Tái cấu trúc và thoái vốn PVN cần chính sách về quan hệ cổ đông phù hợp

Với kế hoạch tái cấu trúc, thoái vốn tại các doanh nghiệp thành viên, việc xây dựng một chính sách về quan hệ cổ đông (IR) chủ động, phù hợp sẽ góp phần giúp cộng đồng đầu tư đánh giá đúng về giá trị doanh nghiệp của PVN.

Hoạt động IR chưa chuyên nghiệp

Sáng 5/3, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phối hợp với Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức toạ đàm “Hoạt động quan hệ cổ đông (IR) doanh nghiệp ngành dầu khí.

Tọa đàm nhằm làm rõ tầm quan trọng của quan hệ cổ đông (IR) nói chung và quan hệ công chúng (PR) nói riêng đối với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp niêm yết và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng IR của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp của PVN.

Chú thích ảnh
Giàn khoan của Liên doanh Vietsovpetro tại mỏ Bạch Hổ (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Theo Thống kê của Ủy ban Chứng khoán Việt Nam về tình hình công bố, minh bạch thông tin của 21 doanh nghiệp ngành dầu khí niêm yết trên HNX và HoSE cho thấy hoạt động báo cáo và công bố thông tin đã được phần lớn các doanh nghiệp ngành dầu khí chú trọng và thực hiện theo đúng quy định.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng các doanh nghiệp dầu khí nộp báo cáo tài chính quý thiếu, nộp muộn báo cáo quản trị công ty, Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, Ủy ban chứng khoán Nhà nước Lê Công Điền chỉ rõ.

Về phía PVN, ông Đinh Văn Sơn - Thành viên Hội đồng Thành viên PVN cho biết, đầu năm 2018 vừa qua, PVN đã cổ phần hóa thành công 3 doanh nghiệp thành viên lớn là Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) và Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Điều này thể hiện sự nghiêm túc của PVN trong thực hiện cổ phần hoá, tái cấu trúc doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ.

Từ năm 2012 đến nay, PVN đã vận hành bộ chỉ số PVN Index, chỉ số chứng khoán ngành bao gồm rất nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp dầu khí hàng đầu, như PVGas, PVS, PVD, DPM, PVI…. Trong thời gian tới, PVN Index cũng sẽ có sự tham gia của các cổ phiếu dầu khí lớn khác như PVOIL, PV Power, BSR…

Thông qua hoạt động vận hành bộ chỉ số ngành, PVN Index, mối quan hệ giữa PVN, các doanh nghiệp dầu khí và nhà đầu tư, tổ chức lớn quốc tế sẽ được cải thiện hơn, nhất là trong bối cảnh nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2020-2022, tỷ trọng giải ngân của các quỹ ngoại sẽ gia tăng mạnh không chỉ vào các cổ phiếu đầu ngành, các nhóm ngành ngân hàng, bảo hiểm, dược phẩm, tiêu dùng và cả các cố phiếu của doanh nghiệp ngành dầu khí.

Tuy nhiên, hoạt động IR nhìn chung chưa chuyên nghiệp, cách thức triển khai chưa đồng đều, nhất quán, ông Sơn thừa nhận.

Chỉ ra những hạn chế mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải trong hoạt động IR, Giám đốc Phát triển quan hệ và đối ngoại Quỹ đầu tư Dragon Capital chỉ rõ, phần lớn các doanh nghiệp tổ chức IR chưa chuyên nghiệp, chủ yếu là công bố thông tin theo luật định. Thêm vào đó, hoạt động IR chỉ diễn ra tại các đại hội cổ đông và còn thiếu vắng các hoạt động với nhà đầu tư giữa 2 kỳ đại hội.

Đồng quan điểm này, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Le Bros Lê Quốc Vinh cho biết, IR là hoạt động PR chiến lược gắn với quản trị, tích hợp hoạt động tài chính, truyền thông, tiếp thị phù hợp với các luật đầu tư-doanh nghiệp-chứng khoán-tài chính, nhằm đảm bảo quan hệ hiệu quả, bền vững, đa chiều giữa doanh nghiệp, cổ đông, nhà đầu tư, nhà tài trợ, trung gian tài chính, giúp cho cộng đồng đầu tư đánh giá đúng về giá trị doanh nghiệp.

Theo ông Vinh, giá cổ phiếu trên thị trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố tác động như: Kinh tế vĩ mô; quy luật cung cầu của thị trường; tình hình kinh doanh của doanh nghiệp; tâm lý các nhà đầu tư và thông tin gây nhiễu trên thị trường.

Vì vậy, hoạt động IR gắn với công bố minh bạch thông tin là rất quan trọng với các doanh nghiệp niêm yết.

Đầu tư thích đáng cho IR

Theo Đề án tái cơ cấu toàn diện PVN đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035, hoạt động cổ phần hoá, thoái vốn các doanh nghiệp ngành dầu khí sẽ diễn ra sôi động.

Vì vậy, việc đầu tư thích đáng cho IR cùng với các hoạt động PR sẽ tạo ra kênh kết nối 2 chiều hiệu quả giúp PVN tái cấu trúc và thoái vốn diễn ra thành công, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của PVN và các doanh nghiệp dầu khí.

Đề xuất các giải pháp PVN và các doanh nghiệp tái cấu trúc, thoái vốn cần tập trung, đại diện Dragon Capital cho rằng, hội đồng quản trị các doanh nghiệp cần thể hiện cam kết cao để hướng doanh nghiệp đến văn hoá đối thoại cởi mở.

Doanh nghiệp cần rà soát và lựa chọn kênh thông tin phù hợp với các đối tượng, phát triển chính sách và quy trình công bố thông tin. Hoạt động IR cũng nên theo hướng chủ động, chuyên nghiệp và tích cực. Đặc biệt, hội đồng quản trị của doanh nghiệp nói chung và PVN nói riêng cần phê duyệt một chính sách IR tổng thể, đại diện Dragon Capital chỉ rõ.

Đồng quan điểm này, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Le Bros Lê Quốc Vinh nhấn mạnh, hoạt động IR của PVN cần nằm trong chiến lược chung và tổng thể phát triển thương hiệu, gia tăng giá trị của PVN.

Theo đó, doanh nghiệp cần chủ động cung cấp thông tin, cởi mở tiếp nhận cái mới, trung thực chính xác, công khai tiến trình và xây dựng kênh thông tin chủ động.

Nguyên Phó Tổng Giám đốc HNX Nguyễn Thị Hoàng Lan cũng cho rằng, hoạt động IR gắn với việc công bố minh bạch thông tin là trách nhiệm của chính doanh nghiệp niêm yết và phải xây dựng thành một chính sách xuyên suốt, liên tục.

Theo đó, doanh nghiệp cần tham gia vào các hoạt động công bố báo cáo thường niên của doanh nghiệp và tham gia vào các giải thưởng doanh nghiệp về công bố báo cáo minh bạch.

Hoạt động này không chỉ giúp các nhà đầu tư hiểu rõ về giá trị doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp niêm yết lan toả thông tin hiệu quả, nhất là trong bối cảnh công nghiệp 4.0 hiện nay.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, đại diện Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết sẽ có các giải pháp tăng cường tính công khai minh bạch thông tin của doanh nghiệp niêm yết.

Cụ thể Uỷ ban sẽ hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật; trong đó xây dựng Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) tạo hành lang pháp lý cao nhất điều chỉnh các hoạt động trên thị trường chứng khoán.

Uỷ ban cũng sẽ đánh giá các quy định hiện hành về công bố thông tin để có hướng hoàn thiện song song với quá trình sửa đổi Luật Chứng khoán.

Dự kiến, các nội dung như yêu cầu của một số công ty niêm yết có vốn hoá lớn bắt buộc phải công bố thông tin bằng tiếng Anh, theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS đối với công ty đại chúng sẽ được xem xét đưa vào Dự thảo Luật nhằm phù hợp hơn với thị trường cũng như tiệm cận gần hơn với thông lệ quốc tế.

Anh Nguyễn (TTXVN)
PVN đã xử lý sai phạm tại dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn 
PVN đã xử lý sai phạm tại dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn 

Vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng có đăng thông tin về sai phạm tại Ban quản lý dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Ban QLDA). Về vấn này, tối 29/11, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có thông tin chính thức gửi tới các cơ quan báo chí.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN