Số việc làm cần tuyển dụng lao động tại Mỹ cao nhất kể từ tháng 12/2000

Số việc làm cần tuyển dụng lao động tại Mỹ tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong tháng 3, thêm một dấu hiệu cho thấy tình trạng thiếu lao động đang ảnh hưởng đến tăng trưởng việc làm, ngay cả khi gần 10 triệu người Mỹ đang tìm việc.

Báo cáo về cơ hội việc làm và lượng lao động mất việc của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 11/5 cho thấy số lao động mất việc giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 3.

Chú thích ảnh
Người lao động bên ngoài Văn phòng Sở Lao động thành phố New York (Mỹ). Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Số lao động cần tuyển tăng 597.000, lên 8,1 triệu việc làm vào ngày cuối cùng của tháng 3, mức cao nhất kể từ tháng 12/2000. Mức tăng mạnh nhất là trong lĩnh vực lưu trú và dịch vụ ăn uống, với số chỗ trống tăng 185.000.

Nhu cầu lao động trong các cơ quan giáo dục nhà nước và các địa phương tăng 155.000. Trong lĩnh vực nghệ thuật, giải trí và sáng tạo, số lao động cần tuyển tăng 81.000. Cơ hội việc làm cũng tăng trong lĩnh vực chế tạo, thương mại, giao thông và dịch vụ công cộng cũng như tài chính. Con số này giảm trong lĩnh vực y tế và trợ giúp xã hội. Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters dự báo số cơ hội việc làm sẽ tăng lên 7,5 triệu trong tháng 3.

Trong khi đó, số lao động mất việc giảm xuống mức kỷ lục 1,5 triệu trong tháng 3, so với mức 1,7 triệu trong tháng 2. Con số này giảm 93.000 trong lĩnh vực xây dựng, nhờ nhu cầu nhà ở lớn. Tỷ lệ mất việc giảm từ 1,2% xuống 1%. Số người nghỉ việc tự nguyện tăng từ 3,4 triệu lên 3,5 triệu.

Tỷ lệ nghỉ việc không thay đổi, vẫn ở mức 2,4%. Tỷ lệ này được các nhà hoạch định chính sách và kinh tế xem như thước đo về lòng tin đối với thị trường lao động. Tuy nhiên, đại dịch đã buộc hàng triệu phụ nữ phải nghỉ việc, chủ yếu do các vấn đề liên quan đến việc chăm con.

Các công ty phải tìm kiếm lao động để đáp ứng nhu cầu được giải phóng sau giai đoạn bị dồn nén, nhờ các gói kích thích khổng lồ và dịch nhanh chóng được kiểm soát.

Việc tỷ lệ thất nghiệp cao dù các công ty không tuyển đủ lao động được cho là do những lo ngại về dịch dù tất cả người trưởng thành hiện đã có thể được tiêm vaccine. Một số cha mẹ vẫn ở nhà trông con khi các trường đã từng bước quay lại với việc học trên lớp.

Bên cạnh đó, do đại dịch, có những lao động nghỉ hưu và những người thay đổi nghề nghiệp.

Báo cáo trên có thể tác động tới Nhà Trắng trong việc xem xét lại các chương trình trợ cấp thất nghiệp, trong đó có khoản hỗ trợ bổ sung 300 USD hàng tuần, mức hỗ trợ cao hơn phần lớn những công việc được trả mức lương tối thiểu.

Trợ cấp thất nghiệp sẽ tiếp tục được cấp cho đến đầu tháng 9 theo gói kích thích trị giá 1.900 tỷ USD đã được thông qua hồi tháng 3. Các bang Alabama, Montana và South Carolina sẽ dừng trợ cấp thất nghiệp trong đại dịch từ nguồn tài trợ của chính phủ trong tháng tới. Khoản trợ cấp này dành cho người tự làm chủ, các lao động tạm thời và những lao động khác không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp thông thường của chính phủ.

Chủ tịch chi nhánh Fed tại Cleveland, Loretta Mester cho rằng việc gia hạn trợ cấp thất nghiệp giúp người lao động có thể cảm thấy thoải mái trong quyết định đã đi làm trở lại hay chưa. Quan chức này cho rằng những lo ngại về sức khỏe, những khó khăn trong việc trông trẻ và việc các trường học đóng cửa là những vấn đề chính.

Các nhà kinh tế cho rằng sự trái ngược về cơ hội việc làm và tình trạng thất nghiệp sẽ được giải quyết khi các công ty tăng lương và nhiều người được tiêm vaccine, dù tình trạng thiếu nguyên liệu thô có thể hạn chế tốc độ tuyển dụng.

Lê Minh (Theo Reuters)
Thị trường việc làm tại Mỹ sôi động trở lại
Thị trường việc làm tại Mỹ sôi động trở lại

Đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ đã tăng tốc trong tháng 3 vừa qua, thể hiện qua số việc làm tăng mạnh nhờ các doanh nghiệp hoạt động trở lại và chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 được đẩy mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN