượt qua để biến giấc mơ từ ngàn đời của cha ông ta thành hiện thực: “Chinh phục dòng sông Đà”.

Và cũng tại công trình này, xuất hiện nhiều tấm gương lao động xuất sắc, quả cảm, tạo nên những anh hùng lao động như: Trần Thọ Chữ, Nguyễn Văn Bình, Lê Thị Ngừng, Nguyễn Hữu Tươi, Đào Công Chững; đồng thời, đây còn là nơi trưởng thành của nhiều thế hệ cán bộ cấp cao đã và đang đảm nhận trên những cương vị trọng trách của Đảng và Chính phủ, trở thành những đại biểu ưu tú của nhân dân, như các đồng chí: Phan Ngọc Tường - cố Bộ trưởng - Trưởng ban Tổ chức Chính phủ; Ngô Xuân Lộc - nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ và nhiều đồng chí khác.

Năm 1986, Đại hội 6 của Đảng - Đại hội của đổi mới, đánh dấu sự thay đổi lớn lao của đất nước. Chuyển đổi cả một cơ chế với nếp nghĩ cũ sang cơ chế mới, với cách nghĩ cách làm mới; bên cạnh đó, công trình thủy điện Hòa Bình bước vào giai đoạn cuối, hàng vạn cán bộ và người thợ phải đối mặt trước nguy cơ thiếu việc làm. Những ngày tháng khó khăn ấy được gọi là thời kỳ “Hậu Sông Đà”. Một lần nữa bản lĩnh, ý chí của người thợ sông Đà lại được thử thách, khơi dậy. Ngoài việc mở ra các ngành nghề may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất bao bì, dịch vụ vận tải, xây dựng dân dụng, kể cả tổ chức tăng gia chăn nuôi,... TCT đã tích cực tìm kiếm việc làm mở ra bước ngoặt về chuyển đổi đa dạng hóa ngành nghề của TCT. Những dự án, công trình này đã góp phần tạo ra hàng ngàn việc làm cho lực lượng lao động tạm thời dôi dư, giúp TCT vượt qua giai đoạn khó khăn để củng cố, xây dựng lực lượng bước vào một thời kỳ mới.

Vươn lên tập đoàn kinh tế mạnh

Một tập đoàn kinh tế mạnh với một TCT xây dựng thủy điện trước đây là hai thực thể khác nhau. Cùng với sự phát triển của đất nước, để tồn tại xứng danh với quá khứ, “Sông Đà” không có sự lựa chọn nào khác là phải vươn lên tiến kịp thời đại.

Từng bước vận hành theo mô hình TCT nhà nước theo Quyết định số 90/TTg của Thủ tướng Chính phủ và tiếp đó mô hình công ty mẹ - công ty con, TCT đã phát huy tính chủ động, sáng tạo, tập trung nguồn lực để phát triển, xây dựng được mối quan hệ gắn kết giữa các đơn vị thành viên, tạo thành sức mạnh tổng hợp, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

Sau khi xây dựng Nhà máy thủy điện Yaly năm 2001, công trường “thuần Việt” về thi công, lực lượng xây dựng thủy điện của TCT đã phát triển mạng mẽ cả về số lượng và chất lượng, với 18 đơn vị chuyên ngành cùng với lực lượng lao động bình quân trên 20.000 người, đội ngũ cán bộ quản lý giàu kinh nghiệm và lực lượng xe máy thi công hùng hậu, hiện đại. TCT tiếp tục được Đảng, Chính phủ giao cho làm tổng thầu EPC các công trình thủy điện: Sê San 3, Tuyên Quang và tổng thầu xây lắp hầu hết dự án thủy điện lớn như: Huội Quảng, Bản Vẽ , Sê San Plêikrông, Sơn La, Lai Châu... Đặc biệt, tại công trình thủy điện Sơn La - thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, TCT đã hoàn thành mục tiêu tiến độ công trình để phát điện tổ máy 1 vào tháng 12/2010, sớm hơn 2 năm so với tiến độ do Quốc hội phê duyệt. Một lần nữa, sự quả cảm của những người thợ sông Đà lập nên kỳ tích.

Ngoài thi công xây lắp các công trình thủy điện, TCT ghi dấu ấn ở những công trình công nghiệp: Xi măng Bút Sơn, Nghi Sơn, Nhà máy đường Sơn La, Hòa Bình, Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân. Để chinh phục “Hải vân đệ nhất hùng quan”, vượt qua những phép thử cực kỳ phức tạp về mặt kỹ thuật và xử lý địa chất mà không ít chuyên gia nước ngoài lắc đầu, với tinh thần sáng tạo và bản lĩnh kiên cường, người thợ sông Đà nhanh chóng tìm ra phương án khắc phục sự cố, đảm bảo tiến độ của dự án.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước phát triển các TCT, các tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô và tiềm lực ngang tầm với các tập đoàn kinh tế của các quốc gia trong khu vực và thế giới, nhằm góp phần ổn định, phát triển nền kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội của đất nước, ngày 12/1/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 52/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án thí điểm thành lập Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam do TCT Sông Đà làm nòng cốt, với sự tham gia của các TCT: LILAMA, DIC, LICOGI, COMA, Sông Hồng và Quyết định số 53 /QĐ-TTg thành lập công ty mẹ - Tập đoàn Sông Đà. Đây được coi là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của TCT Sông Đà cùng với tiến trình đổi mới, hội nhập kinh tế thế giới của đất nước.

Bước sang năm mới 2012, tập đoàn đang triển khai xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2015 tầm nhìn đến năm 2020 có hướng tới năm 2030 và chiến lược kinh doanh của các TCT, công ty con thuộc tập đoàn; thực hiện tái cơ cấu lại mô hình tạo nên sức mạnh tổng hợp đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn kinh tế lớn trong khu vực và thế giới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Luôn là vậy, với truyền thống khi đến là rừng rậm, đồi hoang, khó khăn thử thách, khi người thợ Sông Đà bước tiếp hành trình là để lại sau lưng những công trình, kỳ tích đổi thay diện mạo kinh tế, xã hội. Trải qua bao thăng trầm, Tập đoàn Sông Đà luôn nỗ lực phấn đấu và hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình.

Phan Hoàng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN