Sản xuất sợi xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Sợi Phú Mai - Khu công nghiệp Phú Bài. |
Các doanh nghiệp dệt may ở Thừa Thiên - Huế ra quân sản xuất đầu xuân
Ngày 21/2 (tức mùng 6 Tết Mậu Tuất), các đơn vị dệt may trong tỉnh Thừa Thiên - Huế đồng loạt ra quân sản xuất đầu năm.
Theo Sở Công Thương Thừa Thiên - Huế, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 50 doanh nghiệp dệt may hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 20.000 lao động, với mức lương bình quân từ 5 triệu - 7 triệu/người/tháng. Nhờ thu nhập ổn định, sau Tết, công nhân các doanh nghiệp dệt may có gần 100% lao động trở lại sản xuất.
Không khí ra quân, thi đua lao động sản xuất ở Thừa Thiên - Huế có hiệu quả ngay từ đầu năm. Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Huế cho biết, hiện doanh nghiệp đã nhận đơn hàng sản xuất đến tháng hết 4/2018 và tỷ lệ đơn hàng FOB (mua nguyên liệu, tự sản xuất và bán hàng trực tiếp không qua trung gian) chiếm tới 40%. Trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, đơn vị chi thưởng 30 tỷ đồng tiền tết, với mức thưởng 1,5 tháng lương/người cho lao động.
Công ty Cổ phần Dệt may Huế, doanh nghiệp duy trì và mở rộng được thị trường tiêu thụ thì sản phẩm và được các đối tác đánh giá cao và lựa chọn; trong đó, đã ký được nhiều đơn hàng giá trị từ các nước như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Ai Cập… Là đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, năm 2017, Công ty Cổ phần Dệt may Huế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng và mở rộng quy mô; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 84 triệu USD, doanh thu 1.672 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 56 tỷ đồng và đảm bảo việc làm ổn định cho trên 4.000 lao động.
Công ty cổ phần đấu tư dệt may Thiên An Phát, sau Tết Mậu Tuất có 5.000 lao động trở lại làm việc đông đủ. Hai công ty: Công ty cổ phần sợi Phú Việt, Công ty cổ phần sợi Phú Mai tạo việc làm cho 600 lao động với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Nhờ thu nhập ổn định nên công nhân trở lại làm việc, thực hiện các đơn hàng xuất khẩu sau Tết.
Năm 2018, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ có thêm 5 nhà máy may đi vào hoạt động, giải quyết thêm việc làm cho khoảng 5.000 lao động. Năm 2018, riêng Công ty Scavi Huế thuộc Tập đoàn Scavi (Pháp) tiếp tục triển khai xây dựng nhà máy may 4 tại Khu công nghiệp Phong Điền, nâng tổng số chuyền may lên 150, nâng tổng số lao động lên 7.000 người...
Sôi động không khí lao động đầu xuân tại Nhà máy Dệt may Nam Định Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài tặng quà động viên công nhân đang sản xuất tại Nhà máy dệt Hòa Xá đầu xuân mới. Ảnh Công Luật/TTXVN |
Ngày 21/2 (mùng 6 Tết Nguyên đán Mậu Tuất), Tổng Công ty cổ phần Dệt may Nam Định đã mở ca máy đầu xuân, tất cả các bộ phận, công nhân, kỹ sư đều vào việc với tinh thần phấn khởi quyết tâm đạt và vượt mọi chỉ tiêu được giao.
Theo thống kê, Tổng Công ty cổ phần Dệt may Nam Định có khoảng 3.500 lao động. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của công ty gồm: Sợi, khăn bông, sản phẩm may các loại… Năm 2017, giá trị sản xuất của Tổng Công ty cổ phần Dệt may Nam Định đạt trên 1.000 tỷ đồng; tổng doanh thu đạt gần 1.500 tỷ đồng, vượt kế hoạch gần 4% so với năm 2016; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 500 tỷ đồng; thu nhập bình quân của công nhân trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2018, số đơn hàng xuất khẩu tăng cao, vì vậy ngay từ những ngày đầu xuân, Tổng Công ty cổ phần Dệt may Nam Định đã huy động toàn bộ nhân lực tích cực tham gia sản xuất nhằm phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 1.400 tỷ đồng, tổng doanh thu đạt 1.600 tỷ đồng.
Đánh giá cao những kết quả Tổng Công ty cổ phần Dệt may Nam Định đạt được trong năm 2017, ông Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định khẳng định, ngành dệt may vẫn giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả nước.
Theo đó, ông Trần Lê Đoài yêu cầu cán bộ, công nhân lao động Tổng Công ty cổ phần Dệt may Nam Định tiếp tục đoàn kết, phát huy truyền thống của ngành và thi đua lao động sản xuất, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh năm 2018.
Cà Mau: 50.000 công nhân, viên chức lao động phấn khởi bước vào ngày làm việc đầu tiên trong năm mới Sau một tuần nghỉ Tết Mậu Tuất 2018, sáng 21/2, tại tỉnh Cà Mau, 50.000 công nhân, viên chức lao động đã trở lại cơ quan, công ty, nhà máy làm việc với khí thế vui tươi phấn khởi trong ngày làm việc, lao động đầu tiên của năm mới. Nhiều cơ quan Nhà nước đã tổ chức cho cán bộ, viên chức lao động thực hiện nghi thức chào cờ trong ngày làm việc đầu năm.
Các doanh nghiệp đã tổ chức lễ khai trương và đón hàng chục ngàn công nhân lao động trở lại công ty, nhà máy làm việc bình thường theo quy định của doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản đã bắt tay vào chế biến mẻ hàng xuất khẩu đầu tiên của năm mới, với mong muốn sẽ được ''thuận buồm xuôi gió''.
Tại Cụm công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau đã khai trương xuất cảng lô hàng đầu tiên vào ngày 17/2 (tức ngày mùng 2 Tết). Gần 1.000 nhân viên, kỹ sư, công nhân lao động nơi đây đã được Ban Giám đốc, Công đoàn tổ chức chăm lo đón Tết chu đáo nên vui tươi, phấn khởi lao động với khí thế hăng hái.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, trong dịp Tết Mậu Tuất 2018, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm hơn đến đời sống của người lao động như chi trả tiền lương, tiền thưởng kịp thời, tặng quà Tết cho công nhân, nâng chất lượng suất ăn giữa ca. Theo đó, các doanh nghiệp chi trả lương bình quân tháng 2/2018 là 4,5 triệu đồng/người (tương đương so với cùng kỳ) và thưởng Tết từ 2 - 15 triệu đồng/người; không có doanh nghiệp nợ lương người lao động trong dịp Tết.
Thái Nguyên sôi nổi ra quân sản xuất đầu xuân
Ngay sau thời điểm nghỉ Tết nguyên đán 2018, nhiều doanh nghiệp trên
địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã gia tăng sản xuất, tạo nên không khí lao
động sôi nổi, hiệu quả trong những ngày đầu xuân mới.
Tại Công ty cổ phần xi măng La Hiên thuộc Tổng công ty công nghiệp
mỏ Việt Bắc - TKV, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty cho biết, sau
khi dừng hoạt động một vài ngày để bảo trì thiết bị, bảo dưỡng máy móc,
ngay từ mùng 4 Tết, công ty đã tiến hành sản xuất, tổ chức hoạt động 3
ca liên tục, trung bình mỗi ngày sản xuất khoảng 3.000 tấn xi măng các
loại, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng.
Trong sáng ra quân mùng 6 Tết (21/2), công ty chính thức bán hàng
trở lại, xuất kho gần 3.000 tấn xi măng cho các đại lý, khách hàng tại
Thái Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc. Năm 2018, Công ty phấn đấu
sản xuất và tiêu thụ 680.000 tấn xi măng, đạt tổng doanh thu hơn 570 tỷ
đồng, nộp ngân sách hơn 24 tỷ đồng, đảm bảo việc làm cho trên 700 lao
động với mức thu nhập từ 7,2 triệu đồng/người/tháng trở lên...
Cũng như Công ty cổ phần xi măng La Hiên, ở Công ty cổ phần gang
thép Thái Nguyên, không khí lao động sản xuất trong những ngày đầu năm
mới hết sức khẩn trương, sôi động. Ông Hoàng Ngọc Diệp, Tổng giám đốc
Công ty chia sẻ, trong những ngày tết, Công ty gang thép Thái Nguyên vẫn
sản xuất bình thường, ngoại trừ bộ phận thương mại, mỏ, các đơn vị sản
xuất không nghỉ Tết.
Tại nhà máy luyện thép và các nhà máy cán Thái Nguyên, Lưu Xá, Thái
Trung đều hoạt động hết công suất với gần 1.000 công nhân lao động mỗi
ca, trung bình mỗi ngày sản xuất trên 2.000 tấn thép cán các loại. Năm
nay, Công ty đặt mục tiêu sản xuất trên 850.000 tấn thép, phấn đấu đạt
doanh thu trên 11.000 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho gần 5.000 lao
động...
Ở một số doanh nghiệp khác như Công ty TNHH sản xuất chế biến khoáng
sản Núi Pháo (Nuiphao Mining), Công ty cổ phần nhiệt điện An Khánh,
Công ty Samsung Electronic Việt Nam Thái Nguyên... hoạt động sản xuất
trong dịp Tết vẫn diễn ra nhộn nhịp, đảm bảo vận hành an toàn, khai thác
hiệu quả dây chuyền thiết bị công nghệ...
Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Thái Nguyên, trong tháng đầu
tiên của năm 2018, sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thái Nguyên tiếp
tục có bước tăng trưởng vượt bậc, tăng hơn cùng kỳ năm trước trên 15%,
trong đó nhóm sản phẩm có sản lượng tăng cao bao gồm: xi măng đạt hơn
183.000 tấn, sản phẩm may mặc đạt hơn 5,3 triệu sản phẩm, sắt thép đạt
hơn 120.000 tấn, điện thoại thông minh đạt hơn 8,4 triệu sản phẩm...
Do sự tăng trưởng cao của sản xuất công nghiệp, tổng giá trị xuất
khẩu trong tháng qua có giá trị tăng cao, đạt hơn 1,53 tỷ USD tăng gần
9% so với cùng kỳ; trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ
tọng 97% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Từ đầu năm đến nay, Thái Nguyên cũng cấp mới đăng ký kinh doanh cho
hơn 60 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 240 tỷ đồng, nâng tổng số
doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh lên hơn 6.100 doanh
nghiệp với tổng số vốn đăng ký kinh doanh trên 77.000 tỷ đồng.