Liên quan đến con số lỗ dự kiến năm 2020 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) trên 1.200 tỷ đồng và Công ty mẹ - VNR bị hụt dòng tiền xấp xỉ 100 tỷ đồng mỗi tháng, trao đổi với phóng viên TTXVN chiều 1/10 về vấn đề này, ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc VNR cho hay, ngay từ đầu năm, VNR đã dự báo được những khó khăn ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh từ việc triển khai dự án cải tạo nâng cấp cầu yếu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến ngành đường sắt khó khăn hơn, kéo theo hàng nghìn lao động bị ảnh hưởng, giảm thu nhập hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động.
Theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, 9 tháng năm 2020, doanh thu của Công ty mẹ -Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạt 1.307,9 tỷ đồng, ước tính kết quả sản xuất kinh doanh trước thuế của Công ty mẹ lỗ hơn 428 tỷ đồng.
Cụ thể, hàng hóa của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đạt hơn 3,6 triệu tấn, bằng 99,1% so với cùng kỳ năm 2019. Hàng hóa vận chuyển 2.671.683 nghìn Tấn km bằng 100,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lượt hành khách lên tàu chỉ đạt trên 3 triệu lượt hành khách, chỉ bằng 45,7% so với cùng kỳ; hành khách km đi tàu chỉ đạt 1.265.970 nghìn hành khách km, bằng 46,9% so với với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung doanh thu vận tải đường sắt 9 tháng năm 2020 giảm 34,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng giảm 1.179,1 tỷ đồng.
Về kết quả hợp nhất toàn Tổng công ty, ông Nguyễn Chính Nam, Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh - VNR cho hay, hiện tại doanh thu hợp nhất toàn Tổng công ty 9 tháng chưa tổng hợp xong. Tuy nhiên, doanh thu hợp nhất toàn Tổng công ty 8 tháng trước đó đã công bố chỉ đạt 4.088,5 tỷ đồng, bằng 77,8% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 64,4% kế hoạch năm. Dự kiến cả năm 2020, VNR lỗ trên 1.200 tỷ đồng.
Chia sẻ về các tác động ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của VNR năm 2020, ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc VNR cho hay, dịch COVID-19 tác động rất lớn đến hoạt động vận tải đường sắt. Tính từ tháng 2 đến tháng 5/2020, Tổng công ty đã giảm khai thác 2.886 chuyến tàu so với cùng kỳ năm ngoái; tỷ lệ chiếm chỗ trên các đoàn tàu 6 tháng đầu năm cũng chỉ đạt trên dưới 56%.
“Việc bùng phát dịch COVID-19, đợt 2 đã phá vỡ toàn bộ kế hoạch chạy tàu cùng các nỗ lực tăng sản lượng và doanh thu từ vận tải hành khách của Tổng công ty. Chỉ trong 18 ngày (từ ngày 23/7 đến 9/8/2020) số lượng vé trả lại tương ứng với 34,4 tỷ đồng, doanh thu vận tải hành khách giảm hàng ngày”, ông Đặng Sỹ Mạnh chia sẻ.
Cũng theo ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng công ty đã phải cắt giảm 6/10 đoàn tàu tuyến Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh. Các đoàn tàu địa phương khác cũng phải cắt giảm và chỉ tổ chức chạy tàu vào các ngày cuối tuần và một số tuyến phải dừng chạy tàu.
Dự tính tổng thâm hụt dòng tiền của VNR cả năm 2020 khoảng 1.000 tỷ đồng. Dự kiến năm 2020, với khoản lỗ 410 tỷ đồng của Công ty cổ phầnVận tải đường sắt Hà Nội và 357 tỷ đồng của Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn, 2 Công ty này cũng sẽ bị hụt dòng tiền khoảng xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Nguyên nhân là 2 Công ty này trong các năm vừa qua đã đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng đóng mới và cải tạo toa xe nên các năm tiếp theo gặp áp lực rất lớn về dòng tiền trả nợ gốc và lãi vay cho các ngân hàng thương mại.
Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, việc mất cân đối dòng tiền của các doanh nghiệp vận tải đường sắt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền của Công ty Mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam do các công ty con này đang sử dụng dịch vụ của Công ty Mẹ với số tiền dự kiến phải thanh toán cho Công ty mẹ trong năm 2020 lên tới hơn 1.600 tỷ đồng.
Do ảnh hưởng xấu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều lao động của ngành đường sắt không có việc làm, các doanh nghiệp đã phải cho người lao động nghỉ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương, nghỉ luân phiên. Từ đầu năm đến nay, toàn Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có tới 1.634 lao động bị ảnh hưởng hưởng thiếu việc làm; trong đó 423 lao động phải nghỉ luân phiên không hưởng lương từ 5-13 ngày công/tháng; 1.211 lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động.
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc VNR cho biết, để khắc phục ảnh hưởng của dịch COVID-19, Tổng công ty đang đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng và các cơ quan có thẩm quyền xem xét các giải pháp hỗ trợ Tổng công ty vượt qua khó khăn.
Tổng công ty đã có văn bản gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị tháo gỡ khó khăn cho VNR một số nội dung. Đó là miễn, giảm khoản phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt 8% trên doanh thu vận tải cho năm 2020; miễn trích nộp ngân sách Nhà nước 20% tiền thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020.
Bên cạnh đó, theo VNR, Nghị định số 65/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 về hướng dẫn thi hành Luật Đường sắt quy định các doanh nghiệp vận tải đường sắt có lộ trình 3 năm (tới năm 2021) để thay thế các phương tiện hết niên hạn sử dụng. Do đó, VNR sẽ phải thanh lý khoảng 60 đầu máy, gần 1.000 toa xe hàng và 500 toa xe khách. Đồng thời, phải huy động khoảng 6.822 tỷ đồng để đầu tư mới, bù đắp các phương tiện phải loại bỏ mà không được hưởng các ưu đãi về lãi suất vay.
Vì vậy, để tập trung nguồn lực giải quyết khó khăn cho ngành đường sắt, VNR đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Chính phủ lùi thời gian thực hiện Nghị định 65/2018/NĐ-CP về niên hạn sử dụng đầu máy, toa xe.