Nghệ An đa dạng hóa đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Để đưa Nghệ An thoát khỏi tỉnh nghèo và cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục chỉ đạo các ngành, các địa phương hướng tới mục tiêu mọi người dân đều có việc làm, nâng cao năng suất lao động và tăng thu nhập, xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững. Trong đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là giải pháp quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nghệ An đang da dạng hoa các loại hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ảnh internet

Thời gian tới, tỉnh mở rộng và đa dạng hoá các loại hình học tập, đào tạo, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề cho lao động; thu hút các cơ sở dạy nghề tư thục, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tham gia hoạt động dạy nghề, nhất là cho lao động nông thôn, đảm bảo đảm nhận được khoảng 30% nhu cầu đào tạo nghề của vùng Bắc Trung bộ. Tỉnh Nghệ An bình quân hàng năm đào tạo 30.000 lao động có kỹ thuật để tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 55% vào năm 2015 và khoảng 65% vào năm 2020. Trước mắt, nâng cao chất lượng Trường dạy nghề cấp vùng ở Tây Bắc và Tây Nam Nghệ An, nhằm đào tạo kỹ thuật nông nghiệp cho cán bộ xã và lao động nông nghiệp theo các chương trình ngắn hạn và trung hạn. Theo kế hoạch, năm 2012 toàn tỉnh đào tạo nghề cho hơn 84.500 người, trong đó hơn 10.460 lao động nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm tỷ lệ đói nghèo và tạo bước mới về phát triển ngành nghề nông thôn...

Qua 2 năm triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Nghệ An đã tổ chức được 350 lớp dạy nghề cho 10.427 học viên, riêng năm 2011 đào tạo nghề cho 7.980 lao động. Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề đạt khoảng 75%. Các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm có hiệu quả được nhân rộng ra ở nhiều địa phương trong tỉnh như dạy nghề thông qua các mô hình: nuôi lợn thịt và gà thịt tại xã Lượng Minh, huyện Tương Dương; nuôi lợn siêu nạc tại xã Thanh Lĩnh và chăn nuôi trâu bò hàng hóa tại xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương; chăn nuôi vịt bầu Quỳ Châu tại huyện Quế Phong; mây tre đan xuất khẩu tại xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc; trồng rau cao sản ở xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu... Kết quả này góp phần rất lớn trong việc chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn, giải quyết việc làm tại chỗ, cung cấp lao động cho các doanh nghiệp, giúp nông dân chuyển đổi nghề, tạo thêm nghề mới, phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định an ninh chính trị tại địa phương. ./.

Viết Hùng
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN