Đề nghị tiếp tục giao vốn VNR
Theo văn bản số 1805/BC-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án giao dự toán kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị người đứng đầu Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích quy định tại Nghị quyết số 87/2019/QH14, ngày 14/11/2019 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 theo hướng đề nghị cho phép tiếp tục áp dụng cơ chế giao dự toán kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thông qua dự toán ngân sách nhà nước của Bộ Giao thông Vận tải như đã thực hiện năm 2019.
Như vậy, đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải cũng chính là phương án 1 trong số 2 phương án xử lý những vướng mắc liên quan đến khoản kinh phí hơn 2.800 tỷ đồng phục vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp cho ý kiến.
Ngoài phương án 1, Thường trực Chính phủ còn yêu cầu các bộ, ngành (phương án 2) nghiên cứu triển khai cơ chế đặt hàng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy định của pháp luật.
Đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, phương án 1 có rất nhiều điểm thuận lợi cho cả cơ quan quản lý lẫn Tổng công ty Đường sắt Việt Nam như có thể triển khai ngay việc giao dự toán và thực hiện bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đảm bảo hoạt động bình thường, thông suốt của hệ thống đường sắt sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý. Bên cạnh đó, trong trường hợp được chấp thuận, các cơ quan chức năng cũng có thêm thời gian điều chỉnh, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc đặt hàng thực hiện bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho những năm tới.
Những vướng mắc trong việc giao dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 cho hoạt động bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư đã được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải phát hiện từ tháng 10/2019, khi bắt đầu xây dựng dự toán chi năm 2020. Do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã chuyển quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (tháng 10/2018) nên Bộ Giao thông Vận tải không thể tiếp tục giao vốn cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam như thông lệ.
Trong khi đó, Luật Đường sắt lại giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt và duy trì trạng thái kỹ thuật, chất lượng kết cấu hạ tầng sắt, đảm bảo giao thông đường sắt luôn an toàn, thông suốt. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng là đơn vị duy nhất tại Việt Nam có khả năng đảm nhận nhiệm vụ này.
Do không thể tiếp tục giao ngân sách nhà nước cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và chưa tìm được cơ chế ký hợp đồng phù hợp giữa Cục Đường sắt Việt Nam - đơn vị đang được Bộ Giao thông Vận tải tạm giao tổ chức triển khai dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020, nên từ ngày 1/1/2020 đến nay, việc bảo trì hệ thống đường sắt quốc gia gần như bị gián đoạn, đe dọa trực tiếp đến an toàn chạy tàu.
Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, để giải quyết tận gốc vấn đề, các cơ quan chức năng cần sớm duyệt Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư (Đề án do Bộ Giao thông Vận tải xây dựng); trong đó có kiến nghị tiếp tục giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia không tính vào vốn doanh nghiệp đến hết năm 2025.
Đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, việc giao dự toán cho Cục Đường sắt Việt Nam, sau đó đặt hàng với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại thời điểm này chưa thể thực hiện được. Cụ thể, do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực hiện bảo trì, nên việc ký hợp đồng theo cơ chế đặt hàng với Tổng công ty chưa phù hợp với điều kiện đặt hàng được quy định tại khoản 2, Điều 12, Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân.
"Trường hợp Cục Đường sắt Việt Nam ký Hợp đồng đặt hàng với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng chưa phù hợp về hợp đồng thầu phụ được quy định tại điểm đ, Khoản 1, Điều 47, Nghị định 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng: “Tổng thầu, nhà thầu chính không được giao lại toàn bộ công việc theo hợp đồng cho nhà thầu phụ thực hiện”, đại diện Bộ Giao thông Vận tải phân tích.
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hiện Cục Đường sắt Việt Nam cũng không thể ký hợp đồng trực tiếp với các công ty cổ phần đường sắt, thông tin tín hiệu do chưa có cơ chế ràng buộc vai trò của Công ty mẹ trong việc quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Để việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia không bị gián đoạn, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã giao Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương thực hiện ngay thủ tục để giải ngân (tạm ứng, thanh toán) nguồn vốn sự nghiệp kinh tế đường sắt để thực hiện ngay công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 theo quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn chạy tàu.
Đảm bảo tuyệt đối an toàn chạy tàu
Từ ngày 1/1/2020, có 20 doanh nghiệp công ích thực hiện nhiệm vụ bảo trì hệ thống hạ tầng đường sắt quốc gia thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không được ký kết hợp đồng, khiến cho trên 10.000 người lao động chưa nhận được tiền lương, nhiều hoạt động đảm bảo an toàn chạy tàu bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Quốc Vượng, Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải (đơn vị phụ trách tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng) chia sẻ, mỗi tháng đơn vị này phải chi 12 - 15 tỷ đồng trả lương lao động và bảo hiểm xã hội. Từ tháng 1, đơn vị đã thế chấp tài sản, vay ngân hàng để có tiền trả lương cho công nhân nhưng cũng chỉ cầm cự được 2 tháng đầu năm. Còn từ đầu tháng 3 nhờ có nguồn từ Tổng công ty cho vay khoảng 7 tỷ đồng, công ty đã chi trả được một phần lương cho người lao động.
Khi được hỏi về vật tư để sửa chữa hư hỏng hệ thống đường ray, ông Nguyễn Quốc Vượng cho hay, hiện vật tư dự phòng từ kho của đơn vị vẫn còn nên vẫn có thể xuất ra để sửa chữa khi có sự cố. Tuy nhiên về lâu dài nguồn dự trữ này sẽ cạn kiệt.
Tại Công ty cổ phần Đường sắt Hà Thái (đơn vị phụ trách bảo trì tuyến đường sắt Hà Nội – Thái Nguyên), ông Nguyễn Đức Tuấn cho hay, như mọi năm thì ngày 31/12 sẽ ký được hợp đồng đặt hàng với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, công ty đã được ứng ngay 30% giá trị hợp đồng tương đương với khoảng hơn 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2020, Công ty cổ phần Đường sắt Hà Thái cũng như 19 công ty bảo trì đường sắt của ngành đang gặp khó khăn, đặc biệt là không có nguồn để trả lương người lao động.
“Từ đầu năm đến nay, đơn vị phải vay ngân hàng và huy động nhiều nguồn vốn khác để trả một phần lương cho công nhân, qua đó giải quyết phần nào khó khăn cho đời sống công nhân. Tuy nhiên việc thiếu vốn để thực hiện các hạng mục duy tu có thể dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn đường sắt”, ông Nguyễn Đức Tuấn chia sẻ.
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hàng năm, nhà nước cấp cho ngành đường sắt để thực hiện duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt hơn 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế nguồn vốn này cũng mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% dự toán tính đủ cho công tác bảo trì đường sắt. Nguồn vốn thấp nhưng phải chi thực hiện nhiều nhiệm vụ; trong đó có 3 nhiệm vụ chính là bảo dưỡng thường xuyên (duy tu), sửa chữa định kỳ (sửa chữa lớn), khắc phục hậu quả bão lũ.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chia sẻ, với nguồn vốn bảo trì đường sắt cấp cho Tổng công ty từ năm 2019 trở về trước, Tổng công ty chi cho bảo dưỡng thường xuyên chiếm đến 90-92% tổng nguồn vốn. Chỉ còn 8-10% nguồn vốn còn lại để sửa chữa định kỳ, kiểm định, khắc phục hậu quả bão lũ và sửa chữa đột xuất...
“Chi phí chủ yếu dành cho bảo dưỡng thường xuyên; trong đó, trả lương công nhân và các chi phí khác cho người lao động chiếm gần 70%, mua vật tư khoảng 28%, máy móc thi công khoảng 3%. Trong số tiền chi trả lương cho người lao động thì lương cho hệ tuần đường, tuần cầu, tuần hầm, gác chắn chiếm đến 48%. 52% còn lại là lương cho công nhân duy tu”, ông Vũ Anh Minh thông tin.
Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam thông tin, trong khi chờ cấp có thẩm quyền quyết định phương án giải quyết những vướng mắt về giao nguồn vốn bảo trì cho ngành đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thống nhất chỉ đạo, kiểm tra 20 đơn vị đang thực hiện việc bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đảm bảo tuyệt đối an toàn chạy tàu. Hiện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã cho 20 đơn vị bảo trì đường sắt tạm vay 165 tỷ đồng để chi trả lương cho người lao động làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.