Tập đoàn AEON đẩy nhanh mở rộng mạng lưới siêu thị tại Việt Nam 

Công ty TNHH AEON đang nỗ lực mở rộng hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại ở Việt Nam nhằm khai thác thị trường có tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và đón đầu việc dỡ bỏ các hạn chế đối với các hãng bán lẻ nước ngoài. 

Chú thích ảnh
Người dân mua sắm tại siêu thị Aeon Mall Bình Dương. Ảnh tư liệu: Hải Âu/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Tokyo dẫn báo Nikkei Asia cho biết AEON dự định sẽ tăng gần gấp 3 số lượng trung tâm thương mại ở Việt Nam lên con số 16 trong thời gian từ nay tới năm 2025 nhằm giành lợi thế trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, với gần 40 năm kinh nghiệm hoạt động ở Đông Nam Á, AEON sẽ tận dụng kiến thức mà mình tích lũy được ở Malaysia và các thị trường khác để đẩy nhanh tốc độ mở thêm các cơ sở kinh doanh ở Việt Nam.

Ông Yasuyuki Furusawa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam, cho biết công ty cần đẩy nhanh việc mở thêm các cơ sở kinh doanh, do đó, công ty cần các sáng kiến mới. Ông khẳng định việc tăng cường hoạt động kinh doanh thực phẩm là một phần trong nỗ lực này. 

AEON hiện có khoảng 200 cơ sở kinh doanh ở Việt Nam, trong đó có 6 trung tâm thương mại và một số siêu thị. Các cơ sở kinh doanh này tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh – thành phố lớn nhất Việt Nam – và thủ đô Hà Nội. Công ty dự kiến sẽ khai trương một trung tâm thương mại ở thành phố Huế thuộc miền Trung Việt Nam vào năm 2024.

Một quan chức của AEON khẳng định Việt Nam là thị trường quan trọng nhất trong chiến lược ở nước ngoài với dân số 100 triệu người với độ tuổi bình quân là 33 tuổi và dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 7% trong năm nay.

Tuy nhiên, theo Nikkei Asia, Việt Nam còn hấp dẫn AEON vì một lý do khác. Với tư cách là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam dự kiến sẽ dỡ bỏ các giới hạn về đầu tư nước ngoài vào năm 2024. Điều này đồng nghĩa với việc quy định yêu cầu các hãng bán lẻ nước ngoài phải xin phép mỗi khi mở cửa hàng có tổng diện tích từ 500 m2 trở lên sẽ được dỡ bỏ.

Mặc dù mở rộng hoạt động kinh doanh của AEON ở Việt Nam có thể sẽ tiếp diễn nhưng cạnh tranh đang trở nên quyết liệt hơn tại thị trường này. Theo xếp hạng các hãng bán lẻ ở Việt Nam của công ty tư vấn Kearney của Mỹ, Công ty cổ phần Thế giới Di động hiện là công ty bán lẻ đứng đầu Việt Nam kinh doanh đồ điện tử gia dụng cũng như điện thoại di động và siêu thị, với doanh thu lên tới 4,8 tỷ USD. Công ty cổ phần Thế giới Di động hiện có 5.500 cửa hàng ở Việt Nam và một số quốc gia khác. Tại Việt Nam, thị phần của công ty này là khoảng 5%, cao nhất trong số các hãng bán lẻ. Đứng ở vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng của Kearney là Saigon Co.op, với doanh thu 1,6 tỷ USD và thị phần khoảng 1,5%. Tập đoàn Central Retail của Thái Lan đứng ở vị trí thứ 3 với thị phần gần 1%.

Mặc dù AEON không công bố số liệu doanh thu hoạt động ở thị trường Việt Nam nhưng Kearney ước tính con số này vào khoảng 700 triệu USD, đứng sau Tập đoàn Masan, vốn đang giữ vị trí thứ 5 với doanh thu 868 triệu USD.

Hiện nay, ngoài AEON, nhiều công ty khác cũng đang mở rộng mạng lưới tại Việt Nam. Central Retail dự định sẽ đầu tư 30 tỷ baht (khoảng 797 triệu USD) ở Việt Nam. Kể từ tháng 4, mỗi tháng, Masan đã mở hơn 100 cửa hàng tiện lợi và các siêu thị khác. Trong khi đó, Saigon Co.op dự định sẽ mở 100 siêu thị trong thời gian từ nay tới cuối năm.

Trong một môi trường cạnh tranh như vậy, kinh doanh ở Việt Nam đòi hỏi phải có sự tinh tế bởi vì, trước đó, hãng bán lẻ Metro AG của Đức đã rút khỏi thị trường này vào năm 2014, trong khi Auchan của Pháp cũng rời đi vào năm 2019. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu AEON bước chân vào khu vực Đông Nam Á. Trước khi mở trung tâm thương mại đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2014, AEON đã mở cửa hàng ở Malaysia vào năm 1985. Năm 2012, AEON tiếp tục mua lại một công ty con của hãng Carrefour (Pháp) ở Malaysia và đổi tên các cửa hàng này thành AEON BIG. Hiện nay, AEON đang điều hàng 21 cửa hàng như vậy ở Malaysia. Theo Kearney, AEON hiện là nhà bán lẻ lớn thứ 2 ở Malaysia, với doanh thu 1,2 tỷ USD và 2,3% thị phần, chỉ sau hãng 99 Speedmart.

Sau đó, AEON tiếp tục tiến vào thị trường Indonesia vào năm 2012 khi thiết lập công ty con để phát triển một trung tâm thương mại. Tuy nhiên, AEON gặp khá nhiều khó khăn trong việc mở rộng hoạt động ở thị trường này do các hạn chế về đầu tư nước ngoài. 

Một quan chức hàng đầu của AEON cho biết công ty này đang xâm nhập các thị trường tăng trưởng như Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Theo Nikkei Asia, các hãng bán lẻ nước ngoài dễ dàng mở rộng hoạt động hơn ở Việt Nam nhờ các quy định về nhập khẩu linh hoạt.

Đào Thanh Tùng (TTXVN)
AEON Việt Nam tái khởi động tuần lễ triển lãm và chương trình kết nối đưa hàng Việt vào AEON
AEON Việt Nam tái khởi động tuần lễ triển lãm và chương trình kết nối đưa hàng Việt vào AEON

Lễ khai mạc “Tuần lễ Triển lãm Sản phẩm Doanh nghiệp Việt” và “Hội nghị Kết nối Doanh nghiệp đưa hàng vào chuỗi Trung tâm Bách hóa tổng hợp và Siêu thị AEON” vừa diễn ra tại Trung tâm mua sắm AEON Tân Phú Celadon (TP Hồ Chí Minh).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN