Ngành dệt may thay đổi để bắt kịp xu hướng mới - Bài 1: Cơ hội từ các FTA

Mặc dù năm 2017 có nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam vẫn đạt mức khả quan, các doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng để tạo đột phá cho ngành.

Năm 2017 kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may Việt Nam đạt 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với năm 2016. Các chuyên gia cho rằng, có được kết quả này là nhờ sức hút từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mà Việt Nam tham gia, đem lại lợi ích cho ngành dệt may.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ngành dệt may bước vào năm 2017 với nhiều bất lợi, việc Mỹ rút khỏi TPP không chỉ tác động đến tâm lý các nhà nhập khẩu khiến cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam bị chững lại, mà còn khiến cho hoạt động đầu tư vào các nguồn cung thiếu hụt của ngành cũng bị chững lại trong suốt các tháng cuối năm 2016 và đầu năm 2017. Điều này đã làm thay đổi đáng kể cơ cấu sản xuất cũng như định hướng đầu tư của các doanh nghiệp trong ngành. Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của một số nước như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ càng làm cho sức mua sụt giảm.

Công nhân Trần Văn Lung (Công ty Cổ phần Dệt - Dệt may Nam Định) - tấm gương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tỉnh Nam Định. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN

Về thị trường xuất khẩu, giá trị xuất khẩu vào các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản có tăng nhưng không bứt phá bằng những thị trường mới nổi như Nga và Hàn Quốc. Các doanh nghiệp đã làm tốt việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu với sự tăng trưởng đột phá tại các thị trường còn mới như Campuchia, Trung Quốc.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, mặc dù không có TPP nhưng các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới khác mà Việt Nam đã và đang đàm phán đang tạo ra sức hút cho ngành dệt may.

Hiện Việt Nam đã tham gia ký kết 12 hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự dịch chuyển đầu tư sản xuất của các nước về Việt Nam để tận dụng thuế quan ưu đãi đã giúp cho thị trường mở rộng.

Có thể thấy Việt Nam đang nổi lên như một “điểm sáng” về dệt may, rất nhiều nước đang có nhu cầu giao thương với Việt Nam về lĩnh vực này. Đặc biệt, từ cuối năm 2016, khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và khu vực Liên minh kinh tế Á-Âu có hiệu lực thì Hàn Quốc là nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong lĩnh vực dệt may và đang dần dần soán ngôi một vài nước khác, tạo ra nhiều thuận lợi cho ngành dệt may, nhất là trong việc nhập khẩu nguyên phụ liệu của các doanh nghiệp sản xuất...

Trong năm 2017, hàng dệt may Việt Nam cũng tạo được sự đột phá mới khi xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc. Dù hiện chỉ chiếm tỷ trọng xuất khẩu khá ít, khoảng 3%, nhưng đây sẽ là tiền đề để tăng xuất khẩu dệt may vào thị trường này, giảm tỷ lệ nhập siêu (nhập nguyên liệu) trong thời gian tới.

Theo ông Lê Quốc Ân, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội Dệt may Việt Nam, sau Hàn Quốc thì Đài Loan (Trung Quốc) là nhà đầu tư lớn thứ hai trong lĩnh vực dệt may tại Việt Nam. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang xảy ra với tốc độ cao, lao động không còn là lợi thế của Việt Nam mà công nghệ mới là lợi thế.

Các doanh nghiệp Đài Loan có lợi thế công nghệ, Việt Nam có lợi thế về nguồn lao động nên trong thời gian tới sẽ có sự hợp tác trong việc phát triển ngành dệt may, đặc biệt là công nghiệp dệt, khi vải sẽ được sản xuất tại Việt Nam sẽ giảm nhiều chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành (trong năm 2017 ngành dệt may Việt Nam nhập gần 9 tỷ USD vải chủ yếu từ Trung Quốc,  Hàn Quốc, Ấn Độ...).


Ngoài ra, tuy rằng khi Mỹ quyết định rút khỏi TPP nhưng dự kiến Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ nhanh chóng được ký kết giữa 11 nước thành viên còn lại trong thời gian tới.

Tại Hội nghị cấp cao APEC diễn ra vừa qua tại Đà Nẵng cũng đã tạo ra cơ hội tăng cường hợp tác giữa 21 nền kinh tế nội khối, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực dệt may. Các chuyên gia cũng cho rằng, chắc chắn CPTPP sẽ đem lại nhiều triển vọng khi dòng thuế suất bằng 0%, giúp ngành dệt may Việt Nam mở rộng thị phần tại một số nước đang có thuế suất cao như Canada, Newzeland, Australia…

Một điểm sáng nữa là trong năm 2017, phần lớn các doanh nghiệp đã ý thức được tầm ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0, chủ động đầu tư và phát triển bền vững vào lĩnh vực mà ngành đang thiếu như công nghệ sợi, dệt, nhuộm và may thông qua việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, phương pháp quản trị, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng…

Bài 2: Thay đổi công nghệ là giải pháp sống còn

Việt Âu (TTXVN)
Xuất khẩu dệt may có thể đạt 34 tỷ USD trong năm 2018
Xuất khẩu dệt may có thể đạt 34 tỷ USD trong năm 2018

Trong năm 2017, ngành dệt may đã có nhiều bước đột phá đưa kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may Việt Nam trong năm ước đạt 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với cùng kỳ năm 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN